| Hotline: 0983.970.780

“Khai tử”!

Thứ Sáu 06/09/2013 , 10:10 (GMT+7)

Năm 1997 là một dấu mốc quan trọng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt HTX nông nghiệp tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Dù trắng HTX, nhưng nhờ những sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra suôn sẻ.

Năm 1997 là một dấu mốc quan trọng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt HTX nông nghiệp tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Dù trắng HTX, nhưng nhờ những sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra suôn sẻ.

>> HTX nông nghiệp đang ở đâu?

Những thửa ruộng không cõng phí dịch vụ

Đặt chân đến huyện Cẩm Khê, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nghe người dân kể chuyện về những thửa ruộng không phải “cõng” phí dịch vụ. Người nông dân được miễn nộp mọi khoản thu trên một đơn vị đầu sào.

Chuyện bắt đầu từ năm 1997, sau khi Luật HTX được ban hành, hoạt động của HTX chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, huyện Cẩm Khê có chủ trương giải thể hàng loạt các HTX nông nghiệp kém hiệu quả. Việc lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được giao cho chính quyền đảm trách.

Sơn Tình là một trong những xã của huyện Cẩm Khê ủng hộ và thực hiện quyết liệt chủ trương của cấp trên. Ông Hà Huy Giáp, Phó Chủ tịch xã Sơn Tình cho biết: Trước đây, toàn xã có 2 HTX nông nghiệp (1 và 2). Tuy nhiên, tất cả đều được giải thể từ năm 1997.


Người nông dân tự chủ hoàn toàn trên đồng ruộng

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ này được xác định là do hình thức tổ chức sản xuất HTX kiểu cũ không còn đủ năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi, “Nhà nước đã giao khoán ruộng đất cho nhân dân, nông dân được toàn quyền tự chủ canh tác trên mảnh đất của mình. Mối liên hệ giữa xã viên và HTX ngày càng nhạt nhòa.

Họ không còn thiết tha góp vốn, góp sức cho tập thể nữa. Trong khi đó, HTX không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, phải hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính, dẫn đến không có nguồn lực để hoạt động”.

Đứng trước một nhiệm vụ quan trọng, UBND xã Sơn Tình (cũng như nhiều địa phương khác) đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp do đồng chí Phó Chủ tịch xã trực tiếp điều hành.

Mọi ban, ngành chuyên môn đều phải nhập cuộc, đặc biệt là Ban Khuyến nông với cơ cấu 3 chức vụ gồm: tổ trưởng, tổ phó và tổ viên (tất cả đều có bằng trung cấp trở lên). Ban này chịu trách nhiệm bảo vệ thực vật, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham mưu, xây dựng kế hoạch mùa vụ, điều tra tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm, thủy sản…

Để bao quát toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, mỗi thôn đều có 1 khuyến nông viên thường xuyên thăm đồng và báo cáo tình hình. Nếu xảy ra dịch bệnh, Ban Khuyến nông sẽ thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh cho bà con biết và hướng dẫn cách phòng, trị bệnh. Nhân dân có thể đăng ký mua thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, giống, vật tư nông nghiệp tại UBND xã hoặc các đại lý tư nhân.

Khu, xóm đồng lòng

Ông Giáp cho biết, muốn điều hành sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong điều kiện không có HTX, thì phát huy tính tự chủ của nhân dân, khu dân cư có ý nghĩa quan trọng.

Ví dụ, trong công tác bảo vệ đồng điền, mỗi khu đều thành lập các tổ liên gia tự quản theo Quyết định 2200 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản ANTT. Mỗi tổ liên gia tự quản có từ 5-7 hộ liền kề nhau để bảo vệ tài sản chung. Hằng tháng phải sinh hoạt, nêu tinh thần cảnh giác và đưa ra một số kịch bản hoạt động khi có kẻ gian đột nhập, hoặc mùa màng bị phá hoại.

Để làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, năm 2010, hàng loạt các xã thuộc huyện Cẩm Khê, trong đó có xã Sơn Tình đã thành lập HTX dịch vụ thủy lợi để đảm nhận nhiệm vụ tưới, tiêu nội đồng. Kinh phí hoạt động các trạm bơm và chống hạn, chống úng dựa vào nguồn tiền cấp bù miễn thủy lợi phí của Nhà nước. Bên cạnh đó, các khu phải huy động thêm công lao động tại chỗ để tiến hành nạo vét kênh mương dẫn nước.

Theo ông Giáp: Việc duy trì hoạt động của HTX dịch vụ thủy lợi là cần thiết, bởi nhân dân không thể tự mình làm được mà phải có sự tham gia của tập thể, có đội ngũ điều hành, chỉ đạo.

Mặt khác, các nhân viên của HTX này không được hưởng lương hằng tháng mà được hưởng trợ cấp theo công lao động, làm ngày nào nhận ngày ấy. Còn những dịch vụ khác như cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, làm đất… nông dân có thể chủ động tự phục vụ hoặc thuê tư nhân vào cuộc.

“Tiếp sức” cho tư nhân

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hoàng Văn Hạnh, trưởng khu 13, xã Sơn Tình tỏ ra hồ hởi khi nhắc đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương: “Từ khi giải thể HTX nông nghiệp đến giờ, dân tình phấn khởi hẳn anh ạ. Họ không phải đóng góp bất cứ phí dịch vụ nào trên thửa ruộng của mình cho tập thể. Thay vào đó, mỗi người tự hạch toán chi tiêu, lựa chọn phương thức, cách làm phù hợp với điều kiện của mình để đem lại hiệu quả cao nhất”.

Ở đây, tất cả mọi khâu trong quá trình trồng trọt đều được triển khai bài bản, mà dấu ấn của cá nhân, kinh tế cá thể ngày càng quan trọng. Nhờ chính sách hỗ trợ 75% chi phí mua máy nông nghiệp của Nhà nước, anh Nguyễn Văn Thái (khu 13) đã mua một máy bừa nông nghiệp để kinh doanh dịch vụ làm đất cho hơn 100 mẫu ruộng trong khu dân cư.


Nông dân Nguyễn Văn Thái bên những chiếc máy cày của mình

“Tuy cái máy bừa này thuộc sở hữu cá nhân, nhưng về nguyên tắc, tôi vẫn phải phục vụ tập thể. Bởi, vốn của tôi chỉ chiếm 25%. Mỗi một lần bừa đất, tôi chỉ thu 30.000 đ/sào”, anh Thái cho biết. Do nhu cầu thuê máy bừa và thu hoạch lúa của bà con ngày càng tăng cao, nên anh Thái đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua thêm 1 máy bừa và 1 máy tuốt lúa để nâng cao công suất hoạt động và tăng thu nhập.

Năm 2012, thay mặt Nhà nước, UBND xã Sơn Tình tiếp tục hỗ trợ 75% chi phí để nông dân mua 67 máy phun thuốc trừ sâu động cơ điện (trung bình mỗi khu 5 chiếc). Những người được mua máy phải lập thành một nhóm để phun chung cho cả khu mỗi khi xảy ra dịch bệnh hại.

“Các gia đình có thể tự mua thuốc của đại lý, sau đó anh em pha thuốc tại đầu bờ để phun, hoặc cùng nhau hợp đồng với trưởng nhóm để phun thuốc dập dịch trên cả cánh đồng một với mức phí hợp lý”, trưởng thôn Hoàng Văn Hạnh tâm sự.

Tôi thắc mắc, nếu người dân không phải nộp phí dịch vụ theo đầu sào thì lấy đâu ra tiền để đầu tư xây dựng, nâng cấp giao thông, thủy lợi nội đồng? Ông Hạnh bảo: Hằng năm, mỗi khu đều thu được một khoản tiền lớn từ việc cho đấu thầu quỹ đất 5%. Toàn bộ nguồn tiền này được giao nộp cho xã quản lý. Khi cần mở một con đường, xây một cái cống bắc qua mương, suối, chúng tôi sẽ làm đơn xin xã trích một phần ngân sách này để hỗ trợ kinh phí mua vật liệu xây dựng và công lao động cho bà con.

Bên cạnh đó, khu cũng kêu gọi nhân dân gây dựng nhiều quỹ tập thể như: quỹ giao thông thủy lợi (mỗi một lao động góp 20 kg thóc/năm); quỹ xã hội (mỗi hộ 24.000 đ/năm); quỹ an ninh (6.000 đ/hộ) và quỹ thiên tai (7.500 đ/hộ) để sử dụng vào công việc chung của cộng đồng, phục vụ lợi ích của mọi người. Nhờ vậy, diện mạo của khu dân cư ngày càng tiến bộ.

GIẢI THỂ LÀ ĐÚNG

Đồng tình với quan điểm giải thể HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả là đúng đắn, ông Cao Mạnh Thường, Bí thư Đảng ủy xã Xương Thịnh, chia sẻ: “Nhà nước đã giao đất cho dân quản lý, tức là muốn khuyến khích phát triển kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nông dân. Đa số nông dân bây giờ không muốn ràng buộc với tập thể nữa.

Bởi vậy, những HTX nông nghiệp quy mô toàn dân, có số lượng xã viên lên đến cả ngàn người rất khó quản lý, điều hành. Nếu muốn hoạt động hiệu quả, bắt buộc phải lập ra các HTX theo ngành, nghề và lĩnh vực chuyên môn. Các thành viên trong HTX phải tự nguyện góp vốn, nhân lực, vật lực để tạo nguồn lực mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động của HTX phát triển”.

Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Khê, cho biết: Huyện Cẩm Khê có 29/33 xã đã giải thể HTX nông nghiệp quy mô toàn dân và thành lập HTX dịch vụ thủy lợi. Trong đó, HTX có số lượng xã viên nhiều nhất là Đồng Lương với 16 người, còn lại đa số từ 7 đến 9 người.

Bà Hưởng cũng nhận định: Đa số chủ nhiệm HTX và kế toán chưa có bằng cấp chuyên môn mà chủ yếu là do nhân dân bầu lên. Người ta không qua đào tạo gì nên có những cái chỉ đạo không đúng. Bây giờ, không còn HTX nữa, việc quản lý giao cho chính quyền xã, các ban, ngành chuyên môn đều vào cuộc thì việc chỉ đạo sẽ thống nhất với triển khai thực hiện.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để thành lập những tổ chức hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, đặc biệt lo đầu ra nông sản cho nhân dân… Nhưng các thành viên của HTX phải góp vốn và tự kinh doanh theo hình thức hoạt động của doanh nghiệp, chứ không có chuyện Nhà nước phải cấp tiền. Nông dân cũng không bắt buộc phải tham gia HTX khi không có nhu cầu thụ hưởng dịch vụ.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất