| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm

Thứ Tư 11/06/2014 , 08:05 (GMT+7)

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Công thương Hà Nội, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp và tập trung thủ công trên địa bàn TP có năng lực giết mổ, cung ứng khoảng 291 tấn thịt lợn và 179,6 tấn thịt gia cầm hàng ngày. Tuy nhiên các cơ sở giết mổ mới chỉ cung ứng hàng ngày được khoảng 138 tấn thịt lợn, 57,3 tấn thịt gia cầm, đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu thịt lợn và 34% nhu cầu thịt gia cầm.

Đáng lưu ý, trên địa bàn TP có khoảng hơn 2.500 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ cung cấp thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Để tạo điều kiện về cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định số 7446/QĐ-UBND về việc phê duyệt định mức chi phí giết mổ GSGC theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp.

Sở NN-PTNT đã rà soát và trình UBND TP phê duyệt 5 cơ sở giết mổ bán công nghiệp đảm bảo theo các tiêu chí được hưởng chính sách hỗ trợ. TP cũng phê duyệt danh sách các cơ sở giết mổ GSGC được hưởng chính sách khuyến khích hỗ trợ giết mổ theo quy định.

Trung tâm Phát triển chăn nuôi cũng tổ chức một số hội nghị, triển khai, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chi phí giết mổ cho các cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện hướng dẫn chính sách hỗ trợ của TP.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đưa ra một số khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GSGC. Trong đó, khó khăn lớn nhất là quỹ đất dành cho quy hoạch giết mổ khó khăn về thủ tục và GPMB vì liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Một số huyện tiếp tục có đề xuất điều chỉnh diện tích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để đáp ứng được nhu cầu giết mổ của địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt còn thiếu kinh phí cho GPMB, nguồn vốn doanh nghiệp thực hiện còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đánh giá: Công tác giết mổ và chế biến GSGC vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chăn nuôi cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Yêu cầu các đơn vị cần tích cực hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, kiên quyết xử lý các nhà máy, điểm giết mổ không đạt tiêu chuẩn, đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, ô nhiễm vào khu giết mổ tập trung.

Khẩn trương triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GSGC tập trung, thực hiện nghiêm việc cấm giết mổ trong các quận nội thành, sau khi ban hành quy định cấm này cần phải có kiểm tra thường xuyên.

"Để hỗ trợ DN tham gia hoạt động này một cách có hiệu quả và bền vững, trước tiên phải xây dựng được chuỗi liên kết từ SX đến người tiêu dùng để khách hàng, người tiêu dùng nhận diện được thực phẩm sạch...", ông Việt nhấn mạnh.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.