| Hotline: 0983.970.780

Khẳng định vai trò hàng xáo

Thứ Ba 21/09/2010 , 10:36 (GMT+7)

Ngày 20/9, tại An Giang, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã họp sơ kết tổ chức thí điểm mô hình tổ chức hàng xáo liên kết với DN kinh doanh lương thực.

Ngày 20/9, tại An Giang, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã họp sơ kết tổ chức thí điểm mô hình tổ chức hàng xáo liên kết với DN kinh doanh lương thực.

Hàng xáo mua 90% lượng lúa bán ra

Theo VFA, hiện nay, thành phần tham gia sản xuất, phân phối lúa gạo ở ĐBSCL gồm: người nông dân sản xuất lúa, hệ thống hàng xáo, hệ thống xay xát, hệ thống chế biến và cung ứng gạo thành phẩm, hệ thống xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trong đó, lực lượng hàng xáo đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong lưu thông phân phối lúa gạo, khi mua tới 90% lượng lúa hàng hóa mà nông dân bán ra.

Cũng theo VFA, từ nay đến năm 2020 và 2030, quá trình tích tụ đất đai ở ĐBSCL sẽ diễn ra mạnh và quy mô sản xuất sẽ lớn hơn, nhưng sản xuất lúa ở khu vực này vẫn chủ yếu là quy mô hộ, với khoảng hơn 1 triệu hộ trồng lúa. Vì thế, hệ thống hàng xáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa nói chung và trong chuỗi lưu thông phân phối lúa gạo nói riêng. Ông Nguyễn Thanh Bình, GĐ Sở Công thương An Giang khẳng định, doanh nghiệp và nông dân không thể thiếu hàng xáo, bởi đây chính là cầu nối quan trọng nhất để đưa lúa từ nông dân tới DN.

Liên kết - nhiều bên có lợi

Từ tháng 3/2010, Cty LTTP An Giang đã bắt đầu triển khai mô hình liên kết với nhà máy xay xát, hàng xáo ở các xí nghiệp lớn là Phú Hòa, Châu Phú, sau đó triển khai ra toàn bộ hệ thống của Cty. Phương pháp liên kết là Cty triển khai ký kết biên bản thỏa thuận tiêu thụ lúa gạo cho nông dân thông quan lực lượng hàng xáo và các nhà máy xay xát theo phương thức sau khi chốt giá, chối lượng, sẽ giữ nguyên giá mua trong vòng 3 ngày khi giá sụt, và mua theo giá thị trường nếu giá tăng. Đồng thời, Cty điều kiện thuận lợi trong nhập kho và thanh toán nhanh cho khách hàng đã ký thỏa thuận, kết hợp thêm khuyến khích khen thưởng đối với những người thực hiện tốt cam kết … Kết quả, trong vụ ĐX, Cty đã liên kết được với 38 DN xay xát, 383 hàng xáo, với lượng gạo thu mua được là 34.286 tấn. Trong vụ HT, Cty liên kết với 54 hàng xáo, thu mua 3.190 tấn gạo.

Cty Lương thực Sông Hậu đã liên kết được với 28 hàng xáo, 4 nhà máy xay xát, cung ứng gần 20.000 tấn gạo. Cty Lương thực Tiền Giang liên kết được 124 hàng xáo và nhà máy xay xát, cung ứng 28.120 tấn gạo…Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp thuộc VFA triển khai thí điểm mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, ở hầu hết các tỉnh có lượng lúa hàng hóa lớn ở ĐBSCL, với 1.421 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tham gia. Mô hình liên kết khá đa dạng.

Đại diện Cty XNK NSTP An Giang cho rằng qua việc liên kết này, Cty giữ được mối quan hệ mua bán chặt chẽ với hàng xáo, nhà máy xay xát, có lượng hàng cung ứng ổn định. Cty nắm bắt được thông tin về giá lúa gạo thị trường kịp thời, chủ động nguồn hàng nhập mua, sản xuất theo kế hoạch đơn hàng đã ký, giá mua ổn định, góp phần tạo sự ổn định và giữ giá lúa cao cho nông dân nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ. Ông Lê Minh Trượng, GĐ Cty Lương thực Sông Hậu khẳng định nhờ liên kết mà trong cùng 1 thời điểm, DN có thể mua được lúa gạo nhanh hơn và nhiều hơn so với trước đây. Còn về phía thương lái, họ cũng khẳng định qua việc liên kết này, DN đã ưu đãi mua ổn định giá kể cả khi giá gạo trên thị trường rớt xuống.

Vẫn gặp trở ngại

Mối quan hệ giữa DN và hàng xáo đã có từ lâu, nhưng chưa có cơ chế để liên kết, phối hợp. Sau 6 tháng tổ chức thí điểm mô hình này đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Vì thế, trong thời gian tới, VFA tiếp tục đẩy mạnh mô hình liên kết với hàng xáo trên diện rộng, với sự tham gia của tất cả các DN thành viên - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA
Tuy nhiên, việc liên kết giữa DN với hàng xáo trong 6 tháng thực hiện thí điểm đã bộc lộ ra nhiều khó khăn trở ngại. Khó khăn nổi bật nhất là vấn đề thanh toán và thuế. Hiện nay, hầu hết hàng xáo không đăng ký kinh doanh, nên không có tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Mà theo quy định của Nhà nước, khi thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, DN phải chuyển trả qua ngân hàng. Mặt khác, hàng xáo quen mua đứt bán đoạn, không ràng buộc với các nghĩa vụ thuế.

Bà Đinh Thị Thu Trang, hàng xáo liên kết với Cty Lương thực Long An nói thẳng “Chúng tôi không được khấu trừ thuế đầu vào khi mua lúa của nông dân mà lại phải chịu thuế đầu ra khi bán cho DN. Cứ làm thế thì chẳng còn lời lãi gì nữa”. Vì thế, những hợp đồng mua bán với số lượng lớn giữa DN với hàng xáo thông qua liên kết, bị hạn chế.

Một điều đáng lưu tâm là dù đã ký liên kết, nhưng một số nơi DN và thương lái vẫn chưa thực sự tin tưởng, gắn kết với nhau. Nhiều DN than khi giá lúa tăng, hàng xáo tìm cách “ém” hàng chờ giá cao hơn hoặc bán cho DN khác. Về việc này, nhiều hàng xáo cho biết chính họ cũng là nạn nhân khi đã thỏa thuận giá cả và đặt cọc rồi nhưng vẫn bị nông dân trả lại tiền cọc để bán cho hàng xáo khác trả giá cao hơn. Nhiều hàng xáo lại cho rằng DN chưa tính đúng giá lúa ở từng điểm thu mua, thời gian giữ giá mua ổn định (3 ngày) trong trường hợp giá lúa giảm là chưa phù hợp vì có những điểm mua lúa ở vùng sâu vùng xa khiến hàng xáo mất nhiều thời gian di chuyển, có DN đang triển khai thu mua lại bất ngờ thông báo ngưng với lý do đã đầy kho…

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.