| Hotline: 0983.970.780

Khảo sát thủy lợi ĐBSCL sau ngày giải phóng

Thứ Sáu 29/04/2011 , 08:39 (GMT+7)

Muốn cải tạo đồng bằng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải pháp hàng đầu là thủy lợi. Nhưng những tài liệu cơ bản phục vụ cho công tác quy hoạch thủy lợi gần như không có gì.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, vào tháng 5/1975, Bộ Thủy lợi cũ (nay là Bộ NN-PTNT) đã quyết định thành lập 4 đoàn quy hoạch thủy lợi để tiến hành lập quy hoạch thủy lợi toàn miền Nam Việt Nam. Đoàn Quy hoạch Thủy lợi ĐBSCL gồm khoảng 30 người, chia ra khảo sát 3 khu vực chính: tả sông Tiền, giữa sông Tiền và sông Hậu, hữu sông Hậu.

Kỹ sư Trần Đức Khâm là Trưởng đoàn Quy hoạch Thủy lợi ĐBSCL (QHTLĐBSCL) từ 1976-1978. Dù đã tuổi cao, sức yếu, nhưng khi nghe tôi hỏi về đồng bằng hồi mới giải phóng, đôi mắt ông sáng hẳn lên. Ông lật đật lấy ra cuốn hồi ký của mình do NXB Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2008, lật ra, đọc cho tôi nghe: “Ấn tượng nổi bật nhất của đồng bằng để lại trong người nơi khác đến là sự phì nhiêu và trù phú của nó. Hình như thiên nhiên thực sự ưu đãi mảnh đất này. Hình như cây cỏ ở nơi đây phát triển nhanh hơn, lớn hơn mọi miền khác của đất nước. Cảm giác đó rất rõ rệt khi ta bước chân đến những cù lao giữa sông hoặc những eo đất ven sông Tiền, sông Hậu. Nhưng những người có dịp đi sâu vào các vùng khác nhau của châu thổ sông Cửu Long vào năm 1975-1976 lại có những nhận xét trái ngược hẳn".

Ông đọc tiếp: "Nếu bạn ngược sông Tiền, sông Hậu đi lên miệt An Giang, Đồng Tháp trong mùa nước nổi, cảm giác rõ rệt là trên thế giới này chỉ có nước… Nhưng nếu bạn đến vào tháng ba, tháng tư dương lịch, tức là vào mùa khô thì cảnh quan ở đây hoàn toàn đổi khác. Đó đây là màu rạ của lúa nổi đã gặt nay xác xơ hoặc đang bị đốt cháy để chờ mùa vụ mới, là những vùng cỏ năng, cỏ lác bị lụi tàn trên nền đất phèn đen kịt, là những vùng cỏ nồm lau sậy khô vàng vì nắng gió… Vào các năm bảy mươi của thế kỷ trước, nếu chúng ta đi về mạn ven biển của đồng bằng càng cảm thấy sâu sắc hơn ấn tượng bao trùm là sự khát khao về nước ngọt. Cánh đồng khát nước, cỏ cây đòi nước, súc vật thèm nước, đến con người cũng khắc khoải mong chờ những trận mưa đầu mùa để có những gáo nước mát lạnh. Có những vùng suốt mấy tháng mùa khô người dân bình thường không tắm rửa bằng nước ngọt. Tắm bằng nước ngọt trong mùa khô là một sự xa xỉ. Nếu đi thuyền dọc các kênh vùng ven biển trong mùa khô, ta sẽ thấy nhũng thuyền đưa nước ngọt từ xa về để bán cho dân vùng ven biển chạy đầy trên mặt kênh”.

Theo ông Khâm, hồi mới giải phóng, ĐBSCL còn nhiều nhân tố hạn chế phát triển nông nghiệp. Khoảng 1,4 triệu ha ở thượng nguồn sông Cửu Long bị ngập lụt kéo dài 4- 6 tháng, chỉ trồng được lúa nổi hay bỏ hoang. Ở vùng ven biển, 1,7 triệu ha bị xâm nhập mặn trong mùa khô, làm giảm thời gian trồng trọt. 1,5-1,6 triệu ha của đồng bằng bị chua phèn, không thể sản xuất được... Nhìn chung, trở ngại chính cho việc phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL khi ấy là lũ lụt, úng thủy, hạn hán, chua phèn và xâm nhập mặn.

Muốn cải tạo đồng bằng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải pháp hàng đầu là thủy lợi. Nhưng những tài liệu cơ bản phục vụ cho công tác quy hoạch thủy lợi gần như không có gì. Các số liệu về mặn thì chỉ có tài liệu từ những năm… 1936-1940, tài liệu về chua phèn rất ít ỏi, sơ sài, tài liệu về lũ cũng gần như không có… Trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn cũng đã mời chuyên gia nước ngoài tới nghiên cứu, khảo sát xây dựng thủy lợi ĐBSCL, nhưng tài liệu của họ lại toàn bằng tiếng Anh, và chỉ nói chung chung, nên không giúp được mấy.

Trong bối cảnh ấy, để có được những dữ liệu cần thiết phục vụ cho việc định hướng phát triển thủy lợi ĐBSCL, không có cách nào khách là các cán bộ thủy lợi phải lăn lộn xuống địa bàn, tới tận ngọn nguồn các con sông, kênh, rạch. Nhưng chuyện đi lại hồi đó không hề đơn giản chút nào. Anh Phạm Xuân Phương (Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam), vốn là một kỹ sư tham gia tổ khảo sát hữu sông Hậu sau năm 1975, nhớ lại “Hệ thống sông rạch nhỏ ở đồng bằng, trải qua mấy chục năm chiến tranh không được nạo vét, đã bị bồi lắng khá nhiều. Khi nước lên có thể đi lại được. Nhưng khi nước xuống, thì chỉ có nước nhảy xuống mà đẩy thuyền. Có lần tôi đi khảo sát trên tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, phải vừa lội vừa đẩy thuyền hàng tiếng đồng hồ. Lúc lên bờ, nhìn xuống hai chân, thấy đã đỏ lòm vì phèn bám vào. Đi từ Cần Thơ xuống Cà Mau, từ sáng tới tối mới được vài chục cây số. Muốn vào trung tâm vùng mặn của bán đảo Cà Mau, trung tâm tứ giác Long Xuyên, trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, thì chỉ có nước đi bộ, bởi đường giao thông bộ chưa có, kênh rạch lớn mà ghe, thuyền có thể đi vào, cũng không luôn”.

Vậy mà các cán bộ khảo sát thủy lợi phải xuống địa bàn liên tục. Khi dùng xe đò, lúc đi xe đạp. Mỗi lần đi cả tuần hay 10 ngày trời. Ngày đó, hàng quán chẳng có, nên ai đi địa bàn cũng phải mang theo gạo vào nhà dân nhờ nấu. Đã thế, khi ấy, do mới giải phóng nên việc đi lại của các cán bộ khảo sát thủy lợi dễ gặp nguy hiểm bởi tàn quân ngụy hoặc các thế lực chống đối nằm trong một số giáo phái. Mỗi lần đi xuống địa bàn, nhất là vùng vành đai Cái Sắn, Thốt Nốt, dù ai cũng được phép mang súng bên mình, nhưng đến tối là không dám nghỉ lại mà phải trở về cơ quan cho an toàn.

Cũng vì hồi đó, đồng bằng còn chưa thật sự an toàn, nên thỉnh thoảng, cán cán bộ khảo sát thủy lợi lại bị dân quân, bộ đội hoặc công an… bắt nhầm. Anh Phương kể, có lần, một đoàn đi khảo sát ở huyện Tân Hiệp (Hậu Giang). Do đoàn thuê thuyền lớn, trên thuyền trữ nhiều xăng dầu để đi dài ngày, lại có cả súng, nên đã bị công an và dân quân địa phương bắt giữ vì tưởng là một nhóm phản động nào đó. Mãi tới khi Trưởng đoàn quy hoạch biết tin, xuống can thiệp, cả đoàn mới được thả ra.

Trong đợt lũ lớn năm 1978, gây ngập tới 1,7 triệu ha của ĐBSCL, từ trên máy bay nhìn xuống, thấy đồng bằng như một bể nước mênh mông. Thế nhưng, các cán bộ khảo sát thủy lợi không được về nơi an toàn mà phải vật lộn với nước lũ để thu thập các số liệu, đánh giá khảo sát tình hình lũ lụt. Ông Trần Đức Khâm nhớ lại: “Hồi ấy, nước lũ sâu lắm, lại cộng thêm gió mạnh, nên có thuyền khảo sát đã bị đẩy sang tận Campuchia”.

Thế nhưng, những sai lầm không phải là không có, nhất là khi hầu hết cán bộ khảo sát thủy lợi ĐBSCL sau năm 1975 đều từ ngoài Bắc vào, chưa thông hiểu tập quán, cung cách sản xuất của người nông dân Nam Bộ. Ông Trần Đức Khâm cho rằng sai lầm lớn nhất trong giai đoạn 1975-1980 là đã đề xuất xây dựng hàng loạt trạm bơm điện lớn, mỗi trạm phục vụ hàng ngàn ha. Mô hình trạm bơm này đã nhanh chóng thất bại vì không hợp với điều kiện sản xuất ở ĐBSCL.

Tất cả các cán bộ trong Đoàn QHTLĐBSCL ngày ấy đều là những người sẵn sàng chịu đựng gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vì thế, đã không có ai bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng do gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, nên công tác khảo sát, quy hoạch thủy lợi ở ĐBSCL những năm sau ngày giải phóng Miền Nam, mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu tổng hợp, rút ra những đặc điểm của đồng bằng và nêu ra những công trình cấp thiết phải làm để khôi phục sản xuất, phát triển nông nghiệp ở các địa phương.

Tuy nhiên, chính từ những chuyến đi thực địa đầy gian khổ đó, mà tới cuối năm 1977, Đoàn QHTLĐBSCL đã bắt đầu viết được báo cáo đầu tiên về Quy hoạch Thủy lợi toàn ĐBSCL. Chỉ trong một thời gian ngắn, những người làm công tác khảo sát, quy hoạch thủy lợi đầu tiên ở ĐBSCL sau ngày giải phóng miền Nam đã định hướng được nhiều công trình có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực này, nhất là các kênh trục dẫn nước ngọt cải tạo đất phèn, đất mặn như Hồng Ngự, Tân Thành – Lò Gạch, Ba Thê… Đến nay, niềm tự hào nhất của những người đã từng tham gia khảo sát thủy lợi ĐBSCL từ sau ngày giải phóng đến nay, là đã góp phần biến vùng tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười, từ chỗ gần như bỏ hoang bởi bị chua phèn nặng nề, trở thành những vùng sản xuất lúa quan trọng nhất của ĐBSCL.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất