| Hotline: 0983.970.780

Khát giống mía nội

Thứ Ba 16/08/2011 , 11:16 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, mía đường đã trở thành một trong những ngành hàng nông sản quan trọng của cả nước. Thế nhưng ngành mía đường lại đang phụ thuộc quá nhiều vào giống ngoại nhập.

Thu hoạch giống mía nội địa VN84-4137 ở Bến Tre

Từ nhiều năm nay, mía đường đã trở thành một trong những ngành hàng nông sản quan trọng của cả nước, với diện tích mía hiện gần 300 ngàn ha. Nhưng ngành mía đường lại đang phụ thuộc quá nhiều vào giống mía ngoại nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP Đường Biên Hoà, giống mía nội địa được sử dụng trên các đồng mía cả nước hiện rất thấp, chưa tới 10%. TS Cao Anh Đương, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Mía đường cũng đưa ra con số tương tự.

Như vậy hiện có tới trên 90% mía trên đồng ruộng là giống nhập ngoại. Theo TS Cao Anh Đương, trong những năm qua đã có khoảng 4.000 tấn mía giống được nhập khẩu vào nước ta, chủ yếu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan… Lượng giống nhập khẩu như vậy là quá lớn, khiến cho công tác kiểm dịch sau nhập khẩu rất khó khăn.

TS Đương đưa ra câu hỏi: “Có những xe chở tới 20 tấn mía giống nhập khẩu, làm sao kiểm dịch nổi?”. Điều đáng lo ngại là mía giống nhập khẩu thường được các DN đưa thẳng xuống vùng nguyên liệu thông qua chương trình đầu tư cho nông dân, mà không qua khâu khảo nghiệm về năng suất, chất lượng, tính thích nghi…

Nói rõ thêm về chuyện nhập giống này, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết các DN cử người ra nước ngoài, thấy giống nào của họ có vẻ tốt là mang về Việt Nam trồng, nếu mía sống thì cứ thế trồng tiếp, nếu mía chết thì lại đi kiếm giống khác. Nhập giống kiểu này, cũng kiếm được những giống thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, nhưng năng suất không thể được như ở bên nước họ. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đang khiến cho năng suất đường ở nước ta rất thấp, chưa tới 5 tấn/ha.

Thậm chí do nhập giống ngoại tràn lan theo cung cách rất nghiệp dư như trên mà ở nhiều vùng mía, đang có những giống mà không ai còn biết được tên gọi của nó. Do các nhà máy đường hiện mua xô, nên những giống “vô danh” này vẫn còn cơ hội để tồn tại. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là với tình trạng phụ thuộc vào giống ngoại và nhập khẩu tràn lan giống mía dẫn đến nguy cơ dịch bệnh, vì theo TS Cao Anh Đương, cây mía đều được nhân giống vô tính, nên hầu như các bệnh nguy hiểm trên mía hiện nay đều lây qua hom.

Trên thực tế việc giống mía ngoại đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, không hoàn toàn do tâm lý sính ngoại của các DN hay người trồng mía. Bởi hiện nay, nhiều DN đã nhận thức được rằng muốn nâng cao năng suất, chất lượng mía, điều quan trọng nhất là phải có bộ giống mía nội địa tốt. Đó chính là cơ hội tốt để phát triển các giống mía trong nước. Tuy nhiên, việc làm giống mía ở nước ta đang gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về mặt chính sách.

Theo TS Cao Anh Đương, một đề tài nghiên cứu giống mới, chỉ cho thời gian thực hiện từ 3- 5 năm và chỉ quan tâm tới sản phẩm sau cùng (bao nhiêu giống được công nhận, bao nhiêu giống được sản xuất thử…), không quan tâm tới các sản phẩm trung gian trong quá trình lai tạo. Với những loại cây trồng khác, thời gian như vậy là được, nhưng riêng cây mía, thời gian làm một giống mới phải mất 8 năm. Chính vì thế, các cơ quan khoa học khi làm đề tài về giống mía đành phải nhận tiền tới đâu thì tiến hành lai tạo giống tới đó, khi nào hết tiền sẽ tính tiếp. Và do thời gian thực hiện đề tài ngắn hơn nhiều so với thời gian cần có để ra được một giống mía mới, các đơn vị làm đề tài giống mía cũng đành phải đi ra nước ngoài nhập giống mới về để có sản phẩm báo cáo.

Điều đáng tiếc là chương trình nhân giống mía 3 cấp đã từng được Bộ NN-PTNT xây dựng đề án từ năm 2005, nhưng đến nay, mọi việc vẫn đang lửng lơ, và chưa hề có một hệ thống nhân giống 3 cấp trong sản xuất mía.

Ông Nguyễn Văn Lộc cũng cho biết do không thể ngồi chờ Nhà nước, nên Cty CP Đường Biên Hoà đang chủ động làm bộ giống mía nội địa, nhưng do là DN cổ phần nên không được hỗ trợ kinh phí trực tiếp từ chương trình giống quốc gia, mà phải thông qua ngân sách ở các tỉnh có đất trồng mía. Thế nhưng, do những tỉnh trồng mía thường không giàu có nên việc bố trí ngân sách hỗ trợ cho việc làm mía giống là rất khó.

Nhưng một trong những việc cần làm nhất hiện nay là phải hình thành ngay một hệ thống nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp. Theo đó, các Viện, Trung tâm nghiên cứu hay Trung tâm giống cấp vùng, cấp tỉnh chịu trách nhiệm làm giống mía cơ bản. Các công ty làm các trại giống kiểm định, còn các trại giống thương phẩm đặt ngay tại vùng nguyên liệu nhưng phải được cách ly bằng hàng rào cây hoặc phun thuốc thường xuyên.

Theo TS Cao Anh Đương, ta có thể lấy các cây mía tơ và mía gốc của 1 ruộng mía giống cơ bản và kiểm định làm giống (nhưng hạ đi 1 cấp giống), nếu năng suất ruộng mía giống đạt trung bình 50 tấn/ha, thì từ 1 ha ruộng mía cơ bản sạch bệnh, sau 3 vụ chúng ta có thể làm ra được trên 2.400 tấn giống thương phẩm sạch bệnh, đủ trồng cho trên 300 ha, tương đương với tỷ lệ trồng mới hàng năm (30%) của 1.000 ha mía nguyên liệu, theo chu kỳ 1 vụ tơ, 2 vụ gốc. Như vậy, cứ 1.000 ha mía thương phẩm thì cần 50 ha ruộng giống mía 3 cấp (1 ha ruộng giống cơ bản, 6 ha ruộng giống kiểm định và 43 ha ruộng giống thương phẩm).

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất