| Hotline: 0983.970.780

Khát giữa vùng sông nước

Thứ Tư 24/04/2013 , 10:00 (GMT+7)

Sống giữa vùng đất bốn bề là sông nước nhưng hàng ngàn hộ dân ở các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Sống giữa vùng đất bốn bề là sông nước nhưng hàng ngàn hộ dân ở các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. 

Xót lòng tiền nước

Theo chân anh Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Biên, chúng tôi tìm về xã Nam Thái A, một trong những xã ven biển của vùng U Minh Thượng nhiều năm qua người dân phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng mỗi khi vào mùa khô hạn. Đặc thù của vùng này là những tháng mưa người dân giữ nước ngọt để làm lúa, còn những tháng hạn thì lấy nước mặn từ biển vào để nuôi tôm.

Cái nắng như thiêu đốt của những ngày đầu hè đã làm cho nước trên các tuyến sông sắc lại, độ mặn tăng lên tới 30-35 phần nghìn. Sau nhà, đồng ruộng mênh mông nước nhưng cũng mặn chát, được người dân bơm từ sông, rạch lên chống nắng cho tôm.

Bốn bề đều là nước mặn, trong khi nước ngầm không thể khai thác sử dụng nên buộc lòng người dân nơi đây phải mua nước ngọt được chở bằng ghe từ nơi khác đến với cái giá ai nghe cũng phải giật mình: 70.000-80.000 đồng/lu (khoảng 0,8 m3).

Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nam Thái A Phan Thanh Duy cho biết: “Hơn mười năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, con tôm đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa. Tuy nhiên, việc mở cửa biển “dẫn mặn nhập điền” để nuôi tôm cũng mang đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong những tháng khô hạn”.


UBND xã Nam Thái A trang bị 10 bồn chứa nước loại lớn nhưng cũng chỉ qua Tết Nguyên đán là khô đáy

Toàn xã Nam Thái A có 7 ấp thì mới có 3 ấp được cấp nước máy (từ trạm của xã kế bên) theo chương trình nước sạch nông thôn. Còn lại 4 ấp là Bảy Biển, Xẻo Đôi, Xẻo Vẹt, Đồng Giữa với tổng số 1.496 hộ, 6.440 khẩu phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trong suốt những tháng mùa khô.

Bà Tám Huệ (Nguyễn Thị Huệ) đã có mấy chục năm sinh sống tại ấp Bảy Biển than phiền: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hạn là người dân ở đây lại lo chạy tiền mua nước sinh hoạt. Gia đình tui có 3 người, tiết kiệm lắm thì 1 lu nước sử dụng được 3 ngày, một tháng hết 10 lu, tính ra tiền mất 700.000-800.000 ngàn đồng. Trong khi tiền ăn gạo chưa tới 200.000 đồng/ tháng”.

Gia đình bà Huệ có đến gần chục cái lu nhưng chỉ qua được mùa mưa một thời gian ngắn là khô đáy. Để có nước sinh hoạt, bà Huệ bóp bụng vay 5 triệu đồng khoan giếng nước ngầm. Thế nhưng nước mặn chát (khoảng 8-10 phần nghìn) và phèn vàng khè nên không thể sử dụng.

Bà lại kiếm thêm tiền làm hệ thống lọc bằng cát và than hoạt tính nhưng cũng chỉ có thể dùng để tắm, giặt hay rửa rau đỡ nước đầu, xong vẫn phải xả lại bằng nước ngọt. Hàng trăm hộ dân của ấp cũng phải sống trong cảnh tương tự.

Ghé Trường Tiểu học Nam Thái A 1, chúng tôi được thầy Võ Văn Ớt, Hiệu trưởng của trường dẫn ra sau thăm khu nhà vệ sinh mới được xây dựng. Đập vào mắt chúng tôi là một màu vàng khè do nước phèn đóng dày cả lớp.

Thầy Ớt cho biết: “Trường có 7 lớp với 215 học sinh, nếu đổi nước sinh hoạt phải tốn vài triệu đồng mỗi tháng. Do đó, buộc lòng phải sử dụng nước giếng khoan dù bị nhiễm phèn, mặn rất nặng. Nước đổi từ ghe chỉ được sử dụng hết sức tiết kiệm. Thế nhưng qua mấy tháng mùa khô cũng tốn hàng chục triệu đồng. Chỉ riêng tiền mua nước chăm sóc cây xanh sân trường thôi cũng mất gần 10 triệu đồng rồi”.

Chỉ vào ngôi trường mới xây, thầy Ớt cho biết thêm: “Chi phí xây dựng ngôi trường này cao hơn nơi khác tới mấy chục triệu đồng do phải mua nước ngọt để trộn bêtông, chứ nước ở đây bị mặn sử dụng xây dựng không đảm bảo chất lượng công trình”.

Ông Phan Thanh Duy tính toán, có tiết kiệm lắm thì trung bình mỗi hộ dân ở đây cũng phải mất từ 2,5-3 triệu đồng tiền nước cho 6 tháng mùa khô. Nhưng cũng chỉ là nước sông, nước giếng khoan từ nơi khác chở đến chứ không phải là nước nước sạch. Những hộ có điều kiện còn đỡ, chứ hộ nghèo thì khổ trăm bề. Đi đâu cũng thấy dân than phiền chi phí tiền nước sinh hoạt cao gấp cả chục lần tiền đong gạo nghe mà đắng lòng.

Mỏi mòn chờ nước máy

Không riêng gì huyện An Biên, mà các huyện khác trong vùng U Minh Thượng người dân cũng chịu cảnh “khát” nước tương tự. Giải pháp được hầu hết các hộ dân nơi đây lựa chọn là mua sắm thật nhiều lu, để chứa nước mưa sinh hoạt. Khi hết mùa mưa thì mua nước từ các ghe chở dạo.

“Hai, ba ngày mới có ghe đi đổi nước một lần, mà đường ống dẫn nước chỉ dài tối đa 20-30 m, nhà nào để lu phía sau xa quá là họ từ chối không bơm. Có khi nước bị lẫn cả mùi xăng, dầu (do dùng máy để bơm) nhưng cũng buộc phải đổi, nếu không họ đi rồi là chết khô. Còn trường hợp nhà lỡ có đám, tiệc gì cần gọi đổi nước đột xuất là phải mua hết ghe, ít cũng khoảng 10 m3 họ mới đến”, ông Huỳnh Văn Khoa, ở ấp Mười Biển, xã Thuận Hòa, Anh Minh cho biết.

Giải pháp hữu hiệu hiện nay là kéo đường ống từ trạm cấp nước của kế bên (xã Nam Thái), tuy nhiên đòi hỏi phải có kinh phí để nâng công suất của trạm này lên mới đủ cung cấp. Tính sơ bộ, số tiền lên đến khoảng 15 tỉ đồng, đây là nguồn kinh phí khá lớn, khó có thể triển khai trong bối cảnh hiện nay.

Ngay cả UBND xã Nam Thái A hiện nay phải cũng phải trang bị 10 bồn chứa, mỗi bồn 2,4 m3 để trữ nước mưa sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Duy thì dù nhiều bồn như vậy nhưng năm nào giỏi lắm cũng chỉ được qua Tết Nguyên đán là các bồn khô hết. Còn lại xã phải chi tiền ra đổi nước, cho đến khi vào mùa mưa 1-2 tháng mới thôi.

Phải mua nước với giá khá đắt đỏ, người dân nơi đây mong mỏi nhà nước sớm đầu tư công trình nước sạch nông thôn để họ bớt khổ. Ông Nguyễn Hữu Hoa cho biết, huyện và tỉnh đã nhiều lần về đây khảo sát làm trạm cấp nước nhưng hơn 10 năm nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do nguồn nước mặt ở vùng này bị nhiễm mặn vào mùa khô, chỉ có thể khai thác nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, một số nơi nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn nên không thể xây dựng các trạm cấp nước nông thôn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.