| Hotline: 0983.970.780

Khát nước gieo cấy ĐX: Có nên vãi tiền lấy nước?

Thứ Sáu 03/12/2010 , 09:21 (GMT+7)

Cùng với việc xoay sở để lấy nước cho SXNN ngày càng khốc liệt, thì chi phí cho công tác chống hạn mỗi năm càng tăng vọt. Có người so sánh, tiền của chi cho việc chống hạn thậm chí còn nhiều hơn cả lời lãi của SXNN mà công tác này tạo ra.

Vụ ĐX 2010-2011, năm thứ 4 liên tiếp SXNN của Vĩnh Phúc đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Đáng lo lắng là cùng với việc xoay sở để lấy nước cho SXNN ngày càng khốc liệt, thì chi phí cho công tác chống hạn mỗi năm càng tăng vọt. Có người so sánh, tiền của chi cho việc chống hạn thậm chí còn nhiều hơn cả lời lãi của SXNN mà công tác này tạo ra. 

Ít nhất là từ năm 2007 đến nay, Vĩnh Phúc có thể xem là “tỉnh điểm” ở ĐBSH phải gánh chịu tình trạng khó khăn về nguồn nước cho SXNN mỗi khi đến vụ. Trước dự báo đáng ngại về tình hình hạn hán trước thềm vụ ĐX 2010-2011, Vĩnh Phúc thời điểm này lại tiếp tục “quàng chân lên cổ” lo đối phó với hạn. Theo những số liệu và dự báo của ngành thủy lợi Vĩnh Phúc, chúng tôi xin được nêu chi tiết về tình hình thiếu nước, cũng như chi phí khổng lồ cho công tác chống hạn ở tỉnh này cho vụ ĐX 2010-2011.

Nguồn cung cấp nước cho SXNN của Vĩnh Phúc hiện nay, nếu xem từ nay đến thời điểm SX xong vụ ĐX 2010-2011 lượng mưa không đáng kể, thì chủ yếu phụ thuộc vào 2 nguồn chính gồm: nguồn nước cố định lấy từ các hồ, đập (gồm các hồ và đập Liễn Sơn); nguồn nước lấy từ hệ thống sông (trong đó chủ yếu là sông Hồng) và một phần nhỏ từ các nguồn khác như lạch, ao, khe suối...

Nguồn cung cấp từ các hồ chứa ở Vĩnh Phúc đầu vụ ĐX năm nay khá khả quan, khi hầu hết các hồ chứa lớn như Đại Lải, Vân Trục, Vĩnh Thành... đều có lượng tích nước cao hơn năm 2009. Theo thống kê cuả Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc thì hiện tại, tổng dung tích các hồ chứa lớn trong tỉnh ước đạt hơn 62 triệu m3. Tính đến thời điểm sau khi hoàn thành SX vụ đông 2010, tổng dung tích các hồ chứa ước còn lại 60 triệu m3. Nguồn nước từ các ao hồ nhỏ và khe suối trong tỉnh đến thời điểm sau vụ đông 2010 tổng cộng ước đạt khoảng 13 triệu m3. Đập Liễn Sơn, vụ ĐX này ước đạt 50 triệu m3.

Như vậy, dự báo đến thời điểm kết thúc vụ đông 2010, tổng cộng nguồn cung cấp nước cố định (gồm đập, ao hồ...) sẽ vào khoảng 123 triệu m3. Ngoài nguồn cung cấp cố định này, nhu cầu còn lại sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp nước lấy từ hệ thống sông như sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Lô... thông qua các trạm bơm. Theo thống kê, hệ thống các trạm bơm của Vĩnh Phúc hiện chỉ có khả năng lấy nước tối đa tới 65 triệu m3, trong đó lượng nước lấy từ sông Hồng chiếm hơn 70% trong số này. Như vậy, tổng cộng tất cả nguồn cung cấp nước cho vụ ĐX sắp tới của Vĩnh Phúc sẽ vào khoảng dưới 190 triệu m3. Nếu trừ tỉ lệ thất thoát nước, thì lượng nước có khả năng cung cấp có thể nhỏ hơn nhiều.

Trong khi đó, vụ ĐX 2010-2011, Vĩnh Phúc đặt kế hoạch gieo trồng gần 42 nghìn hecta, trong đó diện tích lúa là gần 35 nghìn hecta, còn lại là hơn 7 nghìn hecta màu. Theo tính toán, tổng nhu cầu nước cho toàn vụ ĐX của Vĩnh Phúc cần xấp xỉ 220 triệu m3. Đối chiếu với khả năng cung cấp nước, dự kiến vụ ĐX 2010-2011 Vĩnh Phúc sẽ thiếu hụt hơn 30 triệu m3 tương đương diện tích có nguy cơ bị thiếu nước sẽ là hơn 5.000 hecta. 

Để bù đắp lượng nước thiếu hụt này, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đã có báo cáo phương án chống hạn. Theo đó, giải pháp “truyền thống” mà tỉnh này dự kiến sẽ đối phó với hạn không có gì mới, ngoài việc sẽ tiếp tục nạo vét cửa khẩu lấy nước từ các sông và tăng cường các máy bơm dã chiến. Theo kế hoạch, các trạm bơm lớn thuộc quản lí của Cty Liễn Sơn sẽ lắp đặt tổng cộng hơn 30 tổ máy bơm điện dã chiến, mỗi tổ công suất 1.000m3/h.

Riêng Cty Liễn Sơn cũng chuẩn bị 320 máy bơm dầu dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi mực nước các sông xuống thấp khiến bơm điện không phát huy tác dụng. Tổng kinh phí chống hạn (gồm nạo nét cửa khẩu, kênh mương, mua, lắp đặt máy bơm dã chiến, tiền điện vượt định mức, tiền dầu....) dự kiến sẽ lên tới 31 tỉ đồng.

Chúng tôi thử làm một phép tính: Để “cứu” 1 hecta lúa khỏi bị thiếu nước trong vụ ĐX tới, kinh phí mà Vĩnh Phúc phải chi cho thủy lợi bình quân sẽ là hơn 6 triệu đồng (31 tỉ chia cho 5.000 hecta). Nếu tính trung bình năng suất lúa vụ ĐX tới của Vĩnh Phúc là 7 tấn/hecta, với giá lúa 5.000đ/kg, thì chỉ riêng chi phí dành cho thủy lợi sẽ chiếm gần 18% tổng chi phí SX lúa.

Theo Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc, thì về kế hoạch lâu dài, không thể cứ đối phó với hạn theo kiểu “lửa cháy tới đâu dập tới đó” như mấy năm nay, mà nhất định phải có kế hoạch dài hơi. Cụ thể: phải xây dựng lại hoàn toàn các trạm bơm ven sông Hồng dựa theo mực nước thấp nhất trong lịch sử chứ không căn cứ theo tần suất nước như trước đây. Đối với các hồ chứa lớn, cần phải đầu tư nâng mức trữ nước để bổ sung cho kịch bản khi nước sông Hồng ngày càng cạn. Bên cạnh đó, hệ thống kênh cần mở rộng, để trong một thời gian nhất định khi thủy điện xả nước trên sông Hồng, các hệ thống kênh có khả năng tải cao hơn, tận dụng được nhiều hơn việc lấy nước trên sông Hồng khi thủy điện xả nước.
Theo một tài liệu mà chúng tôi được biết, thì chi phí thủy lợi thường chỉ chiếm 3-4% trong tổng chi cho SX lúa. Điều này có nghĩa là chi phí cho thủy lợi tính trên đầu diện tích ở Vĩnh Phúc trong điều kiện phải chống hạn sẽ cao gấp 5 lần bình mức bình thường!

Một cán bộ của Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc thẳng thắn nhận xét với chi phí chống hạn lớn như thế, nếu đem quy ra lợi nhuận giữa được và mất thì ai cũng thấy là bị “lỗ”. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, vị này cho rằng việc chống hạn còn có ý nghĩa xã hội, làm an lòng dân. Bởi dân cấy lúa, mất mùa thì dân kêu, rồi cán bộ cũng đau đầu.

 Trong khi đó 3-4 năm nay, năm nào Vĩnh Phúc cũng chịu cảnh năm sau hạn hơn năm trước. Vì vậy chủ trương chuyển đổi các diện tích lúa khó khăn về nước sang cây trồng cạn ai cũng nhìn ra, nhưng thực tế một phần thói quen dân khó đổi. Một phần vì cơ chế lâu nay, ngành trồng trọt cứ việc đặt kế hoạch SX, còn việc sau đó nước nôi thừa thiếu ra sao thì là trách nhiệm của ngành thủy lợi.

Thế nên mặc dù liên tiếp 4 năm nay chuyện thiếu nước nóng bỏng, nhưng ngành thủy lợi thì vẫn đều đều năm nào cũng phải “quàng chân” lắp máy bơm dã chiến. Còn vụ ĐX sắp tới, không cần biết chi phí cho việc chống hạn lớn tới đâu, nhưng ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc thì vẫn đặt kế hoạch phải quyết tâm đạt năng suất cao đối với những diện tích theo kế hoạch đặt ra.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm