| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 14/10/2014 , 09:17 (GMT+7)

09:17 - 14/10/2014

Khi bác sỹ “văn bất thành cú”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thì với 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp PTTH, các trường Y - Dược hoàn toàn có thể dùng tổ hợp 3 môn này để xét tuyển sinh viên vào trường.

“Việc thi theo khối lâu nay khiến học sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp họ nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp… Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở Bộ làm công văn còn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: Rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên văn những văn bản này”. Đó là lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị đồng hiệu trưởng các trường đại học Y -Dược, diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Với những người nói năng vấp váp, cộc cằn, và viết văn bản sai ngữ pháp, dân gian gọi họ là “ăn không nên đọi, nói không nên lời”.

 "Ăn", thì hiện nay các bác sỹ đã tỏ ra khá giỏi rồi. Bằng chứng là sau bao nhiêu nỗ lực của ngành Y tế, kể cả sau lời đề nghị của bà Bộ trưởng rằng “Ai phát hiện y bác sỹ nhận phong bì, cứ gọi điện cho tôi”, nạn phong bao, phong bì ở các bệnh viện vẫn chưa chấm dứt, thậm chí ... tiếp tục phát triển.

Còn “nói không nên lời”, thì lời chia sẻ, cũng là nỗi lo lắng của Bộ trưởng về trình độ văn phạm của cán bộ ngành Y hoàn toàn có cơ sở. Đến chuyên viên cấp Bộ làm công văn mà khiến người đọc còn “rất dễ đứt mạch máu não” thì… “thôi rồi, Lượm ơi”.

Không chỉ thế, những đơn thuốc kê cho bé gái ở Thường Tín (Hà Nội) bị “phù nề bao quy đầu” và cụ ông 73 tuổi ở Đức Hòa (Long An) “mang thai 16 tuần tuổi”, còn khiến thiên hạ dở khóc dở cười.

Tất nhiên là sau những "tác phẩm" để đời đó, thì những “cậu đánh máy” hay “cô đánh máy” phải giơ đầu ra mà chịu báng. Dù chỉ có bác sỹ mới được quyền kê đơn.

Thế nên, tại hội nghị này, một vấn đề hết sức nghiêm túc đã được đặt ra: Cần đưa môn văn xét tuyển vào các trường Y - Dược. Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Y tế và nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ.

Môn văn gồm hai phần là Ngữ văn và Văn học. Ngữ văn giúp người học rèn luyện tư duy lôgic, khiến khẩu khí trở nên mạch lạc, và diễn đạt các văn bản một cách chặt chẽ, đúng ngữ pháp, khiến văn bản trở nên rõ ràng, trong sáng, ý tứ tường minh, tránh cho người đọc sự hiểu lầm hay hiểu lệch (mà đã hiểu lầm hay hiểu lệch trong ngành y thì “sai một ly, đi một dặm” rồi).

Còn Văn học thì mang ý nghĩa sâu xa hơn, cội nguồn hơn, vì “Văn học là Nhân học”. Học văn, tức học làm người. Văn học giúp người học bồi dưỡng tâm hồn, tiếp thu được những giá trị nhân văn từ những tác phẩm văn học.

Người có kiến thức về văn học thường là những người có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh, những nỗi đau khổ quanh mình. Với những người thầy thuốc, thì những phẩm chất đó quan trọng biết bao nhiêu.

Bởi những bệnh nhân mà hàng ngày anh (chị) ta tiếp xúc chính là những người bất hạnh, đau khổ nhất, cần được chia sẻ nhất. Một lời an ủi, động viên nhẹ nhàng, tinh tế của thầy thuốc, nhiều khi có hiệu quả còn hơn cả một liều thuốc, khiến người bệnh vơi đi những âu lo, giúp họ dũng cảm đối đầu với bệnh tật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thì với 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp PTTH, các trường Y - Dược hoàn toàn có thể dùng tổ hợp 3 môn này để xét tuyển sinh viên vào trường.

Chỉ cần các thí sinh dự thi thêm môn Hóa đối với ngành Dược và môn Sinh đối với ngành Y là đủ.

Làm được như thế, sẽ đỡ khó khăn và tốn kém rất nhiều.