| Hotline: 0983.970.780

Khi cánh đồng mẫu bị... doanh nghiệp lừa

Thứ Hai 19/03/2012 , 10:07 (GMT+7)

Cánh đồng mẫu theo mô hình liên kết 4 nhà là một cách trồng lúa bền vững mà tỉnh Đồng Tháp hướng đến. Thế nhưng mô hình này chỉ mới triển khai làm thí điểm đã bị doanh nghiệp bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng làm cho người sản xuất hụt hẫng, bức xúc.

Cánh đồng mẫu theo mô hình liên kết 4 nhà là một cách trồng lúa bền vững mà tỉnh Đồng Tháp hướng đến. Thế nhưng mô hình này chỉ mới triển khai làm thí điểm đã bị doanh nghiệp bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng làm cho người sản xuất hụt hẫng, bức xúc.

DOANH NGHIỆP BẺ KÈO

Ông Nguyễn Văn Trãi, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp, cho biết: Từ năm 2008 đến nay 245 hộ dân đang canh tác trên 600 ha trong HTX nông nghiệp Tân Cường đã bắt tay liên kết sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu nhưng lại thiếu doanh nghiệp thu mua. Vụ đông xuân 2011 – 2012, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo cho Sở Công thương thực hiện đề án thí điểm mô hình cánh đồng mẫu theo hình thức 4 nhà, Cty CP Docimexco (Đồng Tháp) là đơn vị thu mua toàn bộ lúa hàng hóa của xã viên.

Qui trình sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, ngành nông nghiệp và có sự quản lý của nhà nước. Bắt tay vào việc nông dân rất phấn khởi, làm rất bài bản, doanh nghiệp bảo gì nông dân làm nấy… Thế nhưng đến ngày thu hoạch thì doanh nghiệp bẻ kèo không thu mua lúa theo hợp đồng đã làm cho xã viên hụt hẫng, giảm niềm tin cho một đề án nhiều tham vọng của tỉnh. 

Ông Trần Văn Dũng, xã viên HTX nông nghiệp Tân Cường cầm cuốn sổ ghi chép nhật ký mà bức xúc

Ông Trần Văn Dũng, xã viên HTX nông nghiệp Tân Cường, Phú Cường, Đồng Tháp trồng 2 ha lúa bị Cty CP Docimexco bẻ kèo nói: Khi HTX ký được hợp đồng tiêu thụ lúa cho bà con xã viên với Docimexco tôi rất mừng, trong lòng tin rằng năm nay mình trồng lúa không còn bị thương lái ép giá. Đầu vụ Cty xuống cấp cho mỗi xã viên một cuốn sổ ghi chép nhật ký sản xuất và được anh em ghi chép rất kỹ. Các anh kỹ sư đưa ra qui trình, kỹ thuật, bà con đều tuân thủ làm ngay. Mục tiêu chính của người trồng lúa có diện tích nhỏ là bán được cùng một giá so với những người có diện tích sản xuất lớn. Thế nhưng mọi công sức ghi chép nhật ký sản xuất sau 100 ngày trồng lúa đã vô nghĩa, bởi Cty bẻ kèo bỏ rơi nông dân.

NÔNG DÂN "BẺ LẠI"

Do sản xuất 2 ha, thu hoạch gần 16 tấn, không đủ số lượng ghe 60 tấn thế là thương lái mua của ông Dũng thấp hơn những hộ có sản lượng lớn. Thấy vậy ông chuyển về phơi khô bán nhưng cũng vẫn thấp giá hơn người có sản lượng lớn 20 đồng/kg. Ông Dũng nói: Tôi thật sự bức xúc trước việc Cty kêu nông dân sản xuất theo qui trình của Cty, đến ngày thu hoạch thì không thu mua lúa! Không chỉ chuyện Cty phá vỡ hợp đồng thu mua lúa mà ngay đầu vụ, Cty hứa cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con xã viên bằng với giá đại lý cấp 1, nhưng vào vụ sản xuất lại đưa ra giá cao hơn đại lý cấp 3 tại địa phương từ 1 – 2%. Đó là giá mua tiền mặt, mua ghi nợ cuối vụ phải thế chấp tài sản và phải đóng lãi theo lãi suất ngân hàng.

Bà con xã viên thấy giá cao, mua phải thế chấp nên không mua vật tư nông nghiệp của Cty bán mà chọn mua tại địa phương qua điện thoại, không cần thế chấp. Cần bao nhiêu đại lý địa phương giao tận nhà hoặc tại ruộng, trong vòng 15 ngày tính từ ngày mua hàng thanh toán thì đại lý không tính lãi. Còn ghi nợ đến cuối vụ thì nhà nông nhận một cuốn sổ ghi số lượng vật tư nông nghiệp đã mua do đại lý giao cho nông dân, thu hoạch lúa mang sổ đến đại lý thanh toán, tính theo lãi ngân hàng còn tiện lợi hơn Cty.

Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất của HTX Tân Cường, nói: Đầu vụ triển khai chương trình liên kết này ban chủ nhiệm HTX rất hồ hởi. Gần đến ngày thu hoạch có một buổi làm việc rất chặt chẽ, có đại diện Cty, Sở Công thương, Liên minh HTX, Sở NN – PTNT, Phòng NN – PTNT huyện… Lúc đó đại diện phía Cty hứa sẽ thu mua theo giá thị trường. Khi đoàn nhà nước rút còn lại đại diện Cty đi kiểm tra đồng ruộng, nông dân và ban chủ nhiệm HTX báo lúa đã đến ngày thu hoạch.  

Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó chủ nhiệm HTX Tân Cường và ông Trần Văn Dũng, xã viên HTX nông nghiệp Tân Cường đang trình bày những bức xúc của mình với PV

Ban chủ nhiệm tính toán: Từ 4 – 8/3 là dứt điểm đợt 1 hơn 400 ha, thế nhưng đại diện Cty cho rằng lúa chưa đến ngày thu hoạch và Cty cho thời gian thu hoạch từ ngày 8 – 12/3 thì tất cả bà con nông dân không đồng ý. Vì căn cứ theo nhật ký sản xuất ghi trong sổ do Cty cung cấp đã vượt ngày thu hoạch, lúa đã chín vàng đồng nếu không thu hoạch sẽ bị đổ ngã, chi phí gặt đập sẽ tăng gấp đôi, thất thoát rất cao… Theo khuyến cáo của nhà khoa học, lúa chín khoảng 85 - 90% số hạt trên bông là đủ chuẩn thu hoạch. Mọi việc tưởng như đâu vào đấy nhưng đùng một cái phía Cty bẻ kèo không mua làm nông dân chới với phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái bán. Những người sản xuất lớn không lo cảnh thương lái ép giá, nhưng người sản xuất nhỏ thì bị thương lái ép giá thấp hơn 20 – 50 đồng/kg.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã chỉ đạo Chi cục BVTV, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và các phòng nông nghiệp tăng cường quản lý, giám sát và tìm hướng giải quyết các mâu thuẫn về thời điểm thu hoạch, công tác thu mua…

Tuy nhiên, chỉ đạo là một chuyện, để giải quyết tốt mâu thuẫn không đơn giản. Mối liên kết 4 nhà trên cánh đồng lúa hiện đại cần phải được thắt chặt, phải có hành lang pháp lý đủ mạnh mới có thể tránh được cảnh phá vỡ hợp đồng như thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Trãi nói: Theo nhận định của ban Chủ nhiệm HTX, việc Cty CP Docimexco bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng là có khả năng Cty thiếu cơ sở vật chất như: lò sấy, phương tiện vận chuyển và kho chứa; kế tiếp Cty trước đây chỉ kinh doanh lĩnh vực gạo, còn lĩnh vực lúa mới chuyển qua nên còn dè dặt… Hiện tại, HTX còn khoảng 100 ha thu hoạch đợt 2, Cty cũng đã cử người quay lại đặt vấn đề thu mua lúa tươi theo giá thị trường nhưng vì giá lúa Jasmine giảm còn 5.500 đồng/kg nên nông dân sẽ không bán mà phơi khô trữ lại.

Còn ở HTX Phú Cường, xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp có tổng điện tích 600 ha với 508 hộ tham gia trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong vụ đông xuân 2011 – 2012, Cty CP Docimexco đã đến ký hợp đồng thu mua 250 ha trồng giống lúa Jasmine với nông dân theo giá thị trường, lịch thu hoạch sẽ bắt đầu từ ngày 22/3/2012.

Ông Dương Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Cường cho biết: Rút kinh nghiệm từ HTX nông nghiệp Tân Cường nên ban chủ nhiệm đã phát văn bản mời Cty đến bàn chuyện thu mua trước 9 tuần theo hợp đồng đã ký là 7 ngày trước thu hoạch. Theo kế hoạch 22/3 tiến hành thu hoạch nhưng ngày 17/3 cán bộ Cty mới xuống kiểm tra đồng ruộng và tiếp tục hẹn ngày 19/3 quay trở lại tiếp tục thăm đồng. Trước tình hình nhùng nhằng của Cty, HTX đã mời Doanh nghiệp tư nhân Phú Cường ở An Giang sang bàn giá cả bán lúa và đơn vị này hứa thu mua hết diện tích. Theo đó, mỗi ngày xã viên HTX sẽ thu hoạch bán cho DN này 300 tấn/ngày và dự kiến thu trong 10 ngày sẽ dứt điểm.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.