| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 08/10/2014 , 09:30 (GMT+7)

09:30 - 08/10/2014

Khi công dân làm đơn xin… đánh nhau

Tờ “Đơn xin đánh lộn” của anh xe ôm Hồ Văn Vệ, công dân xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, gửi Công an xã, được một tờ báo mạng đưa nguyên văn, ngay lập tức gây xôn xao dư luận.

Trong đơn, anh Vệ trình bày rằng ngày 5/3/2014, anh bám theo chiếc xe Camry BKS 61L-3376 lưu thông đến cửa khẩu Mỹ Quý Tây, vì tưởng đó là xe du lịch. Khi chiếc xe dừng, anh đến hỏi mấy người trên xe rằng có ai đi xe ôm qua cửa khẩu không? Lập tức, anh bị ba người là Trần Văn Hai, Bùi Văn An, Võ Văn Nguyên từ xe lao xuống, đánh bầm dập, phải vào bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), anh được chẩn đoán là bị thương ở đầu, tụ máu vùng chẩm, chảy máu tai trái, tụ dịch xoang hàm trái. Bệnh viện đã chuyển anh sang Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng để điều trị, tổng chi phí điều trị hết 24 triệu đồng. Nhà nghèo, phải vay mượn tứ tung, đến nay anh vẫn chưa trả được.

Ngay sau khi bị đánh, anh Vệ đã có đơn tố cáo ba người đã hành hung anh, gửi Công an xã. Và Công an xã Mỹ Quý Tây đã chuyển đơn lên Công an huyện Đức Huệ. Nhưng đã 7 tháng trôi qua, không thấy Công an huyện giải quyết. Quá bức xúc, anh Vệ đã viết tờ “Đơn xin đánh lộn” nói trên, đề nghị Công an huyện cho phép anh được “tự xử lý” ba người đó.

Tờ đơn đó phản ánh điều gì?

Lẽ ra ngay sau khi nhận được báo cáo và hồ sơ do Công an xã chuyển đến, Công an huyện Đức Huệ phải tiến hành xác minh, đồng thời phải đưa anh Vệ đi giám định thương tích. Và nếu thấy hành vi hành hung anh Vệ của Trần Văn Hai, Bùi Văn An, Võ Văn Nguyên đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích…” theo quy định tại điều 104 BLHS, thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, buộc 3 người trên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của họ, và phải bồi thường tổn thất về tinh thần, vật chất cho anh. Nhưng vì sao suốt 7 tháng qua, Công an huyện vẫn không làm gì?

Phải chăng Trần Văn Hai, Bùi Văn An, Võ Văn Nguyên là hai “ông lớn” ở Đức Huệ, nên Công an huyện đã không dám đụng đến họ?

Hay họ là đại gia, nên “nén bạc” của họ đã “đâm toạc” tờ đơn tố cáo của anh xe ôm nghèo?

Hiện tượng công dân tự xử lý cẩu tặc, cát tặc, hiện tượng chủ nợ bắt giam con nợ để đòi tiền, hoặc hiện tượng công dân tự giải quyết các mâu thuẫn khác… bằng bạo lực, đang diễn ra ngày càng nhiều, trở thành nỗi nhức nhối của xã hội.

Thế nhưng để lý giải những hiện tượng đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều chỉ cho rằng những người đó thiếu hiểu về pháp luật, nên từ nạn nhân, họ đã trở thành tội phạm… mà không một lần nhìn lại chính mình.

Các cơ quan đó đã quên hẳn một điều rằng hiện tại, những trường hợp như anh xe ôm Hồ Văn Vệ không hiếm.

Và chính sự thờ ơ, vô cảm của họ trước nỗi bức xúc của người dân khi bị xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, khi bị lừa đảo, chiếm đoạt những tài sản phải gom góp cả đời bằng mồ hôi nước mắt mới có… đã khiến người dân mất hoàn toàn niềm tin vào những người thực thi pháp luật. Chính sự không trông chờ gì được vào các cơ quan pháp luật đó, đã đẩy người dân đến bước đường cùng, buộc họ phải có những hành vi vi phạm pháp luật.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Lá đơn của anh xe ôm nghèo chính là lời cảnh báo. Rằng xã hội sẽ loạn, nếu pháp luật không còn là mái nhà chung để người dân lương thiện nương náu nữa.