| Hotline: 0983.970.780

Khi đồ tre trở lại…

Thứ Tư 24/11/2010 , 10:44 (GMT+7)

Với mỗi người dân quê Việt Nam, thì từ hàng ngàn năm nay không gì thân thương, gần gũi, gắn bó bằng tre. Mỗi thứ đồ tre không chỉ là đồ dùng, mà nó còn là một mảnh của văn hóa làng, một mảnh của hồn làng.

Rổ nhựa, rá nhựa, giỏ nhựa, thúng nhựa, dần sàng nhựa. Rồi đôi đũa, cái thìa cái muôi…cũng bằng nhựa, từ rất lâu rồi, đã tràn ngập khắp chợ cùng quê. Cái nong tre với mấy lá cót dùng quây thóc đã biến mất, nhường chỗ cho hòm tôn hay những cái cót tôn.

Cái nia tre thường ngày dùng hứng gạo lọt xuống từ sàng (lọt sàng xuống nia), ngày có đám thì để con lợn đã làm lông, mổ bụng lên đó mà lọc, mà pha mà chặt, cũng không còn. Mổ lợn bây giờ người ta dùng tấm bạt nhựa. Đến cả cái cần câu trúc vắt vẻo một thời cũng được thay bằng cần nhựa, có từng gióng có thể kéo ra co vào. Phố phường vắng hẳn những người ngày ngày cồng kềnh cái xe đạp thồ những đồ gia dụng tre, từ các làng xóm ngoại thành tìm vào bán dạo. Những phiên chợ làng, từ rất lâu rồi cũng vắng bóng những cụ già bươn bả trên những con đường lầm bụi, một tay gậy còn tay kia vắt vẻo vài cái rá hay cái rổ, cái dần cái sàng tre. Khi không còn sức “dục bò trên đồng như hát” nữa thì các cụ dồn cả sức lực của mình vào đó. Dăm ba cái rổ rá, vài cái dần sàng ấy, với nhiều cụ, đã trở thành nghề mưu sinh chính từ phiên chợ nọ đến phiên chợ kia…

Với mỗi người dân quê Việt Nam, thì từ hàng ngàn năm nay không gì thân thương, gần gũi, gắn bó bằng cây tre. Lọt lòng trong ngôi nhà tre, nằm nôi tre dưới bóng mát của tre, bữa cơm hàng ngày diễn ra quanh cái chõng tre, lớn lên, bàn tay một đời gắn chặt với cái cán mai, cán cuốc, cái khuôn bừa bằng tre…thường ngày với tay vào bất cứ đồ gia dụng nào, thì y như thứ đồ đó bằng tre. Chết đi, thứ đồ dùng đầu tiên mà linh hồn (nếu như có linh hồn) nhận được là đôi đũa bông cắm trên bát cơm quả trứng, và khi đôi thanh chấp hiệu bằng tre gõ vào nhau, là lúc giờ lên đường đã điểm.

Thế nên, mỗi thứ đồ tre không chỉ là đồ dùng, mà nó còn là một mảnh của văn hóa làng, một mảnh của hồn làng. Khi đồ tre bị đồ nhựa đánh cho xiêu dạt ra khỏi đời sống của người làng, và tiếp theo là những rặng tre cứ lần lượt biến đi, khiến chiều chiều đàn cò rã cánh vì không tìm ra chỗ đậu, sáng sáng con chích chòe không còn nơi cong cổ hót “nhân bất học, bất tri lý, nhân bất học, bất tri lý…nữa), khi học trò không còn hình dung nổi một ngôi nhà tre, khi mà nhà mái bằng cùng với xe máy Tàu được đưa vào bảng thành tích của những làng quê, khi làng trên xóm dưới ngày một xám xì xám xịt lại vì nhà bê tông, đường bê tông, cổng ngõ bê tông, thì không ít lần về làng, tôi đã trở nên bần thần khi thấy làng mình như thiếu vắng đi một cái gì thiêng liêng lắm, thân thiết lắm. Và cuối cùng thì tôi cũng đã nhận ra, đó là hồn vía của làng đã mất…

Nhưng rồi gần đây, nhân một chuyến đi chợ làng, cái cảm giác gặp lại chính hồn vía của làng đã thức dậy trong tôi: chợ làng bây giờ nhiều đồ gia dụng bằng tre quá. Đồ tre đã trở lại, hồn vía của làng đã trở lại. Cả một góc chợ ngồn ngộn đồ tre: giỏ tre, lờ tre, dần, sàng, nong, nia…tre, cả xô tre, thùng đựng nước tre nữa mới hay chứ. Thứ xô tre đan bằng nan thật khít, dùng vỏ cây sắn ta (loại cây thân gỗ, vỏ cây và lá cây chứa nhựa rất chát, rất dính) giã ra lấy nhựa quét vào, đựng nước còn bền hơn cả xô tôn chứ đừng nói gì xô nhựa. Thời trước, thuyền nan mà quét nhựa sắn vào, có mà “thiên niên vạn đại”. Cầm một cái rá vo gạo bằng tre lên xem, thấy nan tre chuốt nhỏ, đều tăm tắp, nhìn mát mắt bởi thứ màu trắng ngà. Thứ rá này càng dùng, nan càng lên nước, càng bóng càng bền. Tôi hỏi chị bán hàng:

- Chiếc rá này bao nhiêu?

- Có hai mươi ngàn thôi, bác ạ.

Hai mươi ngàn, giá cũng tương đương với một cái rá hay cái rổ nhựa. Cái rổ tre ba mươi ngàn, đôi thúng tre loại đẹp nhất mới có bẩy chục ngàn… Nhưng mà rổ nhựa rá nhựa hễ gẫy vành là vứt đi, còn thúng tre, rổ tre rá tre cho đến thúng mủng nong nia tre “của ta”, gẫy cạp hay bật cạp vẫn có thể cạp lại. Cắt hết dây nức cạp ra, chuốt qua lại cái cạp, dùng dây nức lại. Thế nên dân gian mới có câu “rổ rá cạp lại” dùng để chỉ những đôi đến với nhau sau khi đứt gánh giữa đường, bởi rổ ấy rá ấy sau khi cạp lại vẫn tròn nguyên, bền nguyên như mới, cũng như nhiều đôi đứt gánh, sau khi “cạp lại” cuộc sống vẫn hạnh phúc tràn trề. Cách đây mấy chục năm, khi thân sinh tôi còn tại thế, hàng xóm mỗi khi có cái rổ cái rá…bật cạp, bà con hàng xóm lại mang đến nhờ cụ cạp lại. Vốn khéo tay, cần cù, cụ chẳng từ chối một ai. Cũng chẳng ai trả công cho cụ, chỉ thỉnh thoảng nhà có nải chuối hay trái mít chín, họ mang biếu cụ dăm quả chuối hay miếng mít nhỏ, cũng có người nhân nhà có giỗ chạp, mang đến cút rượu hay đĩa xôi, vậy thôi. Có những thứ đồ tre đã cạp lại đến ba bốn lần vẫn dùng tốt, chỉ có điều sau mỗi lần cạp lại, chúng chỉ bé đi so với trước một chút thôi…

- Hàng bán có chạy không?

- Cũng tạm được ạ. Dạo này chán đồ nhựa, nhiều bà con lại chuyển qua đồ tre

Hỏi chuyện nhiều người, chúng tôi đều nhận được câu trả lời chung, rằng đồ nhựa, lúc đầu tưởng là tiện dụng, nhưng càng dùng, mới càng thấy chúng thua xa đồ tre, và nhất là sau khi được xem truyền hình, thấy cảnh người ta tái sinh đồ nhựa, thì mới tá hỏa vì “không biết trong những thứ đồ mình vẫn dùng lâu nay, nó còn chứa những chất gì bên trong nữa. Như đôi đũa nhựa chẳng hạn, vô ý nhúng vào nồi canh đang sôi một cái, rút ra đã thấy đầu đũa sùi ra, cong queo lại rồi. Nếu chẳng may trong nhựa làm đũa ấy có lẫn cả chất này chất nọ, thì nó đã tan vào canh, mình lĩnh đủ rồi. Đũa tre thì…vô tư đi”...

Đồ tre trở lại, đồ tre bán chạy, khiến rất nhiều người làng đã có thêm thu nhập, như ông Bân làng tôi chẳng hạn. Tuổi gần tám mươi, con cái phương trưởng, giầu có hẳn hoi nhưng ông chẳng nhờ đứa nào. Ngày ngày, ông đan rổ đan rá tự kiếm sống, từ phiên chợ nọ đến phiên chợ kia (năm ngày một phiên), với mươi thứ đồ gia dụng tre, trừ tiền nguyên liệu đi, ông kiếm hơn trăm ngàn, gọi là công cũng được mà gọi là lãi cũng được, đủ nuôi ông với bà vợ. Một cây tre, với ông, cứ gọi là không vứt đi một tý gì. Phần “nạc” nhất của cây tre, đoạn gốc thành nan rổ sảo, đoạn giữa thành nan đan nong nia, thứ nữa là rổ rá, dần sàng… đầu thừa đuôi thẹo cũng thành mớ tăm tre.

- Dễ đến mấy năm tôi mới lại cầm đến con dao, bởi có dạo đan ra, mang đến chợ lại mang về. Bán không được đã buồn, nhưng cái buồn hơn là chẳng có việc gì làm, tay chân nó cứ ngứa ngáy. Ngẫm ra mới thấy ông giời ông ấy ban cây tre cho người nông dân mình, thật là hữu lý, ông ạ…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm