| Hotline: 0983.970.780

Khi lòng dân đã thuận: Bí quyết Củ Chi

Thứ Tư 10/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ngày 12/4/2015, Thủ tướng Chínhh phủ đã ra Quyết định công nhận huyện Củ Chi (TP HCM) đạt chuẩn NTM. Như vậy, Củ Chi là huyện NTM đầu tiên của TP HCM./ Trao quyền tối đa cho dân

Trong quá trình xây dựng NTM, Củ Chi đã vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quan trọng, nhờ đó, huyện đã hoàn thành xây dựng NTM ngay trong nửa đầu năm nay.

Trong đó, theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, một trong những giải pháp nổi bật nhất là tạo điều kiện cho các DN, cơ sở SX, kinh doanh nhỏ và vừa trên địa bàn phát triển ổn định.

Mở rộng quy mô nhờ vốn vay ưu đãi

Cơ sở mây tre lá Thiên Long ở ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ được hình thành đã trên 20 năm với lao động chủ yếu là người trong gia đình. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, từ nhiều năm qua, cơ sở Thiên Long đã XK được nhiều sọt tre sang Đài Loan và được người tiêu dùng nước này ưa chuộng.

Do đó, khách hàng Đài Loan muốn đặt hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu mở rộng quy mô SX, thì cái khó nhất của cơ sở Thiên Long chính là vốn lưu động.

Năm 2013, cơ sở Thiên Long đã được UBND huyện Củ Chi giới thiệu tiếp cận với Agribank Chi nhánh Củ Chi để được vay 200 triệu đồng theo chương trình gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp.

 Nguồn vốn không lớn, nhưng cũng đủ để chủ cơ sở là bà Lê Thị Huých mạnh dạn mua thêm nguyên, vật liệu, tìm thêm người làm, mở rộng SX.

Từ chỗ chỉ có 30 lao động làm việc tại chỗ và hơn 200 lao động nhận nguyên, vật liệu về nhà làm vào năm 2013, đến nay, cơ sở Thiên Long đã có 45 lao động làm việc tại chỗ và 1.200 lao động trong xã nhận hàng về làm. Nhờ đó, mỗi tháng, cơ sở này làm ra được gần 100 ngàn cái sọt tre XK sang Đài Loan.

Lượng hàng XK ấy, không chỉ đem lại lợi nhuận khá cho cơ sở mà còn tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Mỗi lao động tại chỗ ở cơ sở Thiên Long hiện có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, mỗi lao động nhận hàng về nhà làm có thu nhập 2,7 triệu đồng/tháng.

Trại heo Gia Phát của ông Trầm Thành Thắng ở ấp 8, xã Tân Thạnh Đông, cũng là một điểm sáng về mở rộng quy mô, gia tăng hiệu quả SX nhờ chương trình gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, hiện nay, trang trại này có trên 1.000 con heo nái và 21 ngàn con heo hậu bị. So với năm 2012, quy mô đàn heo giống đã tăng gần gấp đôi, còn quy mô đàn heo hậu bị thì tăng tới 7 lần.

Sự gia tăng mạnh về tổng đàn heo ở trang trại Gia Phát, có cú hích quan trọng từ nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2013, thông qua sự giới thiệu của UBND huyện Củ Chi, ông Thắng đã được Agribank Chi nhánh Củ Chi duyệt cho vay dự án mở rộng quy mô SX heo giống của trang trại Gia Phát, với tổng vốn vay là 38,5 tỷ đồng. Trong đó, có tới 20 tỷ đồng là vốn vay ưu đãi.

 Nhờ nguồn vốn đó, ông Thắng đã mạnh dạn nhập khẩu 82 con heo giống tốt từ nước ngoài, đồng thờ mở rộng quy mô SX heo giống, SX heo thịt theo hướng chăn nuôi công nghiệp, an toàn, chất lượng tốt.

Tuy quy mô trang trại đã được nâng lên gấp mấy lần so với trước, nhưng ông Thắng vẫn còn muốn mở rộng thêm nữa thông qua chương trình gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp để có thêm nhiều con giống tốt và nguồn thịt heo an toàn cung ứng cho thị trường TP cũng như các tỉnh lân cận.

Góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí

Nhận thức được tầm quan trọng của DN đối với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn, trong những năm qua huyện Củ Chi rất chú trọng tạo điều kiện cho các DN phát triển SX, kinh doanh, đồng thời thu hút sự quan tâm đầu tư của các DN trong và ngoài nước.

Hiện trên địa bàn huyện Củ Chi có khoảng 2.200 DN, sử dụng hơn 50 ngàn lao động. Mấy năm qua, trong bối cảnh chung của khó khăn kinh tế cả nước, nhiều DN trên địa bàn cũng đã đối mặt với những khó khăn lớn, thậm chí có những DN đã phải giải thể, chuyển đi nơi khác.

Trước tình hình đó, chính quyền huyện Củ Chi đã nhanh chóng vào cuộc bằng nhiều giải pháp thiết thực như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giãn nợ thuế, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các DN để nắm bắt những khó khăn của họ và có những tháo gỡ kịp thời…

Nổi bật nhất trong việc tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển SX, kinh doanh là chương trình gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp. Chương trình này được huyện Củ Chi thực hiện từ năm 2013, với sự tham gia của một số ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn.

Cụ thể, vào ngày 25/6/2013, UBND huyện Củ Chi đã tổ chức Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN, hộ SX kinh doanh, với sự tham gia của 5 ngân hàng thương mại, gồm Agribank Chi nhánh Củ Chi, Viettinbank Chi nhánh Củ Chi, Sacombank Chi nhánh Củ Chi, DongA Bank, ACB Bank Chi nhánh Củ Chi, và đại diện gần 100 DN, hộ SX kinh doanh trên địa bàn huyện.

Không dừng lại ở đó, sau lễ ký kết, UBND huyện Củ Chi còn tiếp tục giới thiệu cho các ngân hàng những khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Trong năm 2013, đã có tổng cộng 16 DN và 4 hộ SX, kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ được các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi, với tổng vốn 267,7 tỷ đồng.

Năm 2014, UBND huyện Củ Chi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình. Tổng cộng trong cả năm ngoái, đã có 22 DN vừa và nhỏ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, với tổng vốn vay là 428,8 tỷ đồng.

Có thể nói thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở huyện Củ Chi từ mức 18 triệu đồng/người/năm khi chưa xây dựng NTM đã tăng lên thành 40 triệu đồng/người/năm hiện nay, có phần đóng góp quan trọng của các DN trên địa bàn.

Trong năm nay, thực hiện chủ trương của TP về đẩy nhanh tiến độ thực hiện 19 tiêu chí NTM, UBND huyện Củ Chi đã làm cầu nối để các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ đó, đến hết tháng 4, đã có 32 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được hỗ trợ vốn vay tổng cộng là 62,9 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi không quá 10% một năm.

Tính ra, trong gần 3 năm qua, riêng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ở Củ Chi, đã có 74 DN, hộ nông dân SX kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ vốn với số tiền 759,4 tỷ đồng.

Nhìn chung, các DN nông nghiệp, nông thôn và hộ nông dân ở Củ Chi, đều đã sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay theo lãi suất ưu đãi, qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn mà còn giúp đẩy nhanh việc thực hiện nhiều tiêu chí NTM như thu nhập, lao động ...

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú khẳng định, sự phát triển của các DN trên địa bàn huyện Củ Chi đã có những đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành 19 tiêu chí NTM.

Về các tiêu chí lao động và thu nhập, khi DN làm ăn hiệu quả, số lượng DN tăng lên, đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đồng thời thu hút nhiều lao động từ lĩnh vực nông nghiệp.

Mà ở Củ Chi, cứ mỗi một lao động nôg nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp, thì giá trị SX mà họ tạo ra tăng gấp 4 lần. Do đó, thu nhập của họ cũng tăng nhiều so với khi làm nông nghiệp.

Các DN đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn cũng góp phần quan trọng vào việc gia tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật, dùng giống mới trong SX của nông dân. Nhờ đó, nông dân gia tăng được hiệu quả SX, nâng cao thu nhập, góp phần vào việc hoàn thành tiêu chí thu nhập ở nhiều xã.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất