| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/05/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 29/05/2017

Khi luật sư tố cáo thân chủ...thì sao nhỉ?

Dù họp vào ngày nghỉ là thứ bảy (27/5/2017), nhưng việc góp ý vào dự án sửa đổi và bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 vẫn làm “nóng” nghị trường, và từ nghị trường, sức nóng của cuộc tranh luận lan ra cả xã hội.

Nóng nhất là về khoản 3 điều 19 BLHS năm 2015. Điều khoản này quy định: Người bào chữa (luật sư - LS) phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một phía cho rằng quy định như vậy là hợp lý. Vì LS cũng là một công dân. Nên khi hành nghề, ngoài đạo đức, trách nhiệm đối với thân chủ, LS còn phải có đạo đức, trách nhiệm của một công dân đối với đất nước. Một khi thân chủ của mình phạm phải các tội trên mà LS biết được, thì lập tức phải tố giác. Nếu không, LS sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thế nhưng số đông, nhất là giới luật sư và các chuyên gia luật, cho rằng cần bỏ hẳn quy định về việc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với LS khi không tố giác thân chủ của mình phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Chỉ những người đang hoặc sắp vướng vào vòng lao lý, mới mời LS. Đó là những người đang yếu thế trước pháp luật, đang cần LS bảo vệ. Một khi mời LS, là họ đã coi LS là những người thân thiết như ruột thịt. Họ đặt hết lòng tin tưởng vào LS. Nhiều người, từ lòng tin vào LS mà đã tâm sự với LS về việc mình đã phạm trọng tội, trong khi cơ quan điều tra chưa biết.

Nếu LS lợi dụng lòng tin đó để tố giác thân chủ, thì sẽ ra sao ? Có còn đạo đức, còn tín nghĩa nữa không? Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nêu vấn đề: “Nếu LS tố giác thân chủ của mình phạm tội, thì chính thân chủ đó có còn mời LS nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề LS không, khi chưa bảo vệ được gì cho thân chủ, thì đã tố giác? Nếu áp dụng quy định này, thì niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề LS sẽ mất dần, và nghề này sẽ thui chột”.

Với những tội xâm phạm an ninh quốc gia như đặt bom, khủng bố... đa số LS tán thành là phải tố giác. Nhưng trước khi tố giác, LS cũng cần trao đổi lại với thân chủ một cách rõ ràng, sòng phẳng. Còn về các tội được coi là “đặc biệt nghiêm trọng”, thì theo quy định tại điều 383 BLHS năm 2015, có tới 83 tội được liệt kê là thuộc vào loại tội này, mà LS bắt buộc phải tố giác theo quy định của khoản 3 điều 19, đa số cho rằng quy định đó là quá rộng, cần phải loại bỏ hẳn quy định truy cứu TNHS đối với LS khi không tố giác 83 tội đó.

Nếu không, thì cũng phải thu gọn các tội đó lại đến mức tối đa, để tránh cho LS khỏi vi phạm đạo đức và lòng tin đối với thân chủ.

Chắc chắn cuộc tranh luận sôi nổi này sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và lựa chọn của các đại biểu quốc hội, trước khi nhấn nút thông qua.