| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 09/03/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 09/03/2017

Khi người phát ngôn không phát ngôn

Trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, được ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì người phát ngôn có trách nhiệm nói và cung cấp thông tin.

17-25-36_quyet-dinh-bn-hnh-quy-che-pht-ngon-cung-cp-thong-tin-cho-bo-chi
 

Nhưng thực tế nhiều khi không phải vậy. Người phát ngôn không phát ngôn hoặc không dám phát ngôn điều gì, hoặc là phát ngôn bằng những ngôn từ ít hoặc gần như không có thông tin.

Thử nhìn nhìn ra thế giới trong chủ đề phát ngôn trả lời báo chí.

Hôm qua 8/3, huấn luyện viên người Pháp Arsene Wenger của đội Arsenal bên nước Anh, sau trận thua 1-5 trước Bayern Munich (Đức), đã trả lời họp báo sau trận đấu về sức ép từ chức.

Đầu tiên, ông nói về nguyên nhân trực tiếp của trận thua là do trọng tài chính đã đuổi khỏi sân 1 cầu thủ của đội Arsenal, rồi trả lời trực tiếp vào câu hỏi: “Các bạn luôn hỏi đây có phải trận đấu cuối cùng của tôi không? Thì tôi không có gì để chia sẻ về vấn đề này. Họp báo này là để trả lời về trận đấu chứ không phải về tương lai của tôi”.

Tức là câu trả lời là không trả lời, nhưng do Arsene Wenger  “bám” vào lý do đây là họp báo về trận đấu, để ông “né” những câu hỏi khác không liên quan trực tiếp đến trận đấu  – những vấn đề hệ quả mà dư luận quan tâm.

Cũng hôm qua, trước thông tin Wikileaks - tổ chức chống tiêu cực hoạt động trên mạng, công bố hàng nghìn tài liệu, phơi bày các công cụ phần mềm tinh vi được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng xâm nhập điện thoại thông minh, máy tính, thậm chí là tivi kết nối internet, thì người phát ngôn của CIA - Dean Boyd, cho biết, cơ quan này không bình luận về tính chân thực cũng như nội dung các tài liệu tình báo có chủ đích.

Có thể hiểu, đây là an ninh quốc gia. Và ông không có đủ thông tin nên ông không phát ngôn.

Trường hợp phát ngôn ít đi vào chi tiết cụ thể bên bộ ngoại giao, do thiên về những vấn đề trong lĩnh vực lãnh thổ, chính trị luôn phức tạp và tế nhị, có thể liên quan đến an ninh quốc gia, là điều có thể thông cảm và cần thừa nhận.

Thì chuyện người phát ngôn của các bộ ngành, cơ quan khác trong nước, lại cần minh bạch và cụ thể, không được và không có quyền tránh né.

Câu chuyện về “hot girl xứ Thanh” hiện đang xôn xao là một ví dụ.

Từ khoảng tháng 9/2016, sau khi bị dư luận đồn đoán ầm ĩ trên mạng xã hội thì bà Trưởng phòng Quỳnh Anh đột nhiên “biến mất”, cùng với việc tuyển dụng, bổ nhiệm bất thường đối với bà này, thì tại Sở Xây dựng Thanh Hóa – nơi bà Quỳnh Anh đang công tác, khi phóng viên báo Thanh Niên trực tiếp đến làm việc, ông Trần Xuân Hoàn - Chánh văn phòng Sở Xây dựng, tỏ ra thận trọng đến từng chi tiết khi đề cập đến cái tên Quỳnh Anh.

Ông Hoàn nói sẽ báo cáo lãnh đạo Sở các nội dung báo chí đề nghị cung cấp song không có dấu hiệu nào là Sở này sẽ trả lời. Đến mức, khi phóng viên hỏi “bà Quỳnh Anh hiện nay còn làm việc tại sở hay không?”, ông Hoàn cũng cho rằng phải báo cáo lãnh đạo rồi mới trả lời được (!?).

Đây thực sự là chuyện người phát ngôn đã vi phạm quy chế phát ngôn. Vì sự giấu giếm, thiếu minh bạch trong phát ngôn, dù ông này thừa đủ khả năng có thông tin để trả lời.

Thiệt hại trước nhất là thuộc về quyền được biết của nhân dân.

Bình luận mới nhất