| Hotline: 0983.970.780

Khí nhà kính và những ngộ nhận “chết người”

Thứ Tư 26/03/2014 , 09:43 (GMT+7)

Thực tiễn cho thấy phát thải khí nhà kính chủ yếu do nông nghiệp chứ không phải do SX công nghiệp đem lại.

TS Lê Hưng Quốc (ảnh) - Chủ tịch Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam đã có cuộc trao đổi với NNVN về những ngộ nhận “chết người” liên quan đến khí nhà kính trong nông nghiệp.

15-27-36_dsc_4793

Ông có nói về những ngộ nhận, ấu trĩ trong quan niệm của nhiều người khi nghĩ tới khí nhà kính, vậy cụ thể đó là những sai lầm gì?

Chúng ta từng nhận thức phát thải khí nhà kính chủ yếu do sản xuất công nghiệp đem lại, nông nghiệp nếu có phát thải khí thì chủ yếu do chăn nuôi. Thực tiễn lại đang chứng minh những điều ngược lại. Năm 2010 chúng ta có 63% dân số làm nông nghiệp, dự báo đến 2020 tỉ lệ này vẫn còn 59%. Số liệu báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về công ước khung Liên hợp quốc trong biến đổi khí hậu, tổng số khí phát thải đang là 151 triệu tấn. So với 104 triệu tấn của năm 1994 chúng ta có tốc độ tăng phát thải khí tới 6,4%/năm trong đó nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất đóng góp nhiều nhất.

Cơ cấu của 6 loại khí nhà kính chính như sau: C02 45% (dioxit carbon), CH4 chiếm 44% (metan) và N20 (oxít ni tơ) chiếm 11%. Trong nông nghiệp cơ cấu phát thải khí nhà kính 57,5% từ canh tác lúa, 21,8% từ đất, 17,2% từ chăn nuôi, 3,5% từ đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt đồng cỏ… Riêng trồng trọt, lượng phát thải khí nhà kính của lúa là 20 tấn C02/ha, mía 28 tấn C02/ha, đậu tương 17 tấn C02/ha, sắn 12 tấn C02/ha, lạc 10 tấn C02/ha, ngô 7 tấn C02/ha…

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng giảm thiểu khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp?

Tiềm năng đó là rất lớn thông qua những đổi mới về công nghệ và kỹ thuật thực hành tiên tiến. Hiện 74% khí phát thải nông nghiệp toàn cầu đến từ các nước đang phát triển, từ người nghèo. Dự báo, cắt giảm khí phát thải nông nghiệp sắp tới có thể là một nguồn thu nhập đáng kể, hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm thông qua thương mại hóa khí phát thải với cơ chế mua bù khí phát thải theo hạn ngạch thị trường carbon quốc tế. Ở một số nước họ có chính sách dùng tiền phụ thu này để hỗ trợ cho nông dân làm biogas.

Việt Nam chúng ta đang có đề án số 3119 /QĐ-BNN-KHCN dự kiến đến năm 2020 sẽ cắt giảm 20% tổng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, giảm 20% đói nghèo và giữ tăng trưởng của ngành ở mức 20%. Đề án có đa mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, bền vững, ít phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bằng cách nào có thể giảm thiểu khí phát thải trong nông nghiệp, thưa ông?

Bằng hàng loạt các biện pháp. Trong trồng trọt, ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến theo hướng tiết kiệm chi phí đầu vào như ba giảm ba tăng, SRI, tưới nông - lộ - phơi, làm mạ khay, sử dụng máy cấy, sử dụng phân đạm sunphát thay ure, giảm thuốc trừ sâu, thu gom tái sử dụng và xử lý vùi sâu rơm rạ (không đốt), dùng phân hữu cơ có ủ, sạ khô…

Khoa học đã chứng minh canh tác cây trồng ưa nước theo công nghệ truyền thống đang lãng phí 50% nước và 70% phân bón (1 ha lúa nước tốn gần 10.000m3 nước), cây trồng cạn lãng phí 30% nước và 50% phân bón. Vì thế cần khuyến cáo cộng thêm một giảm nữa vào công thức ba giảm, ba tăng đó là giảm khí phát thải.

Trong chăn nuôi cần thay đổi khẩu phần thức ăn để giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng công nghệ biogas (một công trình hầm biogas giảm được 2-4 tấn C02 mỗi năm), sản xuất năng lượng sạch thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, ứng dụng công nghệ ủ yếm khí chất thải. Trong thủy sản, điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền có công suất phù hợp với ngư trường đánh bắt, quy hoạch lại tuyến và vùng khai thác thủy sản. Cải tiến công nghệ và kỹ thuật đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, hóa chất, vật liệu xây dựng, xử lý chất thải…), xây dựng mô hình tổ chức sản xuất và dịch vụ nghề cá nhằm bảo vệ và khai thác ngư trường, tiết kiệm nhiên liệu giảm phát thải khí nhà kính.

Trong lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng để tăng cường năng lực hấp thu carbon. Người ta tính 1 ha rừng có thể hấp thu tới 130 tấn C02 một năm.

Trong thủy lợi, tiết kiệm năng lượng bơm tưới, bơm tiêu, mở rộng diện tích tưới tự chảy, tưới tiết kiệm, tưới công nghệ cao và đổi mới quy trình vận hành hồ đập. Cuối cùng là trong phát triển nông thôn, ứng dụng mô hình thu gom và xử lý chất thải làng nghề, chuyển đổi cơ cấu chất đốt từ than, củi sang năng lượng sinh học, gas, đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm năng lượng điện sinh hoạt, điện sản xuất.

Tất cả những giải pháp đó nghe đều rất xuôi tai nhưng liệu có khả thi khi khí phát thải không ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế cũng như sức khỏe của người nông dân?

Chính vì thế tôi dự đoán lộ trình giảm khí phát thải phải mất chừng 10 năm nữa mới thực sự đi vào được cuộc sống nhưng giờ chúng ta làm mô hình là vừa bởi biến đổi khí hậu đang hiển hiện đe dọa. Trước tiên nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, các cấp ngành cần xắn tay làm mô hình, cần lôi kéo báo chí vào cuộc để dần dần hình thành một công nghệ xanh vừa giảm khí phát thải vừa giảm ngộ độc đất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất