| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 25/09/2014 , 08:54 (GMT+7)

08:54 - 25/09/2014

Khi “quan” đi xe sang biển giả

Đó là vụ việc ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đi chiếc xe Land cruiser GX.R V8 mang biển công vụ số 38A-000.23.

Gần một năm nay, việc ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, nghễu nghện trên chiếc xe Land cruiser GX.R V8 mới cứng, mang biển công vụ số 38A-000.23 lăn bánh trên khắp các nẻo đường, khiến nhiều quan chức của tỉnh ngạc nhiên, và ghen tỵ nữa.

Ghen tỵ, bởi theo quy định thì Chủ tịch tỉnh cũng chỉ được đi xe công vụ loại Camry, có giá trên 1 tỷ đồng. Còn giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương, nhất loạt đều đi xe công vụ loại có giá dưới 1 tỷ đồng.

Ông Hồ Anh Tuấn, về chức vụ, cũng chỉ ngang giám đốc sở, nhưng vì sao lại được đi loại xe có giá sau thuế đến trên 4 tỷ đồng? Chỉ khi báo chí vào cuộc, thì dư luận mới ngã ngửa ra rằng chiếc biển công vụ mà ông trưởng BQL đeo vào cho cái xe của mình là biển số giả. Và từ đây, xuất hiện hàng loạt câu hỏi khác.

Ông Tuấn cho báo chí biết rằng chiếc xe đó là xe công chứ không phải xe cá nhân. Nhưng nếu là xe công, thì muốn mua, cơ quan trực thuộc tỉnh phải có tờ trình UBND tỉnh. Nếu xét thấy hợp lý, UBND tỉnh sẽ duyệt cho cơ quan đó được mua loại xe gì? Giá trị bao nhiêu? Sau đó Sở Tài chính mới cấp tiền. Và khi mua được xe rồi, thì cơ quan chủ xe phải làm các thủ tục nộp thuế, đăng ký, đăng kiểm. Chỉ sau khi làm đủ các thủ tục đó, xe mới được phép tham gia giao thông.

Nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh không duyệt cho BQL của ông Tuấn mua chiếc xe trên. Sở Tài chính xác nhận không hề cấp tiền mua xe cho BQL. Cục thuế tỉnh xác nhận BQL chưa nộp thuế. Cơ quan đăng kiểm Hà Tĩnh cho biết, họ cũng chưa đăng kiểm cho chiếc xe mà ông trưởng BQL đang đi.

Còn cơ quan CSGT Công an tỉnh, chỉ sau khi bị báo chí hỏi, mới giật mình rà soát lại, và cũng xác nhận mình không cấp biển công vụ số 38A-000.23 cho chiếc xe Land cruiser GX.R V8 của ông Tuấn. Vậy vì sao nó vẫn ngang nhiên lăn bánh suốt gần 1 năm trời với cái biển số giả, mà không ai hỏi đến? Và vì sao là xe công mà gần 1 năm qua BQL vẫn không chịu làm các thủ tục để hợp pháp hóa chiếc xe?

Tiền thuế, tiền đăng ký, đăng kiểm, đều là tiền của công chứ có cá nhân nào phải bỏ túi ra đâu? Nếu nói là xe của dự án cũng không phải, bởi BQL khu kinh tế là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là đơn vị thực hiện các dự án ODA.

Báo chí tiếp tục vào cuộc, và phát hiện ra rằng chiếc xe đó có nguồn gốc từ Lào, được đưa về Việt Nam dưới hình thức trao tặng. Thế nhưng theo một lãnh đạo Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), thì chiếc xe đó cũng không hề làm thủ tục thông quan.

Không làm thủ tục thông quan, nhưng vì sao nó lại đàng hoàng đi qua cửa khẩu mà không bị ai hỏi. Chiếc xe chứ đâu phải con chuột. Lạ thật, càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy rối rắm, tù mù. Không lẽ chiếc xe từ một cõi hư vô nào đó bay về Việt Nam?

Nhưng thôi, chuyện đâu có đó. Mọi câu hỏi chắc chắn rồi sẽ có lời đáp, khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Đến đây, xin bàn sang một vấn đề khác.

Là người đứng đầu một cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, hàm ngang với giám đốc sở, trong bụng ông Hồ Anh Tuấn chắc chắn là chứa đầy kiến thức về pháp luật. Ông thừa hiểu việc làm giả biển số công vụ, trốn thuế, không đăng ký, đăng kiểm, đưa ra lưu hành một chiếc xe ô tô, là những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến mức nào. Thế mà ông vẫn ngang nhiên làm, coi gầm trời Hà Tĩnh như của riêng mình.

Chính vì vậy mà người dân có quyền nghi ngờ, rằng ngoài việc làm giả biển số xe ra, ông có còn làm giả  thứ khác nữa không? Nhất là ở vị trí trưởng BQL khu kinh tế, sờ chỗ nào cũng thấy tiền.