| Hotline: 0983.970.780

Khí thế Ninh Bình

Thứ Sáu 21/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

Nhằm kích cầu xây dựng nông thôn mới, đồng thời giải cứu DN, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án hỗ trợ kinh phí, xi măng để làm đường giao thông nông thôn.

* Kích xi măng về xây dựng nông thôn

Ông Phạm Văn Dân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thành giới thiệu công trình NTM

Các DN xi măng đang tồn kho hàng triệu tấn; nông thôn thì luôn thiếu xi măng. Nhằm kích cầu xây dựng nông thôn mới, đồng thời giải cứu DN, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án hỗ trợ kinh phí, xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Chương trình lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cá nhân, tổ chức…

Trúng ước nguyện nhân dân

Là một xã thuần nông, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh nằm cách trung tâm tỉnh Ninh Bình 6 km. Vị trí địa lí đem lại cho người dân xã Khánh Cư khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thông thương, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên do không phải xã vùng sâu, vùng xa nên Khánh Cư phải chịu nhiều thiệt thòi vì các dự án đường giao thông, nước sạch… xã không thuộc diện ưu tiên.

Mặc dù Khánh Cư cũng là đất sinh ra hai đời “Chủ tịch tỉnh” nhưng ngoài trục đường giao thông chính đến trung tâm xã thì hệ thống đường giao thông liên thôn, ngõ xóm đa phần vẫn là đất đỏ. Kinh tế hộ gia đình phát triển người dân có thể cải thiện cuộc sống phía trong bờ rào, nhà cửa có thể khang trang hơn, cơm áo đủ đầy hơn. Có điều cứ bước chân ra khỏi cổng là gặp đường sá lầy lội. Nước sạch cũng vậy, tới nay nhân dân Khánh Cư vẫn phải sử dụng nước giếng khoan.

Dịp may đến khi Chính phủ phát động chương trình xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đưa Khánh Cư vào danh sách 25 xã điểm. Thế là các chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất, chương trình nước sạch, chương trình giao thông, chương trình dạy nghề… đều đổ dồn vào Khánh Cư. Chưa bao giờ người dân Khánh Cư lại được quan tâm và hỗ trợ nhiều đến thế, mọi nhà đều vui vẻ tiếp nhận, hưởng ứng xây dựng NTM.

 Tháng 9 vừa qua, UBND xã thông báo đến từng thôn, xóm là Ban chỉ đạo NTM của tỉnh sẽ cấp xi măng để làm đường giao thông thôn, xóm. Chi phí từ ngân sách sẽ chiếm khoảng 50% còn lại người dân có trách nhiệm tự giải phóng mặt bằng, làm mặt bằng và đóng góp cát, sỏi, công sức để cùng với nhà nước xây dựng nông thôn. Các hộ dân ở từng ngõ sẽ tự bàn bạc đóng góp, phân công nhiệm vụ cùng nhau làm đường, khi nào các hộ cùng thống nhất và tự làm mặt bằng đường xong thì xã sẽ nghiệm thu và cấp xi măng. Ngõ nào làm xong sớm thì ưu tiên cấp trước.

Có thể nói, chính sách của tỉnh Ninh Bình đã đánh trúng ước nguyện của nhân dân. Bảo dân làm đường ở đâu xa còn khó chứ đóng góp để làm đường ngay trước cửa ngõ nhà mình cho sạch sẽ, bớt lầy lội hơn lại thật đơn giản. Ngay khi có thông báo chủ trương cấp xi măng, suốt một tuần sau đó cả xã Khánh Cư rộ lên như cơn sốt. Thôn nào cũng họp. Xóm, ngõ nào cũng họp. Mọi người bàn ra tính vào. Ngõ nọ trao đổi với ngõ kia. Ngoài chợ các bà cũng tong tẩy hỏi thăm nhau ngõ dài bao nhiêu mét, đóng góp thế nào.

Sang tuần thứ hai, các hộ dân trong ngõ xóm đã triển khai ầm ầm. Họ tự thu dọn, dịch bờ rào, đổ đất, vác cuốc xẻng làm mặt đường… Trên địa bàn cả xã có gần chục chiếc xe tải vẫn túc tắc phục vụ vận chuyển hàng hóa cho nhân dân trong xã, vào dịp này xe phải chạy chở đất hết công suất mà không đáp ứng nổi nhu cầu làm mặt đường. Được dịp, lái xe tải cũng lên mặt đòi hợp đồng bao tiêu trọn gói: đổ đất thì phải được đổ cả cát sỏi mới chịu chở.

Đúng 11h trưa, chúng tôi có mặt tại xóm Sỏi, thôn Yên Cư 1, lúc này hai nhà sư Chùa Sỏi cùng phụ nữ trong xóm vẫn tất bật san đất mặt đường. Con đường từ xóm Sỏi nối với trục trung tâm xã dài chừng 6-7 trăm mét vắt ngang qua ruộng nên vào mùa mưa vẫn thường bị ngập úng. Những năm trước đây, ni sư Thích Đàm Mừng đã đi vận động từng hộ dân trong xóm đóng góp để làm đường nhưng quỹ chùa cùng sức dân quá hạn hẹp nên cố gắng lắm cũng chỉ đổ được một lớp bê tông mỏng rộng 40 phân trên quãng đường 380 m.

Đến nay, nhân có chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, ni sư Thích Đàm Mừng tiếp tục nuôi dưỡng quyết tâm hoàn thiện con đường. Một lần nữa bà lại gõ cửa vận động từng nhà trong xóm, phụ nữ được cắt cử làm nền đường, đàn ông đổ trộn bê tông, còn người già không đủ sức thì tùy theo điều kiện đóng góp vài ba chục ngàn. Bà Mừng cho biết: “Xóm chúng tôi đã đổ được gần 200 m đường bê tông nhưng giờ công trình đang phải ngừng lại vì hết xi măng, phải đợi trên cấp thêm”.

Hiện hầu hết các ngõ xóm ở Khánh Cư đều đã được người dân dọn đường sẵn, cát sỏi cũng đã tập kết, chỉ đợi xi măng để đổ nhưng theo kế hoạch lượng xi măng tỉnh cấp về cho xã trong năm 2012 chỉ được 500 tấn nên tất cả các thôn đều sục sôi giành phần xi măng cho mình.

Trước tình hình ấy, ông Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Cư cứ nửa mừng, nửa lo: “Tận tháng 9, tỉnh mới cấp cho xã 500 tấn xi măng. Ban đầu cứ lo rằng không triển khai kịp vì còn phụ thuộc vào sức dân nhưng giờ thì lại lo không có xi măng để cấp cho bà con làm. Đang lúc phong trào lên cao, dân hiến đất, làm đường đợi sẵn mà không có xi măng để cấp cho dân thì cũng ngại”.


Quang cảnh nông thôn xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình

Xã “vun vén” đóng góp cùng dân

Không riêng gì Khánh Cư, có thể nói cơn “khát” xi măng làm đường đang lan tỏa khắp 25 xã thuộc diện được cấp xi măng đợt đầu. Nhận thấy sức dân còn nhiều, tỉnh Ninh Bình quyết định sang năm 2013 sẽ đồng loạt cấp xi măng cho 120 xã trên địa bàn đồng thời trích 300 tấn trong kế hoạch năm 2013 ứng trước cho các xã điểm để bổ sung vào các công trình dở dang.

Cũng trên địa bàn huyện Yên Khánh, tại xã Khánh Thành, người dân không chỉ được hỗ trợ từ nguồn xi măng của tỉnh mà ngay chính UBND xã cũng tỏ ra hết sức nỗ lực khi quyết định tự “vun vén”, tiết kiệm các nguồn thu để đưa vào xây dựng công trình giao thông.

Ông Phạm Văn Dân – Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thành cho biết hiện xã đang tập trung toàn bộ nguồn lực để cùng dân triển khai đường giao thông thôn, xóm. Xã có hai trường cấp 1, thời gian gần đây học sinh ít nên hai trường gộp lại sử dụng chung một cơ cở, còn một cơ sở sẽ cho thuê để lấy tiền xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các khoản thu từ đấu thầu đất trên địa bàn cũng sẽ tập trung chủ yếu vào chương trình.

+ Chi phí làm cứng mặt đường đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ 450-550 triệu đồng/km. Tỉnh Ninh Bình hỗ trợ xi măng105-140 triệu đồng/km, ngoài ra tùy đường loại 1, 2, 3 sẽ hỗ trợ thêm tiền mua nguyên vật liệu ngoài xi măng lần lượt ở các mức 30 triệu, 50 triệu và 150 triệu đồng. Với mức hỗ trợ nêu trên thì kinh phí nhà nước chiếm khoảng 50-55% còn lại sẽ do dân đóng góp.

+ Thực hiện chương trình này tỉnh Ninh Bình chỉ cần chi 47,1 tỉ đồng nhưng đã làm được 270 km đường giao thông nông thôn.

Nhờ vậy, cứ mỗi km đường làm mới, ngoài lượng xi măng tỉnh cấp xuống, xã sẽ đầu tư thêm 133 triệu đồng để mua cát sỏi, dân chỉ phải đóng góp 70 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ, xã làm gương nên hiệu quả là toàn dân hừng hực hưởng ứng. Khi xã lập hồ sơ giải phóng mặt bằng đường xóm, đường trục chính ra cánh đồng tổng chiều dài toàn tuyến cần được mở 16.649 m đất thì dân tự nguyện hiến tặng 15.989 m đất.

Có lẽ nói đến làm đường giao thông thì người dân ở Khánh Thành hưởng ứng nhanh nhất bởi mọi người nơi đây đều từng thấm thía cái khó, cái khổ của con đường. Đã có thời, Khánh Thành được nhắc đến như một địa phương lạc hậu ở vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Yên Khánh. Người ta có câu rằng: Dù ai đi xứ mười đông/ Không bằng công tác một công Khánh Thành.

Cũng theo ông Dân, cách đây hơn chục năm, đến xã Khánh Thành chỉ cần bỏ khoảng 4 triệu đồng là có thể mua được một thổ đất rộng 160 m2. Nhưng từ ngày nhà nước đầu tư đường sá giao thông thuận lợi, giá đất trong xã tăng lên gấp 5 lần. Lợi ích nhìn thấy rõ ràng nên cứ có chương trình làm đường là nhân dân đều sẵn sàng ủng hộ. Hiện trên địa bàn xã đang có 10,25 km đường liên thôn đang được nâng cấp chuẩn bị rải bê tông mặt 5,5m; đường liên xóm dài 23 km hiện nay đang cải tạo nâng cấp rộng từ 4-6 m.

Nhân dân trong các xóm cũng rất có ý thức, không hề ỷ lại vào chính quyền. Đơn cử như xóm 2 chẳng hạn, người dân tự vận động con em ở xa đóng góp về địa phương huy động được 600 khối cát, tương đương 42 triệu đồng. Không chỉ có ý thức làm đường, người dân Khánh Thành còn đóng góp trên 200 triệu đồng làm đường điện cho giao thông nông thôn. Đến nay, 17/19 thôn trong xã đều đã có điện đường, để duy trì dòng điện thắp sáng lối xóm hàng đêm, mỗi hộ tự nguyện đóng góp từ 4-6 ngàn đồng/tháng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất