| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 24/07/2014 , 08:52 (GMT+7)

08:52 - 24/07/2014

Khi thông tư chưa rõ ràng

Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính (Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất), có hiệu lực từ 1/8/2014, đang gây nên nhiều phản ứng trong dư luận.

Cụ thể là khoản 1, điều 6 (Phân bổ tiền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng tại công trình hỗn hợp có nhà ở).

Điều này được thông tư quy định như sau: “Việc phân bổ tiền sử dụng đất đối với công trình xây dựng nhiều tầng gắn liền với đất được nhà nước giao cho nhiều đối tượng sử dụng quy định tại khoản 3, điều 4 Nghị định 45/2014/NĐ-CP thực hiện như sau: Đối với công trình xây dựng là nhà cao tầng, nhà chung cư, nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp (trừ quy định tại khoản 2 điều này) thì tiền sử dụng đất được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà của từng đối tượng sử dụng như sau:

a- Hệ số phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa diện tích đất xây dựng nhà và tổng diện tích nhà của các đối tượng sử dụng;

b- Trường hợp nhà có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm được cộng vào tổng diện tích nhà của các đối tượng sử dụng để tính hệ số phân bổ. Trường hợp các tầng hầm được xác định là sở hữu chung của các đối tượng sinh sống trong tòa nhà thì diện tích các tầng hầm được phân bổ đều cho các đối tượng sử dụng nhà. Trường hợp các tầng hầm được xác định là sở hữu của chủ đầu tư thì diện tích các tầng hầm được phân bổ để tính thu tiền sử dụng đất cho đối tượng là chủ đầu tư”.

Điểm b, khoản 1, điều 2 (đối tượng thu tiền sử dụng đất) của Nghị định 45/2014/NĐ-CP đã quy định rõ: Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở bán hoặc bán kết hợp cho thuê, thì phải nộp tiền sử dụng đất.

Tổ chức kinh tế, tức chủ đầu tư, đã nộp tiền SDĐ của dự án. Và chỉ sau khi đã nộp tiền sử dụng đất chủ đầu tư mới được phép xây nhà để bán hoặc bán kết hợp cho thuê. Không ông chủ đầu tư nào lại bỏ ra một khoản tiền khổng lồ nộp tiền SDĐ rồi chỉ bán nhà gắn liền trên đất.

Bởi giá trị QSDĐ lớn hơn giá tiền xây dựng nhà rất nhiều, nhất là tại những khu đất đắc địa hay khu đất được cho là có vị trí “vàng”. Vì vậy, chắc chắn giá trị QSDĐ đã được chủ đầu tư phân bổ, trở thành một bộ phận lớn tạo nên giá thành của mỗi căn hộ, chưa kể những khoản khác làm nên mức lãi cao ngất ngưởng của họ. Và người mua hay người thuê căn hộ đó đã è cổ gánh chịu giá trị QSDĐ rồi.

Nay, cứ như giấy trắng mực đen của khoản 1 điều 6 thông tư trên của Bộ Tài chính, thì người đọc sẽ hiểu rằng giá trị QSDĐ lại được “phân bổ” một lần nữa cho các đối tượng sử dụng nhà hay thuê nhà trong những chung cư nhiều tầng đó. Và chính điều này đã khiến dư luận phản ứng.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng trên các phương tiện truyền thông khá gay gắt. Nào là Bộ Tài chính bắt người mua, người thuê nhà gánh tiền SDĐ thay cho chủ đầu tư; nào là người mua, người thuê nhà phải gánh hai lần giá trị QSDĐ; nào là bất hợp lý, phi thị trường…

Và hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Phân bổ giá trị QSDĐ theo từng m2 nhà ở, tầng hầm như vậy thì người sử dụng nhà sẽ nộp tiền SDĐ ở đâu? Nhà làm xong mà ế không bán được thì bao giờ nhà nước mới thu được tiền SDĐ?…

Chính những điều này đã gây nên tâm lý hoang mang cho người mua hay người thuê nhà, dù ngày thông tư có hiệu lực chưa đến.

Thực ra thì không phải thế. Người mua hay người thuê nhà tại các công trình hỗn hợp có nhà ở trước sau vẫn chỉ phải gánh chịu giá trị QSDĐ một lần, và không phải nộp trực tiếp cho nhà nước, vì họ đã phải gánh chịu giá trị QSDĐ trong giá thành nhà rồi.

Chỉ vì thông tư trên có chỗ chưa rõ ràng nên dư luận đang rất phân vân...

Bình luận mới nhất