| Hotline: 0983.970.780

Khi “vua vàng” chuyển làm nông nghiệp

Thứ Sáu 04/01/2013 , 09:40 (GMT+7)

Ai ai cũng khâm phục “vua vàng” Cao Văn Khang trên ngọn núi Pác Ả, vì ông có biệt tài lấy được cả vàng, bạc, chì, kẽm trong đá và đất mục. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những sáng tạo vượt bậc trong tìm kiếm khoáng sản, ông Khang luôn đích thực là một lão nông tri điền...

Người làm vàng, khai thác khoáng sản tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đều khâm phục “vua vàng” Cao Văn Khang trên ngọn núi Pác Ả, vì ông có biệt tài lấy được cả vàng, bạc, chì, kẽm trong đá và đất mục. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những sáng tạo vượt bậc trong tìm kiếm khoáng sản, ông Khang luôn đích thực là một lão nông tri điền...

Mất gần 4 tiếng chúng tôi leo vượt men ngọn thác Nà Khoang, băng qua các nương ngô, đồi cỏ guật đỏ úa mùa sương giá. Cứ thế, dốc dựng đứng mà đi theo hướng của ngọn núi cao nhất (nhờ Lý A Nọng người Nà Phặc, huyện Ngân Sơn dẫn đường) là Pác Ả. Theo các cụ già trong vùng, ngọn Pác Ả chính là nơi có nhiều dấu tích khai thác khoáng sản từ thời thực dân cai trị. Suốt đường đi, thi thoảng vẫn thấy những hang hố đen ngòm, sâu hoẳm. “Người ta nói là dưới cái hang đó có nhiều rắn độc, ma tà nên không ai dám xuống, chẳng biết nó sâu đến đâu nữa”, mỗi khi tôi ghé ngó nghiêng cửa hang, Nọng lại hù như thế.

Pác Ả cao hơn 1.000 mét so với nước biển, và là một trong những ngọn núi cao của vòng cung Ngân Sơn hùng vĩ. Đứng trên đỉnh núi này thỏa sức phóng tầm mắt qua tất cả những ngọn núi khác. Địa danh Pác Ả được người xưa đặt tên, tạm dịch theo tiếng Tày có nghĩa là “miệng rộng”, chính là “đại bản doanh” của ông Cao Văn Khang, giám đốc Cty TNHH Hoàng Giang. Nói là Cty cho oách, thực chất chỉ là dãy nhà tạm đơn sơ cho công nhân và gia đình ông cùng cư ngụ, phục vụ khai thác chì, kẽm, vàng, bạc và phát triển nông lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Chúng tôi đến, một công nhân nhanh nhảu cho biết giám đốc Khang đang “cắm chốt” bên xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể chỉ đạo sản xuất tinh bột dong riềng. Nghe vậy, tôi chỉ ngó qua trang trại nuôi đà điểu, lợn rừng, rừng trồng cây hồi một chút rồi tức tốc xuống núi để kịp đến huyện Ba Bể với mong muốn gặp cho được “vua vàng” nức tiếng này! Đến khu chế biến tinh bột dong của Cty TNHH Hoàng Giang tại thôn Nà Khao, xã Phúc Lộc, thấy đúng là một cơ sở chế biến hoành tráng, nhìn ngợp mắt. Ngỡ cứ tưởng vị giám đốc tài hoa trên ngọn núi Pác Ả này phải luôn ăn mặc chỉnh tề, ngồi phòng Vip chỉ đạo, ai ngờ khi bảo vệ dẫn đến giới thiệu, tôi nhìn ông thấy chẳng khác một lão nông lúc đang mùa vụ. Hôm đó trời mưa phùn, gió núi Ba Bể cắt thịt, thế nhưng ông Khang vẫn chỉ chiếc áo bay màu cỏ úa, vén cao ống tay, quần bộ đội cũ cũng vén cao ống, đi đôi dép rọ, đang miệt mài cùng đám công nhân lựa chọn củ dong vừa thu mua về.



Ông Cao Văn Khang tại cơ sở chế biến dong riềng

Dốc bầu tâm sự đúng phong cách dân bờ bãi, ông Cao Văn Khang kể: “Từ quê TP.Nam Định, năm 1991 tôi lên huyện Ngân Sơn khai thác vàng. Năm 1993 tôi nghe nói trong tỉnh Gia Lai làm vàng ngon ăn, nên chuyển vào đó làm một thời gian nhưng chẳng ăn thua gì, mãi đến 1998 lại quay trở lại núi Pác Ả tiếp tục nghề khoáng sản. Vàng, bạc trên Pác Ả ở trong đất, đá rất khó làm, đối với người có kinh nghiệm thì còn có ăn, người nào không có duyên và không có am hiểu về vàng gốc thì chỉ có đói. Nói là làm vàng, quặng nhưng thực tế tôi rất thích làm nông nghiệp, từ trồng rừng, chăn nuôi. Vẫn biết làm nông nghiệp sẽ lãi ít, nhưng chắc hơn so với các nghề khác tôi đã từng làm. Ví dụ những năm làm vàng trong Gia Lai, tôi vừa đào vàng vừa trồng cả trang trại cà phê, lấy cái nọ, nuôi cái kia mới tồn tại được. Bây giờ trên ngọn núi Pác Ả kia cũng vậy, họ cứ nói rằng tôi được nhiều vàng, bạc nhưng thực tế chẳng ăn thua gì.

Từ ngày tôi lên làm vàng, quặng tại huyện Ngân Sơn, lúc nào cũng nghĩ nuôi con gì, trồng cây gì trên vùng núi cao này cho hiệu quả kinh tế, vì núi cao mênh mông không có nhà dân, đất bỏ hoang hóa thấy tiếc của lắm. Mỗi khi tích lũy có tiền, tôi lại đầu tư trồng hồi, lát; trồng cỏ voi, ngô, bí đỏ chăn nuôi gia súc, nghiên cứu làm trang trại nuôi bò, trâu, ngựa, dê. Nhưng trên đó quá cao không phù hợp chăn nuôi, những con bê, nghé toàn bị chết rét hoặc còi cọc, gầy ốm vào mùa đông. Bị thất bại, tôi chuyển cách chăn nuôi đà điểu, lợn rừng vì chỉ những con này mới hợp với nơi lạnh giá về mùa đông như Ngân Sơn. Cuối cùng, thì thành công ngoài mong đợi từ hướng nuôi lợn rừng, đà điểu. Từ đó câu chuyện hang hố đào quặng vàng tôi chẳng để ý nữa. Phận vàng bạc may rủi, phiêu lưu lắm, chớ dại mà lao vào…”.

Đã chục năm trôi qua, “vua vàng” Cao Văn Khang đã đầu tư làm 2 trang trại: Chăn nuôi lợn rừng, đà điểu trên ngọn núi Pác Ả, huyện Ngân Sơn và một trang trại tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông. Năm 2012, ông Khang dự kiến xuất bán hơn 1.500 lợn rừng và khoảng 500 con đà điểu, doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng. Có vốn tích lũy từ chăn nuôi, ông đã quyết đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào xưởng chế biến củ dong riềng tại xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tiếp tục gắn bó cùng bà con nông dân.

Ông Khang cho biết, mấy năm gần đây, các trang trại của ông cho thu nhập tốt hơn làm quặng nhiều. Đặc biệt khi nghe tin tỉnh Bắc Kạn đã nghiên cứu thành công cây dong riềng, chính quyền các cấp đang thực hiện chủ trương hỗ trợ nông dân đem cây dong riềng về trồng trên đất rẫy, ruộng cạn thì ông Khang bắt nhịp ngay. Ông nhanh chóng tìm mua các tài liệu liên quan đến trồng dong, chế biến bột, cũng như thị trường bột, miến dong trong và ngoài nước trong mấy năm gần đây. Ông lặn lội về Hà Tây (cũ) nghiên cứu nghề miến dong. Tại đây, ông phát hiện một “vỉa vàng lộ thiên” là xơ của củ dong họ vứt bỏ lãng phí nên đã xin đóng bao đem về nghiên cứu chế biến làm thức ăn chăn nuôi.

Thế là một cuộc tự mày mò nghiên cứu cách tận thu chất thải sau chế biến dong làm thức ăn chăn nuôi. Các cuộc thực nghiệm diễn ra tốn không ít công sức, tiền của nhưng cuối cùng cũng có đáp số. Chất thải sau chế biến bột, được ông cho vào máy vo thành viên khô, làm thức ăn chăn nuôi lợn rừng, đà điểu ngay tại trang trại của Cty ông, cách làm này sẽ rất hiệu quả, một công đôi việc vì không phải mua thức ăn cho lợn, đà điểu, bò, dê nữa, hơn thế gia súc ăn xơ củ dong thịt lại rất thơm ngon.

Từ đó ông quyết tâm mở hướng sản xuất, chế biến bột dong riềng. Sau nhiều đêm tính toán, ông Khang quyết tâm đầu tư ngay một cơ sở chế biến bột dong lớn nhất Bắc Kạn để thu mua hết củ dong cho nông dân. Ông ký hợp đồng thu mua củ dong với nông dân một mức giá ấn định trước, như giá mua tói thiểu năm 2012 là 1.700 đồng/kg dong tươi. Với mức giá trần đó, đảm bảo người nông dân có lãi khi trồng dong, nếu giá củ trên thị trường cao hơn, Cty cũng lại mua theo giá thực tế. Cách làm đó rất được nông dân trồng dong ủng hộ...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất