| Hotline: 0983.970.780

Khó hiểu trong cách xử lý

Thứ Hai 28/01/2013 , 09:53 (GMT+7)

Ban đầu UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu nhà máy dừng sản xuất, tuy nhiên sau đó lại có công văn cho phép tiếp tục.

Hồ chứa bã thải của Nhà máy Long Giang

Báo NNVN từ tháng 9/2012 đã có loạt bài phản ánh về việc Nhà máy chế biến tinh bột dong riềng Long Giang (gọi tắt là Nhà máy Long Giang, thuộc Cty CP đầu tư và xây dựng Long Giang Thịnh) đã lập lờ trong việc xây dựng dự án với mục đích thu mua, chế biến tinh bột dong riềng nhưng chuyển sang sản xuất tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

>> Dân tố cáo nhà máy gây ô nhiễm
>> UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra vấn đề NNVN nêu
>> Quảng Bình: Nhà máy lập lờ nông dân

Ban đầu UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu nhà máy dừng sản xuất, tuy nhiên sau đó lại có công văn cho phép tiếp tục. Điều đáng nói là trước đó, UBND tỉnh cũng đã có văn bản khẳng định việc NM Long Giang sản xuất tinh bột sắn là không đúng với quy định của pháp luật...

Không đảm bảo xử lý môi trường vẫn cho sản xuất?

Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy Long Giang đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ông Nguyễn Viết Ánh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết mùi hôi từ nhà máy này bay về tận... trung tâm huyện. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền đề nghị dừng hoạt động của nhà máy.

Trước vấn đề gây ô nhiễm của Nhà máy Long Giang, Sở TN-MT Quảng Bình đã có kiểm tra và xử phạt hành chính 7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi phạt xong thì Sở TN-MT coi như hết trách nhiệm và nhà máy tiếp tục hoạt động, lại gây ô nhiễm. Thậm chí, nhà máy xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc xả thải ra môi trường của nhà máy cũng góp nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của quản đốc nhà máy.

Theo ông Trần Văn Tường - Trưởng Công an xã Vĩnh Ninh thì vào sáng 22/12/2012, khi lặn xuống hồ thải để chắn cống xả, ông quản đốc đã bị hút vào cống dài 7 m và chết. Nói về cống ngầm xả thải trực tiếp ra môi trường của nhà máy, ông Phan Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Quảng Bình) cho rằng không thể đặt cống ở vị trí này vì phía sau cống là đất canh tác của người dân và mương dẫn nước về suối Cầu Hai.

Sau sự cố xảy ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn do ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ký ngày 3/1, chỉ đạo yêu cầu Nhà máy Long Giang dừng hoạt động để khắc phục môi trường và giao cho Sở TN-MT kiểm tra giám sát. Thay vì tìm ra nguyên nhân chính của việc gây ô nhiễm môi trường là xuất phát từ việc Nhà máy Long Giang chuyển hướng từ sản xuất dong riềng sang sản xuất sắn và hệ thống xử lý chưa đảm bảo yêu cầu, Sở TN-MT Quảng Bình chỉ “nhăm nhăm” vào việc nhà máy này khắc phục sự cố như xử lý nước suối Cầu Hai bằng men sinh học, bơm nước xả thải ngược vào hồ thải. Chỉ hơn chục ngày sau, ông Nguyễn Xuân Tuyến - Giám đốc Sở TN-MT ký công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cho Nhà máy Long Giang hoạt động trở lại với lý do là đã xử lý xong ô nhiễm? Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang ký công văn ngày 21/1 cho nhà máy hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, trao đổi với các phóng viên, ông Phan Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường vẫn khẳng định dây chuyền nước thải xử lý ở Nhà máy Long Giang cần phải có 5 công đoạn nhưng thiếu mất 2 công đoạn. Ở hồ sinh học (nơi đường ống xả trộm) đáng ra phải có thêm một hồ sục khí nữa, nhưng họ làm chưa hoàn chỉnh. Việc xử lý môi trường ở nhà máy này chưa đảm bảo...

Sản xuất dong riềng là mục tiêu chính

Dư luận đặt ra câu hỏi về việc Nhà máy Long Giang với mục đích phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất dong riềng nhưng chuyển hướng sang sản xuất tinh bột sắn có vi phạm quy định của pháp luật? Vấn đề này, ông Trần Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương làm rõ. Sau một hội nghị với nhiều thành phần tham gia, Sở KH-ĐT Quảng Bình đã có công văn ngày 9/11/2012 gửi UBND tỉnh, nói rõ: Tỉnh đã thông qua quy hoạch vùng nguyên liệu và nhiệm vụ chính của Nhà máy Long Giang là sản xuất sản phẩm từ dong riềng, được tỉnh hỗ trợ vay ưu đãi 20 tỷ đồng vì vậy phải thực hiện theo đúng chủ trương của UBND tỉnh là sản xuất dong riềng.

Sở KH-ĐT cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Nhà máy Long Giang (Cty Long Giang Thịnh) phải xác định nguyên liệu chính vẫn là cây dong riềng, phải đẩy mạnh đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng theo quy hoạch. Việc Nhà máy Long Giang sản xuất tinh bột sắn là chưa đúng mục tiêu của dự án. Vì vậy nhà máy giải quyết hết nguyên liệu (đã thu mua) tồn kho và tập trung mua nguyên liệu dong riềng đúng theo mục đính của dự án.

Ngày 17/1, UBND tỉnh Quảng Bình có công văn do Phó Chủ tịch Trần Văn Tuân ký, khẳng định: “Việc nhà máy chế biến tinh bột dong riềng xuất khẩu Long Giang thu mua, sản xuất thêm tinh bột sắn trong thời qua là không đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu Cty phải xác định lộ trình, kế hoạch đầu tư vùng nguyên liệu dong riềng theo quy hoạch và thực hiện việc chế biến tinh bột dong riềng theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được UBND tỉnh cấp".

Phá vỡ quy hoạch?

Cùng sự việc Nhà máy Long Giang sản xuất không đúng mục đích của dự án, UBND tỉnh Quảng Bình đã có sự chỉ đạo trái ngược nhau. Một văn bản chỉ đạo là việc sản xuất không đúng quy định của pháp luật (mà rõ ràng hoạt động không đúng quy định của pháp luật là phải bị ngăn chặn) và một văn bản khác lại đồng ý cho hoạt động. Điều này khiến dư luận không thể không có câu hỏi: Liệu có gì khuất tất trong việc đầu tư, hoạt động của nhà máy này?

Theo ông Hoàng Quốc Vương - Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn XK Sông Dinh (thuộc Cty Bình Lợi): “Sau 8 năm đi vào hoạt động, nhà máy chúng tôi đã xây dựng được vùng quy hoạch nguyên liệu từ kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như kế hoạch thu mua trong tỉnh với diện tích trên 3.000 ha. Tuy nhiên, nguyên liệu cũng chỉ đủ cho nhà máy hoạt động trong thời gian 6 tháng. Năm 2012, Nhà máy Long Giang đi vào hoạt động và chuyển đổi từ sản xuất dong riềng sang sắn đã làm chúng tôi gặp khó khăn trong việc quy hoạch nguyên liệu và sản xuất. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên xem xét để ngừng việc thu mua, sản xuất chế biến sắn của Nhà máy Long Giang”.

Cũng theo ông Vương, nhà máy chưa bao giờ có biểu hiện mua ép giá nông dân hay để xảy ra hiện tượng dư thừa nguyên liệu. Nhiều năm, xuất hiện lũ sớm, nhà máy phải hoạt động sớm để tổ chức thu mua sắn bị ngập nhằm giúp bà con nông dân hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. “Hiện nay, chúng tôi có gần 100 công nhân có tham gia nộp đầy đủ các loại BHXH, BHYT... Nếu cấp trên cứ để cho Nhà máy Long Giang sản xuất sắn thì người lao động của chúng tôi sẽ mất việc làm thường xuyên vì thiếu nguyên liệu” - ông Vương nhấn mạnh như vậy.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất