| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn& thách thức

Thứ Ba 15/01/2013 , 11:46 (GMT+7)

Những năm gần đây, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được nghiên cứu áp dụng góp phần phòng chống xói lở, bảo vệ đê sông, đê biển, giảm nhẹ thiên tai...

Thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta nhiều vùng đất phù sa màu mỡ, do vậy, từ nhiều đời nay cuộc sống của nhân dân ta chủ yếu vẫn là SX nông nghiệp. Mặc dù, sau nhiều năm đầu tư phát triển cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, với tỷ trọng GDP chiếm tới gần 80% nhưng vẫn còn trên 70% dân số dựa vào nông nghiệp.

Đây là điều mà Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ và luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn vì đó vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển và nâng cao mức sống của cư dân nông thôn và cũng là đại bộ phận dân cư của cả nước.

Vai trò lớn

Với truyền thống và kinh nghiệm SX lúa nước hàng nghìn năm, ông cha ta đã đúc kết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” cũng có nghĩa là trong những điều kiện cần và đủ để gieo trồng lúa nước thì vai trò của thủy lợi được coi là hàng đầu để SXNN một cách bền vững.

Vai trò của thủy lợi còn được ông cha ta vận dụng vô cùng nhuần nhuyễn trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai với hàng nghìn km đê sông, đê biển, bờ bao, các công trình đập ngăn, hồ chứa nước; các công trình lấn biển, thau chua, rửa mặn đã từng bước được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống và SX của mọi người dân từ thành thị đến nông thôn.

Năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, trong hoàn cảnh cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng nhân dân vẫn hăng hái đóng góp sức người, sức của tiến hành sửa chữa, khôi phục, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi lớn như: Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải, Đô Lương, đập Đáy, Vân Cốc, thủy điện Thác Bà... Đó là những công trình thủy lợi, thủy điện có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp vào thời bấy giờ; đặc biệt là tiếp tục củng cố vững chắc hệ thống đê sông Hồng đã góp phần bảo vệ cuộc sống và SX của hàng triệu người dân, hàng triệu héc ta ruộng đất ở đồng bằng Bắc bộ.


Hồ chứa nước Cửa Đạt (Thanh Hóa), công trình thế kỷ

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước đã nhanh chóng triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi tại nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt là các vùng thường xuyên hạn hán ở miền Trung và các vùng đất nhiễm mặn, chua phèn, thường xuyên ngập úng ở ĐBSCL.

Chúng ta đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều công trình thủy lợi lớn, đặc biệt là các công trình thoát lũ ra biển Tây và cải tạo đất vùng tứ giác Long Xuyên, đất nhiễm chua phèn nhiều năm tại Đồng Tháp Mười đã góp phần làm cho các vùng đất Nam bộ trở nên phì nhiêu với diện tích canh tác lên đến 4 triệu ha và thành vựa lúa lớn nhất nước ta (sản lượng từ mức 4 triệu tấn khi mới giải phóng đã lên đến trên 30 triệu tấn).

Những thành tựu nổi bật đó đã nâng cao vị thế của nước ta từ chỗ phải nhập khẩu lương thực đã trở thành một nước không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho mình mà còn đứng đầu về xuất khẩu gạo của thế giới. Có thể nói rằng trong những cố gắng để phát triển nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, công tác thủy lợi đã, đang và sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Giải pháp, công nghệ phù hợp

Ngày nay, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu về sử dụng nước không chỉ phục vụ cho nông nghiệp mà còn phục vụ để phát triển công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt và cho nuôi trồng thủy sản với yêu cầu về chất lượng và số lượng ngày càng cao.

Mặt khác, như chúng ta đã nhận thấy nguồn nước hiện có lại không được dồi dào và đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt. Tài nguyên nước ở nước ta chỉ thuộc mức trung bình trên thế giới, tổng dòng chảy hàng năm ứng với tần suất P = 75% khoảng 733 tỷ m3, trong đó có khoảng 15 tỷ m3 là nước ngầm.

Song nguồn nước lại phân bố không đều giữa các mùa trong năm và giữa các vùng trên đất nước: Tổng lưu lượng nước mùa cạn chỉ còn khoảng 170 tỷ m3 và nhu cầu nước sử dụng vào mùa kiệt đã lên tới trên 91 tỷ m3. Cân bằng nước trong cả năm ở nhiều lưu vực lớn như Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, nhu cầu sử dụng nước ngọt đã vượt quá 30% tổng lượng nước hiện có; đáng kể là Ninh Thuận 60% và Bình Thuận 140%.

Sự cạn kiệt tài nguyên nước ngày càng gia tăng còn do dân số tăng nhanh làm cho tỷ lệ bình quân về nước trên đầu người cũng đang giảm mạnh. Năm 1945, bình quân có 14.520 m3/người; nay chỉ còn 2.840 m3/người. Vài năm gần đây, các nước vùng thượng nguồn sông Mê Kông đã và đang xây dựng nhiều công trình để khai thác nguồn nước, làm thay đổi chế độ dòng chảy, lưu lượng và chất lượng nước đối với vùng hạ lưu kể cả làm tăng thêm xâm nhập mặn vào ĐBSCL nước ta.

Đồng bằng sông Hồng cũng đang phải gánh chịu những tác động tương tự. Như vậy, các đồng bằng châu thổ của nước ta sẽ phải chịu tác động từ hai phía: phía biển và phía thượng nguồn của các dòng sông.

Những diễn biến phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu cùng với nước biển ngày càng dâng cao đang tác động trực tiếp đến nhiều vùng KT-XH quan trọng của đất nước như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, các thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, một số thành phố, nhiều vùng dân cư và đồng bằng ven biển khác, đang đe dọa làm mất đi nhiều nguồn lực to lớn của đất nước.

Trước tình hình trên, chúng ta đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như quy hoạch lại hệ thống thủy lợi ĐBSCL, củng cố và xây dựng hệ thống đê sông, đê cửa sông và đê biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, rà soát, củng cố và xây dựng thêm hệ thống hồ chứa ở Trung bộ và Nam bộ, thực hiện kết hợp nhiều giải pháp phi công trình, các giải pháp khoa học, công nghệ, chuyển dịch mùa vụ,giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước… nhằm bổ trợ thêm nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước.

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua, đội ngũ cán bộ KH-CN của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đang không ngừng phấn đấu vươn lên để trở thành cơ quan nghiên cứu KH-CN thủy lợi hàng đầu, đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và hướng tới ngang tầm các nước có trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới.

Từng bước xây dựng để viện có một đội ngũ cán bộ KH-CN có trình độ và năng lực cao, giải quyết thành công những vấn đề đặt ra cho ngành thủy lợi nước ta trong tương lai, góp phần phát triển bền vững nền KT-XH của đất nước.

Những năm gần đây, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được nghiên cứu áp dụng góp phần phòng chống xói lở, bảo vệ đê sông, đê biển, giảm nhẹ thiên tai, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, xây dựng và bảo vệ công trình, hiện đại hoá công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, có thể kể đến những công nghệ mới được áp dụng và mang lại kết quả nổi bật.

Tiêu biểu là các công trình đập trụ đỡ, đập xà lan di động, đập cao su, công nghệ jet-grouting tạo cọc xi măng đất, công nghệ cừ bản dầm bảo vệ bờ sông, bờ biển, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ scada điều khiển và giám sát tự động từ xa hệ thống công trình thuỷ lợi, công nghệ bơm hút sâu, bơm cột nước thấp, bơm va, bơm thuỷ luân, thực nghiệm sử dụng các mô hình vật lý, mô hình thuỷ lực... trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Đứng trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự biến đổi của dòng chảy, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, khoa học thủy lợi cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và tìm ra các giải pháp và công nghệ phù hợp để bảo vệ thành công những nguồn nước, vùng đất đang bị đe dọa đảm bảo cho SX tiếp tục phát triển, đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân. Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, suy nghĩ sáng tạo hơn trong việc giải quyết các nhiệm vụ thủy lợi trong những năm sắp tới.

 

 

(*): Tác giả hiện là Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

 

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.