| Hotline: 0983.970.780

Khó mở rộng đường

Thứ Hai 20/08/2012 , 10:01 (GMT+7)

Ở vùng nông thôn miền Trung, mấy năm trước, phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) khá rầm rộ.

Ở vùng nông thôn miền Trung, mấy năm trước, phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) khá rầm rộ. Các tuyến đường rộng chỉ 2-2,5m. Giờ theo tiêu chí xây dựng NTM phải nâng lên 3,5m và có nền đường 4m (3,5m trong điều kiện khó khăn hoặc trong bước đầu phân kỳ xây dựng).

>> Ngưng trệ vì đất ế
>> Nỗi lo tiêu chí “chọi” nhau
>> Một số bất cập trong xây dựng NTM

Bài toán khó giải cho xã nghèo

Xuân Trạch là một xã miền núi nghèo của huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Tuy vậy, bà con cũng rất phấn khởi bắt tay vào xây dựng NTM. Ông Nguyễn Xuân Than, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Toàn xã hiện có gần 62% hộ nghèo. Đây là một thách thức rất lớn đối với Xuân Trạch trong quá trình xây dựng NTM nói chung và hoàn thành tiêu chí giao thông nói riêng”.

Hiện, toàn xã có gần 23/25km đường xã, liên xã; 6/19km đường thôn đã được cứng hóa. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường vẫn chưa bảo đảm về chiều rộng theo tiêu chí. Còn lại 35/51km đường xóm, ngõ xóm có mặt đường; số còn lại chỉ mới có mặt bằng theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, với tổng diện tích tự nhiên toàn xã gần 17.700ha, đất lâm nghiệp chiếm đến 15.526 ha, quá trình giao đất, giao rừng cho các hộ dân cũng có những tác động nhất định đối với việc hoàn thành tiêu chí giao thông. Nếu mở rộng đường, chắc chắn sẽ liên quan đến việc giải tỏa đất đai. Vì thế, Xuân Trạch đang đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu về Chương trình MTQG xây dựng NTM, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình nói chung và hoàn thành tiêu chí giao thông nói riêng. Chỉ riêng những tuyến đường đã được bê tông là đã khó giải quyết.

Trước đây, đường đất rộng chỉ độ 1,5m. Khi thực hiện cứng hóa, bà con đã hiến đất, cây cối, hàng rào mở rộng ra 2,5m (vì rộng chừng đó mới đủ kinh phí, chứ rộng quá thì bà con góp không xuể). Tưởng vậy là đã ổn nên đa phần các hộ gia đình ở mặt tiền đã xây hàng rào, nhà sát với đường bê tông. Nay mở thêm như quy hoạch thì phải mở rộng thêm 1,5m.


Việc mở rộng đường theo chuẩn mới ở xã Quảng Xuân gặp khó khăn

“Dù nghèo nhưng bà con cũng gắng làm nhà xây để tránh bão, nay phải đập tường thì lấy đâu ra kinh phí. Chỉ tính một trục đường liên thôn dài khoảng nửa cây số là đã có đến gần năm chục nhà phải đập tường. Để bà con tự lo thì không nổi, mà đền bù hay hỗ trợ thì lấy đâu ra kinh phí?”, ông Than nêu khó khăn.

Bài toán giao thông của xã Hưng Trạch (Bố Trạch) lại còn nan giải hơn, vì gộp cả 2 cái khó của các địa phương. Trong tổng số 18 thôn của xã, có 4 thôn, gồm Gia Hưng 1,2,3 và Thanh Hưng, mật độ dân số rất cao. Nhà ở tại khu vực này được xây dựng san sát, theo đó, các tuyến đường giao thông cũng chật hẹp. Trung bình đường chỉ rộng được 2m. Hai bên là tường nhà. Nếu mở rộng đường thì nhà nào cũng phải đập tường, làm lại nhà hết.

Ông Vũ Văn Trọng (thôn Gia Hưng) có con đi lao động nước ngoài gửi tiền về làm được căn nhà 2 tầng. Nếu mở đường, nhà ông cũng phải đập để hiến hơn một mét đất. Ông phân trần: “Đất hiến thì không sao, nhưng ngặt nỗi là cả cái nhà công sức, tiền của bỏ ra vậy mà cấp trên không hỗ trợ thì làm sao được. Nếu chỉ là cái hàng rào thì tôi cho ngay, chứ đằng này ngôi nhà cả tỷ bạc”.

Trong khi đó, 14 thôn còn lại, đặc biệt là thôn Bồng Lai thì dân cư sống rải rác trên đồi, địa hình khó khăn và quá rộng, nên việc cứng hóa các tuyến đường theo quy định của tiêu chí cũng vô cùng nan giải.

Ông Lê Văn Thịnh (thôn Bồng Lai) có cái nhìn khá thực tế: “Giữa thôn tôi và bên cạnh cách nhau quả đồi gần 2 cây số, nếu chỉ làm bê tông đường theo loại thấp nhất là rộng 2m thì cũng tốn gần tỷ bạc. Nếu Nhà nước hỗ trợ một nửa, số còn lại do người dân đóng góp thì chẳng bao giờ làm được. Vì nếu bán hết tài sản hiện có của bà con trong thôn cũng chưa chắc đủ số tiền đó thì lấy đâu ra”.

Xã giàu cũng... kẹt cứng

Nếu những địa phương nói trên đang gặp khó khăn bởi địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao, thì các xã có bộ mặt kinh tế vượt trội như: Cảnh Dương, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch)... cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, quả quyết: "Đối với địa phương chúng tôi, để cứng hóa hệ thống đường liên thôn, liên xã... là việc rất đơn giản. Nhưng bảo đảm độ rộng mặt đường đạt tiêu chí thì vài chục năm nữa chưa chắc đã làm xong”.

Ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, kiêm Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh:

“Khoảng cách giữa tiêu chí giao thông với thực tế các địa bàn là rất đáng lưu tâm. Bộ tiêu chí về xây dựng NTM với 19 tiêu chí là chuẩn để chúng ta phấn đấu dài hơi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tiêu chí giao thông cũng thế. Để hoàn thành được tiêu chí này, cần có sự đồng thuận của người dân, sự quyết tâm của chính quyền địa phương và phải phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Một số địa phương nên triển khai theo hướng chỉnh trang thay vì phá bỏ".

Hiện tại ở Cảnh Dương có rất nhiều tuyến đường chỉ có chiều rộng từ 1,5 đến 2m. Ông Nguyễn Thành Đồng, một người dân ở Cảnh Dường, cho hay: “Giả sử địa phương có nguồn ngân sách để đền bù cho người dân nhằm giải phóng mặt bằng thì cũng khó thực hiện, Vì quỹ đất ở của xã chỉ có 58ha, mật độ dân số đạt mức kỷ lục của vùng nông thôn với 5.316 người/km. Thành ra, không còn đất để cho việc mở rộng đường”.

Theo ý ông Thành, đối với Cảnh Dương, hướng thực hiện tiêu chí giao thông là chỉnh trang các tuyến đường hiện có để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia giao thông.

Tương tự, xã Quảng Xuân có tuyến đường liên thôn dài khoảng 4km được bê tông hóa cách đây gần 10 năm do người dân góp vốn làm. Hai bên đường có hệ thống điện chiếu sáng như đô thị. Do con em đi xuất khẩu lao động nhiều nên kinh tế hộ gia đình ở vùng này khá cao. Hai bên tuyến đường liên thôn rặt nhà xây kiên cố xen với những ngôi nhà cao tầng được xây cất khá hiện đại. Ngặt nỗi, tuyến đường này chỉ rộng được 2,5m, sát đường là tường nhà.

Ông Hoàng Ngọc Trị, trưởng thôn Xuân Hòa (Quảng Xuân), cho hay: "Vùng này đất ít, khi làm đường bê tông, chúng tôi đã căng lắm mới làm được hai mét rưỡi. Bây giờ chỉ cần mở rộng thêm một mét thôi là gần trăm nhà bị đập, trong đó có vài chục nhà cao tầng. Thiệt hại này không lẽ người dân chịu hết? Mà nếu đền bù thì huyện, tỉnh lấy đâu ra kinh phí? Tôi đã nhẩm tính, sơ bộ chỉ một thôn Xuân Hòa này cũng phải mất khoảng 50 tỷ đồng cho việc đập và làm lại nhà cửa cho người dân”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất