| Hotline: 0983.970.780

Khó ngăn dịch tai xanh

Thứ Ba 25/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Hôm qua 24/9, dịch tai xanh tiếp tục phát tán mạnh khiến số heo bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc ở Quảng Nam liên tục tăng lên.

Hôm qua 24/9, dịch tai xanh tiếp tục phát tán mạnh khiến số heo bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc ở Quảng Nam liên tục tăng lên. Mặc dù ngành liên quan và chính quyền các địa phương đang dốc toàn lực cho công tác phòng chống dịch nhưng nguy cơ mầm bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao...

Mầm bệnh phát tán nhanh

Nhìn lực lượng xung kích khiêng xác con heo nái đang có chửa của mình đi tiêu hủy, ông Nguyễn Văn Thuật (tổ 7, thôn Trà Long, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) rầu rĩ: “Mới sáng hôm qua nó còn ăn rất mạnh nhưng đến chiều tối thì nằm ủ rũ, sốt cao, chảy nước mắt, nước mũi. Nếu không bị nhiễm bệnh thì khoảng hơn 1 tháng nữa là nó sẽ đẻ, khổ thiệt”.

Ông Võ Văn Quảng – Chủ tịch UBND xã Bình Trung lắc đầu: “Hơn 3 ngày nay, vi rút gây bệnh phát tán quá nhanh, số heo mắc dịch cứ tăng lên từng giờ. Tình hình thực sự nghiêm trọng rồi”. Theo ông Quảng, ổ dịch tai xanh đầu tiên xuất hiện tại địa phương là trên đàn heo của vợ chồng ông Ngô Tấn Hùng ở tổ 3, thôn Kế Xuyên 1. Chỉ trong vài ngày, dịch đã khiến 256 con heo của 49 hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn Kế Xuyên 1, Vĩnh Xuân, Kế Xuyên 2, Trà Long bị nhiễm bệnh nặng. Tính đến chiều qua (24/9), đã phải tiêu hủy khẩn cấp 27 con heo với tổng trọng lượng 1.541 kg.

Ông Quảng cho biết, toàn bộ số heo vừa nêu đều có cùng triệu chứng lơ ăn, toàn thân đỏ ửng, chân đi xiêu vẹo, phản xạ kém, khó thở...


Đưa heo nhiễm bệnh nặng đi tiêu hủy

Tương tự, ngay sau khi bùng phát trên đàn heo của một hộ dân ở xã Đại Phong, 4 ngày nay dịch tai xanh nhanh chóng lây lan ra diện rộng khiến 294 con heo của 80 hộ dân trên địa bàn xã Đại Phong, Đại Cường, Đại Quang (huyện Đại Lộc) bị mắc bệnh, trong đó có 65 con đã phải tiêu hủy khẩn cấp. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó phòng NN-PTNT Đại Lộc lo lắng: “Dịch đang lây lan rất mạnh, nếu trong những ngày tới không kìm hãm và dập tắt được sự phát tán của mầm bệnh thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu”.

Khó ngăn chặn

Mặc dù đã rất nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch nhưng Quảng Nam vẫn đang nơm nớp lo vi rút gây bệnh tai xanh lây lan ra diện rộng. Bởi, thời gian qua công tác tiêm phòng vắcxin cho đàn heo đã bị thả nổi hoàn toàn.

Nghiêm cấm thú y cơ sở tự ý chữa trị heo mắc bệnh

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Công điện khẩn (số 06/CĐ-UBND) yêu cầu Chủ tịch UBND 18 huyện, thành phố và lãnh đạo các ngành liên quan khẩn trương phòng chống dịch tai xanh. Để tránh lây lan dịch do trình độ chuyên môn hạn chế của cán bộ thú y trong khâu chẩn đoán, chữa trị bệnh, tạm thời nghiêm cấm thú y cơ sở tự ý chữa trị heo mắc bệnh. Khi phát hiện heo nhiễm dịch phải báo cáo kịp thời về cơ quan thú y cấp huyện.

Tại “điểm nóng” Bình Trung (huyện Thăng Bình), theo ông Dương Đình Ngọc – Trưởng Thú y xã thì tất cả 256 con heo bị nhiễm bệnh của 49 hộ dân thuộc 4 thôn, gồm: Kế Xuyên 1, Vĩnh Xuân, Kế Xuyên 2, Trà Long đều không tiêm vắcxin phòng dịch tai xanh. Ông Ngọc lo lắng: “Hiện nay tổng đàn heo trên địa bàn xã là hơn 5.400 con. Thế nhưng, thời gian qua chẳng có lấy con nào được tiêm vắcxin. Bây giờ, dịch đang hoành hành dữ dội, tôi sợ rằng đàn heo của Bình Trung sẽ bị thiệt hại nặng nề”.

Đâu riêng gì Bình Trung, theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ 294 con heo bị mắc dịch tai xanh ở xã Đại Phong, Đại Cường, Đại Quang của huyện Đại Lộc cũng không được tiêm phòng. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó phòng NN-PTNT Đại Lộc thông tin, không những 3 xã vừa nêu mà thời gian qua gần 17 nghìn con heo trên toàn địa bàn huyện cũng không có con nào tiêm vắcxin tai xanh. Ông Mẫn cho rằng, nguyên nhân không phải do nguồn vắcxin khan hiếm mà là vì người chăn nuôi quá trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Mẫn, hơn 1 năm trở lại đây, Nhà nước không có chính sách hỗ trợ, vì vậy muốn tiêm phòng cho đàn heo thì người chăn nuôi phải đăng ký số lượng vắcxin với đội ngũ thú y cơ sở để mua về tiêm. Thế nhưng, thực tế cho thấy chẳng có ai tự nguyện đăng ký mua vắcxin tai xanh, dù mỗi liều chỉ có giá khoảng 40 nghìn đồng. Ông Mẫn nói: “Nuôi đàn heo trị giá cả chục triệu đồng, nhưng bỏ ra vài trăm nghìn đồng để tiêm phòng cho nó thì họ lại sợ tốn tiền. Bây giờ, dịch bệnh bùng phát mạnh thì mới loay hay tìm gậy chống trời”...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất