| Hotline: 0983.970.780

Khổ như cán bộ cơ sở: Việc gì cũng đến tay

Thứ Ba 02/06/2015 , 09:50 (GMT+7)

Tất cả những chính sách của cấp trên đều cậy nhờ vào cán bộ cơ sở mới mong đi vào cuộc sống. Đông nhất, đụng chạm nhất nhưng đồng lương, phụ cấp thấp nhất là những từ có thể gói gọn về đội ngũ này.

Đánh cãi chửi nhau, tai nạn giao thông, trộm cắp... xảy ra trên địa bàn người dân đều gọi lãnh đạo xã đến giải quyết.

Trăm thứ việc

Đám đông ồn ào vây quanh một người say rượu đang lăm lăm dao trong tay tự nhiên giãn ra khi thấy mấy công an cùng ông Chủ tịch xã đến.

Thấy bóng công an, người say càng được thể làm càn, vác dao đòi chém khiến cho nhiều người phải chạy dạt. Có ai đó hô: “Bắt nó gô lên xã cho tỉnh rượu”.

Trong cơn bung biêng của men cồn người say vẫn còn chút tỉnh táo. Ông ta cố rặn ỉa ngay ra quần rồi trát phân đầy người cho hôi thối không ai dám bắt mình nữa.

Nhưng anh Vũ Viết Văn, Chủ tịch UBND xã Hải Lý (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cùng ba bốn anh em công an xã vẫn hò nhau xông vào ôm người say lại rồi chở lên UBND xã.

Ở đây thêm một lần nữa ông này bĩnh ngay ra ghế. Đợi cho đối tượng tỉnh rượu, bắt rửa chiếc ghế mình vừa bôi bẩn, bắt phạt cảnh cáo rồi mới cho về. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn X ở xóm Đ.

Trong xóm Đ chẳng ai lạ gì con “sâu rượu” Nguyễn Văn X. Một lần, sai đứa con 8 tuổi đi mua rượu, chẳng may thằng bé làm mất tiền, cáu tiết ông lột truồng ra, đánh túi bụi khiến toàn thân nó rớm máu chằng chịt vết “lươn” vết “chạch”.

Xót con, vợ ông xông vào can liền bị phang bằng cả cái then cài cửa khiến bà bỏ chạy lên giường quấn chăn bông vào đỡ đòn. Ông chồng dội cả phích nước sôi vào chiếc chăn cho nóng để bà vợ phải bỏ ra để mình đánh tiếp.

Người đàn bà khốn khổ kêu cha, kêu mẹ nhưng ông X vẫn không tha. Mấy người hàng xóm mon men đến khuyên giải ông này còn tụt cả quần ra cho mọi người xấu hổ mà tránh.

Thấy to chuyện, Chủ tịch xã đến vận động, ông X xua tay, lừ mắt: “Không phận sự gì đến ông”. Anh Văn khuyên can: “Cháu nó không may làm mất tiền rồi thì ông mua chịu hoặc nhịn đi một bữa rượu đã chết ai? Con mình dứt ruột đẻ ra mà đánh như thế kia là vi phạm nhân quyền đấy!”.

Lần hồi phân giải mãi cơn bốc hỏa trong đầu ông X mới lắng.

Lại có trường hợp trong xóm, vợ đi làm muối bị sét đánh chết, chồng kéo về khâm liệm thì không thấy đôi khuyên tai vàng đâu bực mình quát con: “Mày ra đồng kiếm ngay đôi khuyên tai vàng về đây cho tao”.

Anh Văn đứng gần ở đó tình cờ nghe thấy liền bảo: “Sao giờ này ông còn đủ bản lĩnh để bắt con mình đi tìm cái khuyên tai? Đáng lẽ ông phải thương tiếc vợ, đáng lẽ phải cho con nó khóc mẹ chứ sao lại bắt nó đi tìm khuyên tai?”…

Từ ngày mất vợ, anh chồng ngày càng một “Chí Phèo” hơn. Cứ 1-2 giờ đêm là chửi ông ổng: “Mẹ cha chúng mày có nhà cao cửa rộng, có vợ có chồng ôm nhau mà ngủ còn tao vợ chết, tao chửi cho chúng mày không ngủ được mới thôi”.

Say là thế nhưng ngày giỗ vợ anh này vẫn chỉ mời Chủ tịch Văn đến dự mà thôi.

Đánh cãi chửi nhau, tai nạn giao thông, trộm cắp xảy ra trên địa bàn người dân đều gọi lãnh đạo xã đến giải quyết. Khi bão gió, buổi biển động anh Văn không kịp chằng chống lại nhà cửa mà đôn đáo ngoài đê để huy động nhân lực thậm chí bốc đá, vác cát.

Dân làm thì mình làm, từ vớt bèo dưới mương đến rẫy cỏ ngoài ngõ đều không được vắng mặt.

Thế nhưng những việc đó chưa thể gây khó cho anh Văn bằng vấn đề tài chính ở xã. Hải Lý có 11.000 dân, 21 biên chế cán bộ xã, 258 người hưởng lương và phụ cấp các loại, tổng chi trên 100 triệu/tháng trong khi thu trên địa bàn cả năm chỉ 300 triệu.

Dự toán xây dựng chi cho mọi hoạt động của UBND xã bằng dự toán thu trên địa bàn cộng với một phần Nhà nước cấp bù, tính ổn định trong vòng 5 năm.

Anh Văn ví von, tiền của xã giống như lượng nước trong một cái ấm, rót cho dăm cái chén là vừa, rót cho thêm là thiếu. Mà công việc ở xã thì nhiều vô kể, cái định kỳ, cái bất thình lình.

Một cuộc tổng kết hay hội thi, một vụ án điểm hay diễn tập phòng chống lụt bão huyện tổ chức trên địa bàn, động đến là động tiền.

Ví như phòng chống lụt bão phải huy động lực lượng hộ đê, phải “túm” cán bộ, đảng viên và lực lượng xung kích gồm những thanh niên trẻ khỏe. Cả trăm người cùng ngàn vạn ngày công bỏ ra, ít nhất cũng 100.000đ/công vậy là vài chục triệu ngân sách xã “bốc khói” vì tiếng là Nhà nước có hỗ trợ nhưng cũng chỉ được ½ là cùng.

Những hoạt động ngoài kế hoạch như đại hội điểm của một ban ngành, đoàn thể cũng thường xuyên diễn ra.

Các cuộc này thường xoay vòng trong 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu nhưng nơi nào làm trước thường thiệt bởi xoay đến xã khác có khi ê kíp lãnh đạo của địa phương này cũng đã về hưu tự đời nảo, đời nào.

Rồi là những việc trời ơi, đất hỡi khác cũng nhắm vào ngân sách xã mà cấu véo. Dân báo một xác chết trôi dạt vào địa bàn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã lại phải thông tin với công an huyện.

Nếu không có gì đáng nghi ngờ xã thuê người bó gói, đóng áo quan, đào huyệt chôn, tất tật hết 10 triệu. Nếu nghi cái xác liên quan đến một vụ án hình sự sẽ phải khám nghiệm tử thi, mời pháp y về, phục vụ xô chậu, găng tay, phục vụ đồ ăn, thức uống, mất chắc chắn trên 10 triệu.

Năm ngoái, ở Hải Lý có một vụ xác chết dạt như vậy. Do giám sát chôn cất không chặt chẽ, huyệt nông choèn, được vài ngày thối inh lên, dân kêu lại phải xuất tiền ra thuê người đắp thêm dăm ba khối đất nữa.

Vì lo ngại tốn kém nên mới có chuyện rằng một số địa phương khi phát hiện xác chết trôi sông, trôi biển dạt về liền cho người ra dùng sào đẩy sang xã khác.

Nhờ vợ

Anh Đinh Ngọc Châu, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Hải Lý kể một chi tiết đáng ngạc nhiên là ở địa phương mình, tiền xăng xe chi cho một đại biểu dự một cuộc họp khi 20.000đ, khi chỉ có 10.000đ để minh chứng về sự eo hẹp tài chính.


Trụ sở của xã Hải Lý

Như anh Châu hiện hưởng mức lương 2,67 cho 17 năm cống hiến sau một quá trình dài phấn đấu từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học bằng kinh phí của nhà. Với đồng lương cộng phụ cấp được 3,2 triệu của anh chuyện nuôi bản thân còn khó chứ nói gì đến vợ con được nương nhờ.

“Thượng vàng, hạ cám” gì đều nhìn vào đồng lương 3 triệu ấy. “Làm cán bộ xã mà không có hậu phương vững chắc thì đừng làm!”. Đó là câu tổng kết của anh Châu.

Hậu phương ấy của anh Văn là bà vợ bán ngô, cám, gạo, mắm ở nhà. Hậu phương ấy của anh Châu là bà vợ bán hàng tạp hóa.

Thế nên cứ thứ Bảy, Chủ nhật là vị Phó Bí thư phóng xe máy 50 cây số lên Nam Định lấy hàng cho vợ, bê về đủ thứ từ cái dép, cái cốc đến cái quần, cái áo đã được lên danh sách.

Ngày trả lương, sáng điện thoại của cán bộ xã chiu chíu tin nhắn tiền về tài khoản thì buổi chiều họ đã ra ngay cây ATM ở thị trấn Cồn rút.

Cán bộ cơ sở trước đây khổ nhất là chuyện hội họp. Khi trên có công văn phổ biến một cái gì mới, xã họp, chi bộ xóm họp, hội đồng xóm họp, các chi hội đoàn thể xóm họp quán triệt, thực hiện.

Ngày thường còn thế, dịp cuối năm “đám tươi, đám héo” nhiều đều phải ngửa tay xin tiền vợ.

Bà vợ vừa đưa tiền cho chồng vừa nói xéo một câu, sắc còn hơn cả dao cau: “Mang tiếng làm cán bộ oai nhưng chẳng có tác phẩm gì cả”.

Cuộc họp xóm nào cũng mời cán bộ xã phụ trách tham dự, tốn thời gian và nhiêu khê.

Bởi thế có người bảo vui rằng khi khai nghề nghiệp là gì liền ghi hai chữ: đi họp.

Giờ các cuộc họp đã vo gọn lại, giản tiện hơn nhiều.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm