| Hotline: 0983.970.780

Khổ như cán bộ cơ sở: Xã hơn 200 người ở 'đáy chảo'

Thứ Sáu 05/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đạo Trù là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đảo. Thực tế, tất cả các chức danh ở Đạo Trù đều phù hợp với Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng không hiểu sao bộ máy vẫn cứ phình ra./ Tâm tư ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã

Cầm trên tay bản danh sách 175 người công tác thuộc diện bán chuyên trách được xã hợp đồng theo Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, kế toán xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) Chu Văn Sáu nói, đây là đội ngũ cán bộ cơ sở làm việc ở khu vực “đáy chảo”.

Những người ở “đáy chảo”

Đạo Trù là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đảo. Diện tích tự nhiên rộng, 13 thôn bản, dân số hơn 3.000 hộ, 14.729 nhân khẩu, hầu hết các thống kê về Đạo Trù đều gấp đôi một xã bình thường ở khu vực đồng bằng, tất nhiên là trừ phát triển kinh tế.

Đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài 22 chức danh được biên chế và khoảng 20 các hợp đồng được tuyển dụng theo qui định về tiêu chuẩn xã loại một, Đạo Trù còn tuyển thêm một đội ngũ hợp động bán chuyên trách vô cùng đông đảo, 175 người.

Một xã miền núi vừa thoát khỏi diện 135, hầu như không có thu ngân sách, nhưng đều đặn hằng tháng phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để chi trả cho đội ngũ hợp đồng bán chuyên trách.

Bất cập vô cùng, nhất là trong bối cảnh đang hô hào tinh giản biên chế, nhưng cũng xin chớ vội nghĩ rằng ở nơi này người ta ham hố làm cán bộ. Thực tế, họ quá ngán ngẩm với công việc “thường xuyên bị chửi, càng nhiệt tình càng đói” này .

Phó Chủ tịch xã Đạo Trù Nguyễn Đắc Vân một mặt thẳng thắn thừa nhận đội ngũ cán bộ cơ sở ở đây quá đông, nhưng mặt khác ông cũng khẳng định, lỗi không phải do chính quyền địa phương.

Thực tế, tất cả các chức danh ở Đạo Trù đều phù hợp với Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng không hiểu sao bộ máy vẫn cứ phình ra. Để giảm bớt các chức danh, lãnh đạo xã Đạo Trù linh động bằng hình thức kiêm nhiệm.

Có người kiêm nhiệm thêm tới 3 chức danh như ông Chu Quang Đức, Phó Bí thư Đảng ủy xã kiêm Trưởng ban Dân vận, Chủ nhiệm UBKT Đảng, Trưởng ban Thanh tra.

Bản thân ông Vân cũng phải kiêm nhiệm thêm một vài chức danh. Bất kể ngày nghỉ, giờ giấc, đêm hôm, có việc cần là dân đến tận nhà kêu. Mà dân miền núi “hồn nhiên” thế nào chắc nhiều người rõ.

Gặp việc gì, không cần biết ai phụ trách, cứ tiện ai thì hỏi, bức xúc thì chửi. Chỉ mới hôm qua có người lên cổng ủy ban réo tên ông Vân chửi “sao mày ngu thế”, ra hỏi han, đối chất mới biết việc chẳng hề liên quan gì đến ông Phó Chủ tịch.

Kế toán Chu Văn Sáu in tấm bảng chi trả phụ cấp tháng vừa rồi cho 175 cán bộ hợp đồng bán chuyên trách của xã. Cả xã lẫn 13 thôn bản, tổng cộng hết 144.267.500 đồng.

Có người ở mức cao hơn một triệu đồng, có người mức hơn 300 nghìn, nhưng tính bình quân mỗi cán bộ hợp đồng bán chuyên trách ở đây nhận được khoảng 800 ngàn tiền phụ cấp mỗi tháng. Ông Sáu bảo, bằng đúng 4 ngày công bên ngoài.

“Khi được dân bầu xã cử thì họ vẫn làm đấy, nhưng bảo làm nhiệt tình, tận tâm, tận lực e là khó quá. Mức sống nông thôn miền núi bây giờ muốn đảm bảo cũng phải có tầm 2 triệu đồng mỗi tháng, trong khi mức chi trả chưa được một nửa nên không ai muốn làm”, ông Vân phân tích.

Năm ngoái, thực hiện Chỉ thị 09 của huyện Tam Đảo, Đạo Trù thẳng tay cắt giảm 3 trường hợp hợp đồng chạy việc ở xã. Một bà tạp vụ, một cô tư pháp và một anh văn phòng. Nhưng chỉ được đâu có mấy hôm lại phải đi tìm người lấp vào vì Bí thư, Chủ tịch xã nhận công văn giấy tờ xong không biết giao cho ai chuyển. Hai ông cán bộ đứng đầu xã phải tự chạy đi chạy lại đưa công văn, giấy tờ một thời gian dài mới tìm được người bổ sung.

Nằng nặc xin từ chức

Từ lãnh đạo xã cho đến người dân Đạo Trù đều ghi nhận trưởng thôn Tân Phú Tống Văn Thăng là người tận tụy, trách nhiệm với công việc. 14 năm làm trưởng thôn, làng xóm không ai chê nổi ông một câu nào. Vậy mà thằng cháu trong họ, gọi ông bằng “ông trẻ” hẳn hoi, lại dám đến tận nhà réo tên tục ông ra chửi bới, lại còn đâm đơn tố cáo đích danh “ông trẻ trưởng thôn” của mình.

Ấy là vào cuối năm ngoái. Thôn Tân Phú được trên giao chỉ tiêu chỉ được phép lấy 23 trong tổng số 231 hộ dân để đưa vào danh sách hộ nghèo của xã. Trưởng thôn Thăng lo lắng lắm.

Lo là vì ở địa phương như Đạo Trù, việc phân định giữa hộ nghèo, cận nghèo khó khăn vô cùng. Hơn nữa, cái sổ hộ nghèo bây giờ chính là cứu cánh, mục tiêu “phấn đấu” của nhiều hộ gia đình. Bảo hiểm y tế, vay vốn ngân hàng, hỗ trợ tiền điện... những quyền lợi không ai muốn bỏ qua.

15-15-45_dotru4
Cán bộ xã Đạo Trù

Loa truyền thanh vừa thông báo, người họ Tống ở Tân Phú lũ lượt kéo đến nhà ông trẻ xin được sắp xếp ưu tiên họ vào danh sách hộ nghèo. Ai cũng nghĩ, chuyện chắc đơn giản, chẳng gì ông trẻ cũng là trưởng thôn, cất nhắc người trong họ có gì mà không được. Nhưng ông Thăng nhất quyết: Phải làm đúng qui định, phải công minh, đảm bảo quyền được nghèo cho dân làng.

Nghĩ sao làm vậy, ông trẻ họ Tống đến nhà Bí thư chi bộ Lý Đức Vượng bàn bạc: Cái việc bình xét này nếu cứ để tình cảm gia đình, họ hàng lấn át thì rất khó làm. Chi bằng bác chỉ đạo cho dân làng bỏ phiếu kín rồi căn cứ vào tỷ lệ phiếu bầu mà lấy từ trên xuống dưới.

Bí thư Vượng nghe phải, cán bộ thôn Tân Phú chiếu theo cách đó để làm. Danh sách hộ nghèo của thôn được công bố buổi chiều thì tối đó thằng cháu ruột ông trưởng thôn tên Công đến thẳng nhà ông trẻ chửi như tát nước: Ông làm gì cũng vừa vừa phải phải, tưởng ông làm trưởng thôn thì chúng tôi được nhờ, ai dè ông thẳng tay thế, chẳng bõ công chúng tôi bầu ông lên. Ông không biết nghĩ đến anh em họ hàng thì tốt nhất đừng có làm cán bộ thôn nữa. Tôi sẽ tố cáo ông “tội” cạn tàu ráo máng.

Ngay sáng hôm sau lãnh đạo xã Đạo Trù nhận được lá đơn viết tay dài gần năm trang giấy học trò của ông Thăng xin được nghỉ. Lý do chỉ ngắn gọn thế này: “Nay tôi xin nghỉ vì làm trưởng thôn khó quá. Làm không đúng thì có tội với người dân, làm đúng thì anh em họ hàng chửi bới”.

Lãnh đạo cốt cán xã Đạo Trù phải họp khẩn, rồi cử từng đoàn một thay nhau xuống vận động ông Thăng tiếp tục làm. Dăm ba bận ông mới chịu nghe cho.

Trưởng thôn Tân Phú mới xuôi xuôi được mấy hôm lại có đơn từ thôn Lục Liễu. Bí thư Chi bộ Hoàng Tiến Phát và Trưởng thôn Trần Khắc Hữu lấy lý do tuổi cao sức yếu đệ đơn xin lãnh đạo xã tìm người thay thế gấp.

Tìm hiểu ra mới biết lý do ốm yếu chỉ là một phần, nguyên nhân chính là vì cán bộ tất cả các thôn đều hốt hãi mỗi khi có chỉ thị bình bầu, kiểm xét từ trên giao xuống, đặc biệt là xét hộ nghèo.

“Đụng đến quyền lợi người dân khó lắm. Được thì thôi chứ không được là họ chửi. Ở đâu mà khuất mắt trông coi, toàn người làng, đi ra đi vào, thấy mặt đâu họ chửi đấy. Người không hiểu cứ tưởng chúng tôi ham hố mức phụ cấp hơn triệu bạc. Không đủ tiền xăng xe chú ạ. Nửa đêm đang ngủ có việc gì cũng chạy, ngày 30 tết đang cúng tổ tiên có người kêu phải bỏ dở mà đi. Chừng ấy tiền phụ cấp có đáng không”, ông Hữu, ông Phát thay nhau phàn nàn.

Xã Đạo Trù lại phải lập đoàn đi vận động, xin hai vị chiếu cố, tiếp tục giúp đỡ đồng thời tổ chức tìm người để thay. Lục Liễu có 258 hộ, 1.026 dân, nhưng không tìm được. Sáng nay trên xã tổ chức hội nghị phổ biến phòng chống bạo lực gia đình. Họp xong, ông Hữu cầm loa chạy hết 13 điểm trong thôn thông báo. Mất nguyên nửa buổi, thễu thượt trở về vị trưởng thôn kêu: Rã họng rồi chú ơi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất