| Hotline: 0983.970.780

Khó quản lý rượu truyền thống

Thứ Tư 16/01/2013 , 10:35 (GMT+7)

Ông Lê Văn Khu, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang băn khoăn như vậy trước Nghị định 94 của Chính phủ.

Ông Lê Văn Khu, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang băn khoăn như vậy trước Nghị định 94 của Chính phủ quy định về SX, kinh doanh rượu có hiệu lực ngày 1/1/2013.

Ông Khu bày tỏ: "Trước hết xin khẳng định, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Do chưa có thông tư hướng dẫn thi hành nên tôi cho rằng, đây sẽ là nghị định khó khả thi đối với quản lý SXKD rượu truyền thống”.

Theo lý giải của ông Khu, nếu chiểu theo Nghị định 94 thì điều kiện để kinh doanh sản phẩm rượu, trước hết phải có giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu. Điều 18 Nghị định này nêu rõ: Trên 400.000 dân được Bộ Công thương cấp cho 1 giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu; Trên 100.000 dân thì được Sở Công thương cấp cho 1 giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu và trên 1.000 dân thì được UBND huyện cấp cho 1 giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

Khi phân tích điều này, ông Khu đưa ra ví dụ cụ thể ở trên địa bàn huyện Việt Yên. Cầm trên tay cuốn niên giám năm 2011, ông nói: “Toàn huyện có 162.000 dân thì đủ điều kiện để được Bộ Công thương cấp 4 giấy phép phân phối sản phẩm rượu. Nhưng ở xã Vân Hà có làng nghề nấu rượu mấy trăm năm nay, có thương hiệu và nhân dân khắp miền vẫn gọi là rượu làng Vân thì cũng chỉ đủ điều kiện cho huyện cấp 8 cái giấy phép bán lẻ chứ họ không đủ điều kiện cho Sở Công thương cấp 1 giấy phép bán buôn sản phẩm rượu vì dân số ở đó chỉ có 8.000 người. Ngoài ra theo Nghị định thì người bán lẻ phải trực thuộc hệ thống bán buôn và người bán buôn phải nằm trong hệ thống phân phối”.

Bày tỏ quan điểm của mình về điều này, ông Khu thẳng thắn: “Việc cấp phép cho hệ thống bán lẻ, mặt lý thuyết thì rất tốt bởi như thế sẽ quản lý được mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Song nhìn vào thực tế chắc chắn sẽ khó thực hiện. Nếu có thực hiện được cũng chỉ là hình thức và cơ quan quản lý dễ bị lừa một cách khó bắt bẻ. Đó là người bán lẻ sẽ nhờ người bán buôn cấp cho mình một giấy giới thiệu hoặc một bản hợp đồng công nhận mình thuộc trong hệ thống”.

Đồng quan điểm với ông Khu, lãnh đạo xã Vân Hà (Việt Yên) cũng lúng túng và cho rằng nó khó khả thi đối với việc áp dụng ngay chính làng rượu của mình. Ông Nguyễn Chí Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hà, nói: “Đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP đối với rượu là cần thiết. Song với quy định như hiện nay và việc để người dân mang rượu đi xét nghiệm với chi phí 20 - 30 triệu đồng/mẫu thì e là rất khó đối với điều kiện kinh tế của bà con. Đó là chưa nói đến các điều kiện đăng ký, dán tem, dán nhãn khi nghị định được 1 năm thi hành”.


Cụ Phố 78 tuổi đã có hơn 60 năm làm nghề nấu rượu

Ông Nguyễn Trọng Hội, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, nói: “Cả xã có 3 làng với 1.900 hộ dân và khoảng 8.000 nhân khẩu. Trước đây 90% số hộ trong xã tham gia nấu rượu nhưng nay chỉ còn khoảng 100 hộ hộ chuyên nấu rượu kết hợp với chăn nuôi. Phần lớn người ta chuyển sang nghề khác hoặc đi làm thuê”.

Chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Loan, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, người vừa được Ban tổ chức Hội thi các làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Giang tặng giải nhất về tài năng nấu rượu. Theo như những gì chị Loan cho biết thì không kể đời ông bà, bố mẹ thì bản thân chị Loan cũng đã có hơn 40 năm nấu rượu. Chị nấu rượu lúc 13 tuổi và hiện nay chị và 2 người con cũng đang nấu rượu theo lối truyền thống.

“Mỗi ngày chúng tôi nấu được 100 lít. Sản phẩm chủ yếu bán cho các nhà hàng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Thời điểm nấu rượu nhiều nhất là từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Cùng với nấu rượu bán thì thu nhập chính vẫn từ việc chăn nuôi lợn. Thực ra lãi từ bán rượu không nhiều bằng chính từ sản phẩm phụ của rượu để lấy làm thức ăn cho chăn nuôi", chị Loan cho hay.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Tuyển, người cùng thôn chị Loan, cũng đã có truyền thống nấu rượu. Cụ Đỗ Thị Phố là mẹ anh Tuyển năm nay 78 tuổi hằng ngày vẫn tham gia cùng vợ chồng anh Tuyển trong việc nấu rượu. Cụ cho hay, mình nấu rượu lúc 15 tuổi. Khi về nhà chồng thì việc đó làm thường xuyên vì đó là nghề chính của gia đình. Đến nay con cái của cụ cũng làm nghề đó và ở cái tuổi đó, cụ vẫn chưa nghỉ làm.

Anh Tuyển cho hay: “Dân Vân Hà ruộng sản xuất ít lắm. Mỗi khẩu được chia 10 thước đất và hằng năm chỉ làm được 1 vụ lúa. Nếu không có nghề phụ thì chẳng biết lấy gì mà sống. Việc hay tin có nghị định đề cập đến việc đăng ký SX, kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu, dán tem cho sản phẩm rượu trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, đời sống gia đình còn nhiều khốn khó rõ là thêm gánh nặng cho gia đình nếu làm hoặc không làm theo quy định”.

Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2013, nhưng qua khảo sát một số địa phương chuyên nấu rượu, hầu hết đều không biết đến quy định này. Rất nhiều địa phương, đặc biệt là các xã có làng nghề nấu rượu truyền thống nhận được văn bản nghị định khi nghị định đã có hiệu lực và chỉ biết nhờ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lãnh đạo một số địa phương còn không biết sẽ thực hiện như thế nào và lực lượng nào sẽ tham gia kiểm soát và các chế tài sẽ ra sao.

Theo nghị định này, các hộ SX rượu phải có đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, rượu đem ra bán phải có nhãn mác, chở rượu ngoài đường phải có hợp đồng bán rượu của cơ sở SX hợp pháp.

Như vậy từ nay các hộ gia đình SX rượu để bán phải xin giấy phép kinh doanh, muốn có giấy phép kinh doanh trước hết các hộ gia đình này phải đăng ký chất lượng sản phẩm, được công nhận đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mỗi gia đình phải đăng ký nhãn hiệu cho rượu của mình. Và có thể nói với cung cách nấu rượu kiểu tự phát như ở Việt Nam thì hiện không có hộ gia đình nào đang nấu rượu nhỏ lẻ có đủ khả năng cũng như chi phí để thực hiện các thủ tục trên.

Ở những địa phương mà phóng viên khảo sát, nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định thì gần như 100% hộ gia đình nấu rượu thủ công đều vi phạm.

Khi Nghị định 94 đi vào đời sống, các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Khu cho rằng: “Do chưa có thông tư hướng dẫn và cũng chưa nhận được một chỉ đạo nào từ phía cấp trên nên việc triển khai thực hiện nghị định theo hướng nào lúc này với chúng tôi là rất khó. Song nếu áp những điều khoản trong nghị định cho các hộ nấu rượu ở quê tôi thì khó mà khả thi được”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.