| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì mặn

Thứ Sáu 03/08/2012 , 09:51 (GMT+7)

Suốt 5 ngày qua, nước mặn cứ liên tục án ngữ ở khu vực xã Duy Phước (Duy Xuyên) với nồng độ vượt mức cho phép nhiều lần khiến trạm bơm không vận hành nổi.

Nước rút được chừng nửa tháng, mặn lại xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn khiến một số trạm bơm điện ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) phải ngưng hoạt động. Để tránh mất mùa vì khô hạn, địa phương đang gấp rút triển khai phương án chủ động nước tưới cho hơn 2.000 ha lúa trổ đòng...

8h sáng qua (2/8), chúng tôi có mặt tại trạm bơm 19/5 thuộc xã Duy Phước (Duy Xuyên), tận mắt chứng kiến lực lượng thủy nông tiến hành đo nồng độ mặn ngay bể hút của công trình trọng yếu này. Ông Nguyễn Phước Năm, GĐ Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên lắc đầu: “Hiện giờ, nồng độ mặn đã lên đến 4,5 phần nghìn, vì vậy tất cả các tổ máy không thể hoạt động. Bởi, theo quy định khi nồng độ mặn xuống dưới 0,8 phần nghìn thì mới được bơm tưới”.

Theo ông Năm, không chỉ thời điểm vừa nêu mà suốt 5 ngày qua nước mặn cứ liên tục án ngữ ở khu vực này với nồng độ vượt mức cho phép nhiều lần khiến trạm bơm 19/5 không vận hành nổi.


Thiếu nước tưới vì mặn xâm nhập, trạm bơm không thể vận hành

Trạm bơm tê liệt, các tuyến kênh khô trơ đáy làm cho hàng chục cánh đồng lúa HT ở các xã Duy Phước, Duy Vinh thiếu trầm trọng nước tưới. Ông Phan Văn Hiền, một người dân trú tại thôn Lang Châu Bắc (Duy Phước) than phiền: “Từ ngày 29/7 đến nay, do trạm bơm 19/5 không hoạt động được, nên cả 4 sào ruộng của tui đều không có nổi một giọt nước. Khổ thiệt, bây giờ lúa đang trong giai đoạn trổ đòng rộ, nếu tình trạng khô hạn ni cứ tiếp tục kéo dài thì chắc chắn quá trình thụ phấn, ngậm sữa sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Năng suất lúa giảm mạnh là điều khó tránh khỏi”.

Chẳng riêng gì ông Hiền, hàng nghìn hộ dân khác ở 2 xã trên cũng đang phập phồng lo cho số phận của 430 ha lúa mà họ đã nhọc công gieo sạ, chăm sóc hơn 2 tháng nay. Ông Lê Đào, Phó chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, trước tình hình nguy cấp trên, địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng lắp đặt nhanh 4 máy bơm dã chiến tại cầu Thấn để hút nguồn nước ngọt từ sông Đào lên giải cứu lúa.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại khu vực cầu Thấn này đội ngũ cán bộ thủy nông cơ sở đang thay phiên nhau túc trực thường xuyên để vận hành máy liên tục nhằm đảm bảo đủ lượng nước tưới chống hạn cho cây trồng.

Ông Nguyễn Phước Năm thông tin thêm, do suốt 4 ngày nay sông Thu Bồn tại cầu Đen bị mặn xâm nhập với nồng độ 3,4 phần nghìn nên đơn vị đã quyết định đóng tất cả 7 cống ngăn mặn. Đồng thời, đưa lượng nước hồi quy từ sông Bà Rén và Chiêm Sơn về cung ứng cho trạm bơm Xuyên Đông hoạt động để chủ động phục vụ tưới gần 700 ha lúa của thị trấn Nam Phước và một số vùng lân cận.

Không chỉ Duy Xuyên, chiều qua, ông Nguyễn Viết Long, PGĐ Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn cho hay, từ ngày 28/7 đến nay, do miệng bể hút liên tục bị “dính” mặn với nồng độ 3-7 phần nghìn nên trạm bơm Vĩnh Điện, Tứ Câu, Cẩm Sa của huyện cũng phải chịu cảnh “đắp chiếu”.

Theo ông Long, để chống hạn cho 1.500 ha lúa HT do 3 công trình thủy lợi này đảm nhận tưới, các địa phương đang gấp rút lắp đặt hàng chục máy bơm dã chiến tại những khu vực “rốn mặn” để tận dụng nguồn nước ngọt từ các ao hồ, đầm lạch nhằm “chữa cháy” cho lúa...

Đầu tư 60 triệu chống hạn 400 sào lúa

Ông Ngô Đình Phú, Phó phòng NN-PTNT Duy Xuyên thông tin:  Từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ, xã Duy Trinh đã đầu tư 60 triệu đồng nạo vét cả trăm mét kênh dẫn và lắp đặt 1 máy bơm dã chiến tại thôn Vạn Buồng để chống hạn cho 400 sào lúa đang trổ đòng rộ. Được biết, trạm bơm này bị hư hỏng nghiêm trọng trong đợt lũ lớn hồi đầu tháng 11/2011 nhưng vẫn chưa được gia cố, sửa chữa vì thiếu kinh phí.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất