| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì mẹ chồng

Thứ Tư 15/06/2011 , 13:58 (GMT+7)

“Em không muốn anh kể cho mẹ về cuộc sống của vợ chồng mình quá nhiều. Em mệt mỏi lắm rồi”. Lan uất ức gào lên với chồng. Nếu như trước đây, cô cảm thấy hạnh phúc khi được bố mẹ chồng quan tâm, chăm sóc chu đáo bao nhiêu, thì giờ đây cô lại thấy mệt mỏi bấy nhiêu...

Từ hồi mới yêu Tuấn, Lan đã được bố mẹ anh quí mến như con gái trong nhà. Một phần vì các cụ chỉ có hai con trai, phần khác vì nhìn Lan hiền lành, thật thà và dễ lấy được lòng người đối diện. Thi thoảng, bố mẹ Tuấn lại gửi lên cho Lan một con gà luộc sẵn, một ít thức ăn từ quê. Còn nhớ, hồi Lan bảo vệ luận văn, bố mẹ anh liên tục nhắn tin, gọi điện động viên, chúc mừng. Ai cũng cho rằng Lan may mắn và biết “lấy lòng” bố mẹ chồng tương lai.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp đỏ chót về cám ơn bố mẹ Tuấn, Lan lập tức được bố mẹ anh chuyển đổi cách xưng hô “con – bố mẹ”, cùng với đó là một kế hoạch dài hạn về chuyện hôn nhân của hai đứa. Lan sững sờ bởi cô chưa chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân. Với lại, dù đã có công việc từ trước khi ra trường, nhưng Lan vẫn muốn tập trung cho sự nghiệp như khát vọng lâu nay của cô.

Lời từ chối khéo của Lan không làm các cụ hài lòng, nhất là khi Tuấn cũng tỏ ý muốn cưới trong năm nay. Cuối cùng thì đám cưới của hai người cũng được tổ chức vào cuối năm đó, Lan không đủ sức để cưỡng lại ý của người lớn. Tuấn hứa sẽ để cho Lan phấn đấu sự nghiệp, và lùi lại thời gian sinh con.

Kết hôn rồi, Lan mới thấy hết sự phức tạp của cuộc sống hôn nhân. Từ một cô gái chỉ biết ăn, học, Lan phải chìa vai gánh vác một phần trách nhiệm với gia đình Tuấn. Mặc dù là con út, nhưng từ lâu mọi khoản thu nhập của Tuấn là để gửi về nhà cho bố mẹ anh trả nợ. Anh trai Tuấn chỉ lao động chân tay, công việc bấp bênh, không ổn định nên bố mẹ còn phải nuôi cả hai vợ chồng anh cả.

Sau đám cưới, phần mừng hạnh phúc của vợ chồng Tuấn được chia làm 3 phần: Một phần chi trả tiền xe cộ (vì quê Lan cách quê Tuấn gần 300km); một phần để bố mẹ Tuấn chi trả tiền cỗ ở quê; phần khác dành cho hai vợ chồng. Thành thử số vốn của họ chỉ còn vỏn vẹn 2 triệu đồng.

Vốn tính hiền lành và sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, nên Lan chấp nhận được cuộc sống không khá giả và bắt đầu tự lập. Điều làm Lan trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất đó là mẹ chồng cô luôn luôn muốn can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng Lan. Dù rằng vợ chồng cô thuê nhà và ở riêng trên Hà Nội.

Chị dâu có thai, mẹ chồng gọi điện cho vợ chồng cô về quê gấp: “Cho chị ít tiền bồi dưỡng. Để thắt chặt tình cảm chị em”. Lan rất bất ngờ về yêu cầu này của mẹ, cô đã dự định sẽ về thăm chị, nhưng không nghĩ rằng mình phải cho chị “tiền bồi dưỡng”. Miễn cưỡng, Lan về nhà và thực hiện đúng nghĩa vụ của người con dâu, người em dâu.

Sau mỗi lần về quê, Lan đều được mẹ chồng đùm nắm cho nào rau xanh, một vài quả chuối, quả ổi, nào lạc, vừng... Xúc động vì sự quan tâm của mẹ thì ít, Lan cảm thấy mình bị xúc phạm nhiều hơn. Mỗi lần như vậy, mẹ chồng cô lại hỏi “thăm dò”, mấy hôm trước về quê ngoại, mẹ có cho gì đem đi không? Lan trộm nghĩ, chẳng lẽ bên nội cho gì thì bên ngoại phải theo đó? Nhưng có nhiều thứ mẹ Lan cho con gái, cô không kể ra với mẹ chồng, sợ bà lại cả nghĩ.

Là cô gái có học và được giáo dục tử tế, Lan không để bụng những chuyện vặt vãnh này. Cô chỉ cho đó là tính cách của từng người, song Lan cũng không tránh khỏi những lúc buồn cho mình...

5 tháng sau ngày cưới, trong khi mẹ chồng luôn tìm cách “quản lí từ xa” kinh tế của con trai út thì bố chồng Lan tuyên bố họp gia đình. Hiện nay, bố mẹ Tuấn còn vay ngân hàng gần 100 triệu (đó là tiền nuôi hai anh học đại học – bố Tuấn giải thích). Lương của vợ chồng Lan tích cóp được không nhiều, dự định có ít tiền để sinh con. Nhưng khi nghe bố chồng nói vậy, Lan chẳng yên lòng. Cô bàn với chồng cho bố mẹ vay không nhà chồng lại nghĩ vợ chồng cô có nhiều tiền, rồi mẹ chồng lại càng tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn tới cuộc sống của con.

 Thấy vợ chồng Lan mua sắm, ăn uống nhiều hơn ở quê, bố mẹ Tuấn chê là lãng phí, là thừa chất, rồi sẽ bị béo phì... Những mâu thuẫn với mẹ chồng ngày càng dồn nén lại, khiến Lan cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí cô không còn muốn về nhà Tuấn và nhận những món quà quê của mẹ chồng gửi lên.

Mặc dù không chung sống với gia đình nhà chồng, mẹ chồng không phải là tay hòm chìa khóa, nhưng Lan vẫn cảm thấy nặng nề và vị thế của mình giảm đi. Đôi lúc, Lan nghĩ mình sẽ phải nói thẳng quan điểm của mình với mẹ, nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào để không làm tổn thương tình cảm mẹ con.

 Chuyên gia tư vấn nói gì?

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam thì: Về mặt lý thuyết, gia đình là một đơn vị kinh tế, xã hội riêng mà chủ thể là hai vợ chồng. Nếu như mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con cái thì vô hình chung hai chủ nhân chính của gia đình không còn vai trò thực sự nữa. Người con dâu sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, không có vị thế gì trong gia đình, và luôn bị phụ thuộc.

Bà Hà khuyên, các cặp vợ chồng trước khi kết hôn cần thẳng thắn trao đổi và thống nhất với nhau về quan điểm chi tiêu trong gia đình. Còn khi chung sống vấp phải khó khăn trong chi tiêu, người phụ nữ càng cần thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, tốt nhất là tìm sự đồng cảm và chia sẻ từ người chồng. Sau đó, trao đổi ý kiến và thuyết phục gia đình chồng một cách kiên trì và mềm dẻo. Đây là một vấn đề nhạy cảm nên cần ứng xử tinh tế và khéo léo. Trong những tình huống này, vai trò của người chồng rất quan trọng. Anh ta có hiểu và thông cảm với vợ để cùng thuyết phục mẹ thì mới mong giải quyết được vấn đề.

Các bậc phụ huynh cũng không nên quản lý mọi chi tiêu và sinh hoạt của con cái khi đã kết hôn. Nên để cho con có trách nhiệm với gia đình riêng. Giao quyền "tay hòm chìa khoá" cho con chứng tỏ bố mẹ công nhận sự trưởng thành của con trai, đánh giá cao vị thế của con dâu, giúp họ có bản lĩnh, độc lập hơn trong cuộc sống, nhất là khi phải lo toan cho con cái sau này.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất