| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì vợ sạch quá!

Thứ Tư 02/07/2014 , 08:18 (GMT+7)

Anh Tùng có cảm giác, thời gian vợ mình ở trong toilet nhiều hơn ở bên chồng. Lúc nào cũng thấy vợ lau lau, dọn dọn và… rửa tay xà phòng.

“Chắc em phải bỏ nó (vợ) thôi chị ạ”, anh Tùng hơn 40 tuổi tâm sự với chuyên gia tư vấn đường dây 1088 Hà Nội. Qua những mẩu chuyện ghép lại, chuyên viên tư vấn lờ mờ nhận ra, vợ anh quá sạch sẽ.

Anh lấy vợ gần hai năm nhưng vẫn chưa sinh con, một phần cũng vì vợ sạch quá. Anh Tùng kể: Anh lấy vợ khá muộn do kén chọn, mọi người bảo anh kỹ tính nhưng vợ anh còn kỹ hơn. Hồi đầu tìm hiểu, thấy cô ấy sạch sẽ, anh đến nhà lúc nào cũng thấy ngăn nắp, sáng sủa thì ưng lắm. Chắc mẩm tìm được người hợp với mình, nhưng khi ở chung rồi anh mới phát hoảng.

Chị bắt anh phải sạch tinh tươm, gọn gàng từ người đến đồ dùng. Trong bữa ăn, chồng sơ ý để rơi một hạt cơm xuống sàn nhà, chị sẽ ngay lập tức buông bát, hơi chau mày, nhẹ nhàng nhặt hạt cơm lên rồi với chiếc giẻ lau, lau thật kỹ nền nhà. Sau đó, chị vào toilet, rửa tay xà phòng cho thật sạch rồi mới vào ăn nốt bát cơm dang dở.

Mặc cho cơm canh nguội, mặc cho cơm trương lên vì đã chan nước, chị vẫn làm đầy đủ quy trình. “Thành ra, mình ăn mà không được tự nhiên, cứ phải cố cho không bị rơi cơm hay vương canh, ăn cũng mất ngon”, anh Tùng kể.

Anh Tùng có cảm giác, thời gian vợ mình ở trong toilet nhiều hơn ở bên chồng. Lúc nào cũng thấy vợ lau lau, dọn dọn và… rửa tay xà phòng.

Đau khổ hơn là “chuyện ấy” của hai vợ chồng cũng không được thoải mái vì tính sạch sẽ của chị. Khi thì: Hôm nay anh ăn gì mà mùi nặng thế, khiếp lên được; lúc lại: Anh đã ngâm chân chưa mà hôi kinh, đi tất cả ngày, về chịu khó ngâm châm nước nóng mới tốt.

 Có hôm, đang trong cao trào, chị thắc thỏm: Ôi chết, hôm nay bận quá em chưa gội đầu, thôi buông em ra, mất tự tin quá… Có điều lạ là gần nhau tới hai năm nhưng chưa khi nào “chuyện ấy” của họ suôn sẻ.

Có lẽ đó cũng là lý do hai người chưa có con dù rất muốn. Anh Tùng buồn bã: “Cả hai đều khỏe mạnh, nhưng những lúc gần nhau có vẻ như cô ấy luôn phát hiện ra mùi gì đó, khiến cuộc yêu tàn giữa chừng. Nếu không có con, chắc đành chia tay”.

Anh Tuấn (35 tuổi) công tác ở Hà Nội, vợ anh làm ở Bắc Giang và sống chung với bố mẹ chồng. Hồi đầu, anh khá yên tâm vì bố mẹ già có con dâu chăm sóc. Thế nhưng, càng ngày, vợ anh càng thể hiện sự sạch sẽ quá mức của mình khiến bố mẹ anh phát phiền. Nhất là sau khi sinh con thì tính sạch của vợ anh như biến thành bệnh nặng.

Giới thiệu tới mấy người ôsin, nhưng chị không ưng ai, vì trông họ cứ cũ cũ, bẩn bẩn. Tìm được bà trông bề ngoài gọn gẽ thì lại gầy quá, sợ bà có bệnh gì, chị thuê hẳn taxi đưa bà xuống Hà Nội kiểm tra sức khỏe tổng thể, sợ lây bệnh cho con.

May mắn, bà không mắc bệnh, nhưng cũng chỉ ở được với chị được dăm ngày là… chạy. Bát đũa, chị bắt bà rửa qua lại 2 lần xà phòng, tráng nước nguội 4 lần và nhúng nước sôi 3 lần mới đem phơi. Quần áo người lớn chị cũng yêu cầu giúp việc phải giặt bằng nước nóng, sau nước xà phòng, phải giũ qua 5 lần (4 lạnh, 1 nóng).

Riêng đồ của trẻ con phải giặt riêng, giũ nước nhiều hơn người lớn rồi ngâm chanh cho tiệt trùng. Mỗi ngày, chị mua 1 cân chanh về, chỉ để ngâm quần áo của con. Bàn tay của người giúp việc lúc nào cũng đỏ lên vì ngâm nước nhiều. Vì thế, không ai ở lâu được với chị, dù được trả lương hậu hĩnh.

Chỉ khổ mẹ chồng chị, mỗi khi ôsin bỏ việc, bà lại phải lăn lưng ra làm thay. Nhiều hôm bà tính giặt, rửa phiên phiến, nhưng bị con dâu phát hiện ra ngay. Lúc nào con dâu cũng ngọt ngào: “Mẹ ơi, hình như quần áo của cu chưa được nắng hay sao ý, con thấy vẫn còn mùi nước giặt. Mọi hôm nó thơm mùi chanh và mùi nắng cơ”.

Anh Tuấn nhiều hôm phát cáu vì yêu cầu quá đáng của vợ, đến anh còn chả chiều nổi nữa là người khác. Không lẽ lại bỏ nhau? Mỗi khi về, thấy mẹ vất vả, anh thương vô cùng, nhưng vợ anh vẫn đang ở cữ, làm ầm ĩ lên sợ ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ nuôi con.

Ai cũng nghĩ rằng sạch sẽ, tỉ mỉ và cẩn thận là đức tính tốt. Tuy nhiên, nếu sự cầu toàn đó trở thành nỗi ám ảnh thì lại là chuyện khác. Các nhà khoa học đã xác định sạch sẽ quá là một căn bệnh tâm lý. Người mắc chứng bệnh này thường khá cứng nhắc, luôn luôn ngờ vực, luôn đòi hỏi mọi thứ phải chính xác, nằm trong sự kiểm soát.

 Nhiều người còn tỏ ra ngoan cố cũng như quá cẩn thận trong từng cử chỉ hành động nhỏ nhất của mình. Xuất phát từ đó, những người này sẽ có tâm trạng lo âu thái quá về sạch sẽ hay mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo đến mức gây khó chịu cho người xung quanh.

Nếu chẳng may lấy được người bạn đời quá sạch sẽ, người chồng/vợ nên góp ý thẳng thắn, kịp thời điều chỉnh. Còn nếu sự sạch sẽ ấy trở nên thái quá thành “bệnh hoạn” thì cần nhanh chóng đưa họ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất