| Hotline: 0983.970.780

Khó xử vì Ô-sin

Thứ Ba 04/10/2011 , 11:20 (GMT+7)

Người thành phố thời nay công việc ngày càng bận rộn. Vì vậy việc nhà của hầu hết các gia đình đều phải trông đợi vào người giúp việc mà mọi người đã quen gọi là “Ô-sin”. Nghề Ô-sin vì thế trở nên “hot” hơn bao giờ hết, thu nhập của người giúp việc cũng ngày một xứng đáng hơn với công sức họ bỏ ra.

Kể như vậy cũng là hợp lý và phù hợp với quy luật phân phối lại các giá trị trong xã hội. Tuy nhiên, người giúp việc phần lớn ở các vùng nông thôn ra thành phố, đa số hạn chế về kiến thức và chưa phù hợp với cách sống nơi đô thị, nên không ít người đã gây khó xử cho chủ nhà, thậm chí có trường hợp làm cho gia chủ lâm vào cảnh dở khóc, dở cười. Xung quanh chuyện này cũng có khá nhiều chuyện làm tốn không ít giấy mực của báo chí.

Những chuyện mà người giúp việc của chị Lan đã “làm khó” cho chủ nhà của mình mà tôi viết ra dưới đây có lẽ cũng thuộc diện “chẳng giống ai”…Chị Lan là giáo viên tiểu học, dạy ở một trường dân lập cách nhà cả chục cây số. Chị phải ở trường cả ngày và công vệc khá bận rộn, vất vả chứ không như nhiều người vẫn hiểu nhầm, quan niệm là làm giáo viên thì nhàn. Chồng chị Lan là dân kinh doanh tự do, cũng tối ngày bù đầu với công việc điều hành doanh nghiệp.

Khi chị sinh con thứ nhất thì còn nhờ được mẹ chồng và mẹ đẻ, sau đó lại có cô em họ ở quê lên Hà Nội học nghề may, ở nhờ nhà chị phụ giúp. Mấy năm sau, đứa con đầu lòng đã lớn, vợ chồng chị Lan tính chuyện sinh đứa thứ hai. Lúc này bà nội, bà ngoại các cháu đều đã già cả, yếu sức, các cụ tự lo cho các cụ còn chưa xong, nói chi chuyện giúp đỡ con cái. Cô em họ thì đi làm và cưới anh bạn công nhân cùng công ty may nên đã ra thuê nhà ở riêng.

 Thế là chị Lan buộc phải tính chuyện tìm người giúp việc. Thời buổi này tìm Ô-sin không dễ. Thông qua mấy công ty tuyển dụng thì chỉ được “ba bảy hăm mốt” ngày là họ chê lương ít, vất vả và tìm đủ lý do để đánh bài chuồn. Đang lúc lo sốt vó vì ngày ở cữ đã cận kề mà người giúp việc vẫn chưa kiếm được, thì như “chết đuối vớ được cọc”, chị Lan được một phụ huynh học sinh thân thiện và nhiệt tình giới thiêu cho một cô, nguyên là Ô-sin cũ của chị phụ huynh này, nay các cháu đã đi học, chị không có nhu cầu người giúp việc nữa.

Chị Ô-sin này xồn xồn tuổi bốn mươi, cũng mỏng mày hay hạt, chỉ phải cái mặt mũi kém sáng sủa và tính tình có vẻ hơi “khác người” nên liệt vào hàng “chống ề”. Chị ta đã có thâm niên nghề Ô-sin, ở thành phố vài năm nên công việc nhà chị làm chăm chỉ và gọn gàng, trông nom trẻ con nhiệt tình, chu đáo, làm Lan rất ưng. Chỉ phải cái nết “hâm hâm, dở dở” nên hay dỗi, tự ái vặt, hơi một chút đùng đùng xách túi đồ cá nhân dọa “lên tàu về quê”. Lan cũng thông cảm phụ nữ quá lứa, lỡ thì thường hay thay đổi tính nết, không chấp chị ta.

Chị giúp việc vừa dọn đến hơn một tuần thì Lan sinh thằng cu thứ hai. Sau khi Lan đưa con từ viện phụ sản về nhà, để tiện chăm sóc con cả đêm lẫn ngày, Lan để chị này vào phòng mình ngủ, còn ông xã của Lan phải tạm sơ tán lên tầng trên. Mọi việc cứ thế diễn ra êm thấm cho đến khi Lan hết thời kỳ ở cữ. Vợ chồng Lan muốn gần gũi nhau, nhưng luôn bị chị giúp việc quá nhiệt tình vô tình làm họ bị “cách núi, cách sông”. Nhiều lần Lan nhắc khéo chị ta: "Bác này, cháu bây giờ đã cứng cáp rồi, bác ra phòng khác ngủ đi cho đỡ vất vả đêm hôm nghe trẻ con khóc".

Không ngờ chị ta từ chối, không chịu đi. Chị bảo ở tầng trên thì nóng, còn phòng khách thì ngại có người qua lại, cứ để chị ở với Lan trông cháu không sao đâu. Lan thấy khó xử quá, chưa biết làm thế nào, còn chồng Lan thì bức bối, bực mình lắm mà không làm sao được. Một đêm anh chồng nhớ vợ quá, gửi tin nhắn cho Lan. Theo kế sách của chồng, Lan bảo chị giúp việc: "Chị ơi, sáng mai chị dạy sớm 5 giờ, nấu giúp em nồi cháo cho cháu nhé".

Với bản chất nhiệt tình, chăm chỉ, chị ta đồng ý ngay. Sáng hôm sau, sau khi chị Ô-sin xuống bếp nấu cháo thì chồng Lan nhẹ nhàng từ trên nhà đi xuống lẻn vào phòng vợ mình “tâm sự chui”. Đang lúc mặn nồng thì chị giúp việc mò lên, gọi cửa. Tất nhiên là Lan không ra mở. Tưởng Lan ngủ say, nên chị đập cửa thình thịch. Lan vẫn không thể ra mở cửa cho chị ta. Chị ta lại càng đập cửa mạnh và liên hồi hơn nữa. Một lát sau, Lan bực quá vẫn phải bỏ dở “tâm sự” ra mở cho chị ta vào phòng.

Khi Lan hỏi: "Có việc gì gấp mà chị phải đập cửa như vậy lúc sáng sớm thế này?" thì chị giúp việc đáp tỉnh queo: "À, tôi quên cái điện thoại, nên phải lên lấy. Thế thôi!".

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất