| Hotline: 0983.970.780

Khoán rừng tự nhiên ở Quảng Trị

Thứ Ba 02/11/2010 , 09:40 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong một lần đến thăm 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá của tỉnh Quảng Trị, đã khen địa phương này chăm sóc và bảo vệ rừng rất tốt, độ che phủ của rừng ngày càng nâng cao. 

Tổng kết 5 năm tỉnh Quảng Trị giao khoán rừng tự nhiên về cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, quản lý cho thấy nhiều diện tích rừng đã phát triển tốt, lượng tăng trưởng của rừng hàng năm được tăng, độ che phủ không ngừng được nâng cao, môi trường sống ngày càng được cải thiện đáng kể. Đáng ghi nhận là trước đó, chiến tranh gần như thiêu rụi hầu hết các cánh rừng nên việc phủ dày lại màu xanh cho rừng như hôm nay là một sự cố gắng rất lớn của Quảng Trị.

Trong 5 năm (2005-2010) tỉnh Quảng Trị giao hơn 4.600 ha rừng cho người dân hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá quản lý, chăm sóc. Trong đó diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý hơn 4.100 ha, giao cho hộ gia đình hơn 420 ha... Đối tượng rừng được giao chủ yếu là rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu.

 Ông Khổng Trung - PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Sau khi giao rừng, các cộng đồng ngay lập tức triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, thành lập các BQL cộng đồng trong các thôn bản, xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng có trách nhiệm tuần tra bảo vệ theo sự phân công của ban quản lý rừng. Tại huyện Đakrông, có 11 cộng đồng thuộc các xã A Vao, A Ngo, Tà Long, Pa Nang... xây dựng được kế hoạch quản lý rừng cộng đồng được đánh giá cao”.

Nhờ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả nên tình trạng khai thác, lấn rừng làm nương rẫy, bẫy bắt động vật giảm hẳn, các vụ cháy rừng không còn xảy ra. Người dân trong khu vực hưởng lợi đã tự giác rất cao. Cộng đồng thôn Ăng Co, xã A Ngo đi tuần tra phát hiện các đối tượng khai thác tinh dầu de hương đã kịp thời truy đuổi ra khỏi rừng. Hay người dân thôn Kỳ Ne phát hiện đối tượng xấu khai thác gỗ quý đã kịp thời báo kiểm lâm ngăn chặn, xử lý.

 Trong các hộ gia đình, nổi bật là ông Hồ Mơ ở bản Prin C, xã A Dơi, huyện Hướng Hoá luôn xem rừng là nhà, cùng ăn, cùng ngủ với rừng. Mỗi ngày Hồ Mơ tự mình vào rừng thống kê từng cây gỗ, xếp nhóm gỗ, đánh giá năng lực gỗ rừng rồi lên biện pháp bảo vệ cụ thể cho từng khu vực. Hồ Mơ nói: “Nếu mọi người đều yêu thương rừng, cùng nhau bảo vệ rừng thì lũ quét, lũ ống sẽ không bao giờ tấn công bà con. Ta yêu quý rừng thì rừng mới che chở ta. Chuyện tưởng rất dễ song thật tiếc, không phải ai cũng làm được”.

Ông Khổng Trung kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế cho ứng trước sản phẩm gỗ sau thời gian giao rừng từ 3 đến 5 năm nhằm khuyến khích các cộng đồng dân cư, thôn bản tích cực tham gia bảo vệ rừng tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Một kết quả đáng lưu ý là sau 5 năm được quản lý, chăm sóc, lượng tăng trưởng của rừng phát triển từng ngày. Cộng đồng thôn Tà Rùng, xã Húc, trữ lượng rừng lúc giao khoán ở mức 6.900 m3/86 ha. Trữ lượng sau 5 năm lên đến 7.725 m3, tăng 823 m3/86 ha. Hay hộ gia đình ở thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, trữ lượng lúc giao khoán 2.200 m3/20 ha rừng, sau 5 năm trữ lượng tăng hơn 2.500 m3/20 ha...

Ông Khổng Trung cho biết, việc giao rừng vừa qua ở Quảng Trị có ý nghĩa rất thiết thực, là một việc làm đúng đắn cần tiếp tục phát huy. Rừng tự nhiên ở Quảng Trị hiện có gần 134 ngàn ha, chủ yếu tập trung hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá, chiếm một vị trí quan trọng. Song thực tế cho thấy vẫn còn không ít khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng giao khoán cho cộng đồng, cá nhân. Chính sách hỗ trợ ban đầu cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng chưa có nên chưa khuyến khích được người dân tích cực nhận rừng. Việc hoàn thành hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ cho một số gia đình và cộng đồng cần được thực hiện đầy đủ.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.