| Hotline: 0983.970.780

"Khóc, cười" với Nghị định 64

Thứ Ba 22/11/2011 , 10:31 (GMT+7)

Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài đến nay đã hơn 18 năm.

 

Thực trạng thừa- thiếu ruộng SX ở vùng nông thôn Hà Tĩnh đang là nỗi bức xúc của người dân nơi đây

Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài đến nay đã hơn 18 năm. Qua gần 2 thập kỷ, đến nay đời sống sản xuất đang nảy sinh bất cập khi nhiều hộ có nhu cầu thì chẳng có đất sản xuất, trong khi những hộ khác thì đất bỏ không hoặc cho người khác thuê mướn.

Ghi nhận nhiều ý kiến thắc mắc của bà con nông dân, chúng tôi về xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh để tìm hiểu. Gia đình anh Nguyễn Như Trí ở thôn 4 có 4 con đang độ tuổi ăn học từ lớp 1 đến lớp 10, cả nhà 6 miệng ăn chỉ có 1,5 sào ruộng theo tiêu chuẩn của anh được chia năm 1994.

 Năm 2000, vợ chồng anh phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để thuê mướn 2 sào ruộng của ông Lê Văn Hòa và ông Lê Huy Thể cùng thôn. Lúc các con còn nhỏ, từng ấy sào ruộng cũng tạm đủ ăn, nhưng con cái ngày một lớn, ăn uống chi tiêu ngày một nhiều, đất vườn không có, buộc anh chị phải thuê thêm 3 sào 5 thước của gia đình ông Nghị, chị Liên và bà Hồng trong xóm để SX kiếm sống. 

 "Mỗi sào SX ra phải nộp cho chủ ruộng 40kg thóc, chưa kể nộp các khoản thuế sản và các khoản đóng góp do xã quy định. Năm nào ít lụt bão thì năm đó còn có dư dật chút ít, nhưng những năm bão tố hoành hành, lúa bị ngập lũ gia đình phải chịu nợ các khoản sang vụ khác, đời sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn" - anh Trí ca thán.

Rời nhà anh Trí, chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Bình ở xóm 4, Hợp tác xã Phúc Lĩnh (Can Lộc, Hà Tĩnh). Gặp chúng tôi, chị Bình bày tỏ bức xúc khi vợ chồng chị  nay đã ở tuổi 40 mà vẫn phải thuê mướn ruộng. “Gia đình tôi có 5 người, sống bám vào một suất ruộng được chia trước đây, do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, tôi phải đi thuê thêm 8 sào ruộng nữa để làm mới bảo đảm được cuộc sống. Ngoài những khoản đóng góp cho Nhà nước tôi phải nộp cho chủ ruộng mỗi sào 40 kg thóc.

"Mà ruộng thuê thì thấp trũng, có những nơi mấy vụ liên tiếp mất mùa nhưng vẫn phải nộp đầy đủ các khoản thu của xã và của chủ ruộng. Tôi thấy như vậy là rất bất hợp lý bởi ruộng đất là của Nhà nước, mọi người dân ai cũng được hưởng quyền bình đẳng, vậy nhưng bây giờ kẻ thừa ruộng cho thuê, người thiếu đất sản xuất phải đi làm thuê cuốc mướn”, chị Bình than thở.

Không chỉ anh Trí, chị Bình, chỉ riêng ở thôn 4 của xã này đã có trên 40/129 hộ gia đình thiếu ruộng trầm trọng. Việc nông dân buộc phải thuê ruộng của người khác để làm, theo người dân không những hạn chế họ trong việc chủ động đầu tư thâm canh, mua sắm công cụ sản xuất... mà còn là sự bất công về hưởng lợi đất đai.

 Ông Lê Hữu Dung, thôn trưởng thôn 4 cho biết, ở thôn ông hiện có nhiều hộ dư thừa đất, đang tiến hành cho thuê theo kiểu "phát canh thu tô" trước đây. Nhà chị Hoa là giáo viên Trung học cơ sở đã nghỉ hưu nhiều năm rồi mà vẫn có 5 suất ruộng của chồng và con cái đã thoát ly để lại.

Ví như ông Bảy, bà Tỉu tuổi đã gần 70 tuổi mà có 7 suất, ông bà Thái có 4 suất đều cho làm thuê. Một mình bà Hồng hưu trí mà vẫn có 8 suất ruộng với tổng diện tích 5.500m2. Năm 2010, bà được xã đền bù 49.600.000 đồng trên thửa ruộng diện tích 1.599,8m2 khi xã cần lấy đất để xây dựng trụ sở mới. Hiện nay bà vẫn còn 5 suất đất cho thuê lấy lãi.

Ông Bùi Đức Hạnh đề xuất:

"Kết thúc chu kỳ 20 năm thì phải điều chỉnh lại làm sao cho những người sinh sau được cấp ruộng đất, những người chết, người đã thoát ly hoặc chuyển đi nơi khác mà không có nhu cầu sử dụng ruộng đất thì phải rút của họ lại chia cho người chưa có ruộng. Nếu để cho các địa phương tự ý giải quyết, thì trái với Nghị định. Vì thế phải có Thông tư hướng dẫn hoặc là Văn bản Quy phạm pháp luật quy định việc này để cho các cấp có cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý thực hiện. Như vậy mới hợp lòng dân”.

Trước những bất cập trong sử dụng ruộng đất của nông dân và những đề nghị của nhiều hộ nông dân thiếu ruộng, Chi bộ thôn 4 cũng chỉ biết cảm thông, động viên họ, bởi ruộng đất được xã chia hết cho nông dân khi thực hiện Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ. Chi bộ thôn 4, HTX Phúc Lĩnh đã đưa vào Nghị quyết, lấy ý kiến của dân để trích mỗi suất cơ bản 2 thước làm quỹ đất cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn đấu thầu nhưng chẳng thấm vào đâu. Bình quân mỗi hộ nghèo chỉ có chưa đầy 10 thước ruộng.

Kẻ khóc, người cười. Người già cả, mất sức lao động thì dư ruộng cho thuê theo thỏa thuận. Lớp trẻ sức dài vai rộng thì không có ruộng cày. Thậm chí nhiều hộ gia đình neo người, nhiều ruộng lại còn được hưởng sự ưu đãi nhờ chính sách đền bù khi Nhà nước mở đường, xây dựng công trình, dự án... với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhìn nhận về thực trạng này, ông Bùi Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Can Lộc nêu quan điểm: “Từ Nghị quyết 10, rồi Chỉ thị 100 cho đến cụ thể hóa bằng việc giao đất lâu dài cho nông dân sản xuất là một cuộc cách mạng cho nông nghiệp. Chính điều đó đã làm cho nông nghiệp phát triển và đưa nước ta thành cường quốc xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng theo Nghị định 64 thì người chết không bị cắt đất, người sinh sau không được chia thêm nên tình trạng thiếu – thừa ruộng đất đang diễn ra".

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

T&T Group vận hành 'chuẩn Nhật Bản' tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (Tập đoàn T&T Group) và Tập đoàn Anabuki (Nhật Bản) vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất