| Hotline: 0983.970.780

Khơi dậy sức dân

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:32 (GMT+7)

Khi phát động phong trào xã hội hóa xây dựng hạ tầng nông thôn, chính lãnh đạo huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng không ngờ lại thu được kết quả lớn đến vậy.

Khi phát động phong trào xã hội hóa xây dựng hạ tầng nông thôn, chính lãnh đạo huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng không ngờ lại thu được kết quả lớn đến vậy.

Không ép buộc

Xã Tân Hội, huyện Đan Phượng triển khai xây dựng hạ tầng nông thôn bằng tiền đóng góp của dân khá sôi nổi. Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Hùng Vỹ thống kê hàng chục các công trình đã triển khai đưa vào sử dụng như: Đường giao thông thôn Vĩnh Kỳ đầu tư hơn 4 tỷ đồng, đường trục 4 thôn kinh phí 5,3 tỷ đồng; đường giao thông thôn Thúy Hội 5,6 tỷ đồng; nhà văn hóa thôn Phan Long hơn 5 tỷ đồng; hệ thống tiêu thoát nước thôn Thượng Hội hơn 4 tỷ đồng...

 Không chỉ làm hạ tầng, người dân trong xã còn trồng cây tại đường làng, khu vực bờ ao sen, đường ra đồng, khu nhà trẻ, nghĩa trang…

Không riêng Tân Hội, tại xã Liên Trung người dân đã đóng góp trên 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại 25 xóm. Thôn Hạnh Đàm, xã Tân Lập; thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà huy động được hàng tỷ đồng xây dựng cổng làng…

 Nhiều thôn, xóm làm tốt xã hội hóa xây dựng đường làng, ngõ xóm; trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhà văn hóa; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Điển hình như: thôn La Thạch, xóm Bên thôn Phương Mạc, xóm 1 và 3 thôn Địch Trung (xã Phương Đình); xóm Văn Miếu, thôn Đại Phùng, xóm Đình Trung, thôn Đông Khê (xã Đan Phượng), ngõ 107, phố Thụy Ứng (thị trấn Phùng), xã Trung Châu…

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, các xã, thị trấn đã và đang chỉnh trang xây dựng được hơn 6,2km đường làng với kinh phí hơn 26 tỷ đồng; xây dựng, chỉnh trang hơn 26,6km đường ngõ xóm kinh phí hơn 17 tỷ đồng; xây dựng 27km rãnh thoát nước với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, người dân huyện Đan Phượng còn hiến trên 400m2 đất làm đường giao thông thôn xóm. Trong đó, xã Phương Đình, hiến hơn 280m2, xã Thượng Mỗ hiến trên 100m2, thị trấn Phùng hiến hơn 30m2 đất…

Gương mặt ánh lên sự hồ hởi khi ngắm con đường bê tông vừa hoàn thành, ông Trần Viết Công, người dân thôn 4, xã Trung Châu tự hào: “Đây chính là “công trình thế kỷ” của người dân chúng tôi. Dù tham gia đóng góp số tiền không nhỏ, song các gia đình ở đây nhà nào cũng vui vẻ, thoải mái chứ không hề có sự ép buộc”.

Hợp lòng dân

Chủ tịch UBND xã Trung Châu Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, do đặc thù diện tích rộng, dân ở thưa nên mỗi hộ thường phải đóng một lượng kinh phí khá lớn. Có gia đình đóng cả chục triệu đồng. Xã đã chọn chỗ dễ làm trước, chỗ khó làm sau.

Thôn 5 (làng Vân Môn), thôn 6 (làng Phương Vinh) và thôn 9 (làng Lại Xa) làm trước với kết quả tốt, người dân trông vào đó mà làm theo, đẩy phong trào lan rộng ra toàn xã.

Trở lại xã Tân Hội, ông Nguyễn Vỹ Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ kinh nghiệm huy động sức dân: “Đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Đảng ủy xã đã thành lập BCĐ xây dựng làng văn hóa, xanh sạch đẹp; đồng thời, thành lập Ban vận động tại 4 thôn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Các thôn xóm tự bàn bạc, đi đến thống nhất phương án đóng góp. Huy động con em trong làng thành đạt, các gia đình có điều kiện ủng hộ thêm”.

Nhờ vậy, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, những công trình xây dựng từ vốn xã hội hóa trên địa bàn xã bằng cả 5-7 năm trước cộng lại.

Còn tại xã Trung Châu, nơi hàng chục km đường giao thông nông thôn được làm từ kinh phí xã hội hóa vừa hoàn thành, chia sẻ thành công, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Ngọc Sáng khẳng định: Thành công chính nhờ ý Đảng hợp với lòng dân. Nếu như trong các năm 2003-2004, thôn 4, thôn 5 của xã là địa bàn phức tạp, người dân mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo, thì phong trào làm đường vừa qua đã nối lại tình làng, nghĩa xóm.

Ngoài việc “bổ” kinh phí theo khẩu, với những gia đình chính sách, gia đình thuộc diện hộ nghèo, thôn họp thống nhất miễn, giảm các khoản đóng góp. Phương án xây dựng giao thẳng cho người dân trực tiếp huy động ngày công. “Chúng tôi tự mua vật liệu, tự san ủi đường, chỉ mất tiền thuê máy trộn bê tông”, ông Trần Viết Thành, người dân thôn 4 cho biết.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất