| Hotline: 0983.970.780

Khởi động cuộc chiến chống rầy

Thứ Hai 07/03/2011 , 10:20 (GMT+7)

Rút kinh nghiệm “đại dịch rầy” vụ đông xuân năm trước, Bình Định đang dồn tổng lực ngăn chặn bước tung hoành của rầy nâu.

* Bệnh đạo ôn cũng đang hoành hành

Như là “đến hẹn lại lên”, lúa đông xuân 2010-2011 trên chân 3 vụ/năm ở Bình Định đang thời kỳ làm đòng, ngậm hạt thì dịch rầy xuất hiện, chúng nhanh chóng lây lan với mật độ ngày càng dày. Rút kinh nghiệm “đại dịch rầy” vụ đông xuân năm trước, Bình Định đang dồn tổng lực ngăn chặn bước tung hoành của rầy nâu.

Lứa rầy tháng 2 vừa qua, nhiều diện tích lúa đông xuân tại nhiều địa phương ở Bình Định như các huyện: An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Mỹ đã bị “dính” rầy, thế nhưng tập trung nhiều nhất là ở huyện Phù Cát. Huyện này vốn được mệnh danh là “cái nôi sâu bệnh” trên cây lúa ở Bình Định. Con số thống kê mới nhất của Chi cục BVTV Bình Định minh chứng điều này. Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định, cho biết: “Hiện trên địa bàn Bình Định có 980 ha diện tích lúa đông xuân đang bị rầy gây hại thì ở huyện Phù Cát đã “dính” đến 500 ha. Bên cạnh đó, cả tỉnh hiện có hơn 300 ha lúa đông xuân đang bị bệnh đạo ôn tấn công thì trong đó có đến 200 ha rơi vào huyện Phù Cát”.

Mật độ rầy xuất hiện khá dày đang khiến nông dân lo lắng, họ e rằng sẽ lại bị 1 vụ đông xuân “công cốc” như vụ đông xuân năm ngoái do bị lũ rầy “cuỗm” sạch thành quả sắp gặt hái. Đơn cử, hiện trong 500 ha lúa bị nhiễm rầy tại Phù Cát đã có đến 200 ha nhiễm rầy với mật độ trên 5.000 con/m2. Còn tại huyện Phù Mỹ thì mật độ rầy phổ biến từ 2.000-3.000 con/m2, có nhiều diện tích bị nhiễm cao với mật độ từ 5.000-7.000 con/m2. Ông Lương Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát lo lắng: “Diện tích lúa bị nhiễm rầy trên địa bàn khá nhiều, hiện đã có 12/18 xã có diện tích lúa bị nhiễm rầy. Đó là các xã: Cát Tân, Cát Hanh, Cát Tường, Cát Tài, Cát Minh, Cát Thành, Cát Nhơn, Cát Khánh, Cát Trinh, Cát Sơn và Cát Lâm”. Theo nhận định của ông Phan Sỹ Hùng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, nguyên nhân không ngăn chặn được sự bành trướng của đợt rầy lứa tháng 2 là do hiện nay bà con nông dân vẫn còn sử dụng những loại thuốc diệt rầy đã lạc hậu, không còn tác dụng, ví như thuốc vofatốc. Một nguyên nhân khác là do nông dân phun thuốc không đúng quy trình kỹ thuật, khi phun thuốc mặt nước trong ruộng không đủ như yêu cầu.

Ông Hồ Ngọc Hùng - Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: “Hiện Bình Định vẫn còn dự trữ được 12 tấn thuốc trừ rầy từ năm ngoái còn lại. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ dùng cơ số thuốc này đối phó với lũ rầy hại lúa”. Ông Lương Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết thêm: “Không chỉ có cán bộ ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, mà toàn bộ hệ thống chính trị của huyện sẽ vào cuộc trong cuộc chiến chống rầy trong thời gian tới. Cán bộ tất cả các ngành sẽ tham gia, thay phiên nhau ra ruộng kiểm ra và đôn đốc bà con phun thuốc, kể cả ngày nghỉ. Thuốc sẽ được cấp tại những đám ruộng bị nhiễm rầy, việc phun thuốc của nông dân sẽ được diễn ra trước sự giám sát của cán bộ theo dõi để mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi bảo đảm sẽ không để diện tích nào bị cháy rầy để bảo đảm năng suất”.

Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định nói: “Để phun trừ rầy nâu và rầy lưng trắng nông dân nên dùng các loại thuốc: Appaudd 10WP, Trebon 10EC, Bassa 50EC, Alika 247ZC, Chess 50WG, Admire 200 OTEQ, Vicondor 700 WG... Chú ý, đối với vùng ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, nếu phun một lần còn sót nhiều, cần thiết phun lần 2 kết hợp thuốc Trebon 10EC dùng liều 50cc thuốc cộng với từ 40-50 gam thuốc Appaudd 10WP hoặc 5 gam Dantotsu 16WSG pha với 40 lít nước phun cho 1 sào lúa. Để phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con nên bơm cân đối NPK và các thuốc đặc trị: Beam 75WP, Kabim 30WP, Katana 20SC, Vista 72.5 WP, Ninja 35 EC, Filia 525 SE, Vista... Thuốc phải được bơm trước 8 giờ sáng và tuyệt đối không được trộn bất kỳ 1 loại phân nào hoặc 1 loại thuốc kích thích nào”.

+ Bệnh đạo ôn xuất hiện tại Bình Định sớm hơn, từ trước Tết Nguyên đán gây hại trên các giống lúa: IR 3-2, BC 15, DV 108, Hương Cốm và OMCS 96. Bệnh này tập trung hoành hành cây lúa được gieo sạ trên chân đất pha cát. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình canh tác nông dân bón phân không cân đối, cộng với thời tiết bất thuận, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm không khí cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên nấm đạo ôn phát sinh, phát tán mạnh.

+ Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định: Lứa rầy sắp tới sẽ xuất hiện từ ngày 15 đến cuối tháng 3, tiếp tục gây hại trên những diện tích SX 2 vụ lúa/năm. Lứa rầy này mới thật sự đáng quan ngại, quyết định sự sống còn của vụ mùa nên chúng tôi đang dồn tổng lực để đối phó quyết bảo vệ vụ lúa đông xuân. Cơn “đại dịch rầy” xảy ra trong vụ đông xuân năm trước tại Bình Định vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh trong đầu những người có trách nhiệm của tỉnh này.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất