| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư sạch

Thứ Sáu 21/04/2017 , 15:05 (GMT+7)

Hiện tại, mỗi tháng anh Giàu cung cấp trên 10.000 túi phôi và hàng trăm kg nấm tươi với giá 35.000 đồng/kg. Theo anh, nấm bào ngư xám là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), kỹ sư Võ Phước Giàu ở ấp Long Châu, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư xám sạch, tận dụng phụ phẩm để trồng nấm rơm, cải mầm.

14-10-31_nh-1-nh-giu-chm-soc-nm-bo-ngu
Anh Võ Phước Giàu chăm sóc nấm bào ngư sạch

Anh Giàu vốn tính chịu khó và đam mê kinh doanh, thấy nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch, nhu cầu thị trường rất cần nên anh quyết tâm đầu tư sản xuất. Giữa năm 2016, Trại nấm Thần Nông của anh ra đời với diện tích hơn 300m2. Ban đầu sản xuất gặp nhiều khó khan nhưng anh vẫn không nản chí, tiếp tục nghiên cứu khắc phục cách nhân giống, sử dụng dưỡng chất để nuôi cấy... Cuối cùng thì thành công cũng đã mỉm cười với anh.

Anh Giàu chia sẻ, thành công nào cũng phải trải qua nhiều thất bại và chấp nhận thất bại thì mới có thể thành công. Khởi nghiệp là quá trình khó khăn đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và chịu khó.

Hiện tại, mỗi tháng anh Giàu cung cấp trên 10.000 túi phôi và hàng trăm kg nấm tươi với giá 35.000 đồng/kg. Anh còn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo anh, nấm bào ngư xám là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nhận thấy nấm bào ngư xám dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và cách bảo quản đúng kỹ thuật.

Hiện tại, anh Giàu đang tiếp tục đầu tư hệ thống thanh trùng nguyên liệu và tiến hành thử nghiệm trên nhiều giá thể như xác thân bắp, trái bắp, rơm, lục bình… Trại nấm sạch của anh được đầu tư và chăm sóc tốt, sau trồng từ 65 - 70 ngày cho thu hoạch đợt đầu tiên, thu từ 2 - 4 ngày/đợt và 20 - 25 ngày sau sẽ tiếp tục thu hoạch đợt tiếp theo.

Chu kỳ túi phôi từ khi gieo trồng cho đến kết thúc có thể thu từ 4 - 5 lần. Mỗi bịch nấm cân nặng từ 40 - 80gram, trung bình mỗi túi phôi có thể cho năng suất từ 160 - 250gram nấm tươi. Quá trình nuôi trồng và thu hoạch có thể dài hoặc ngắn do phụ thuộc vào thời tiết, nhiệt độ trại nấm và kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, chăm sóc.

14-10-31_nh-2-nm-bo-ngu-sn-xut-theo-quy-trinh-sch
Mỗi bịch nấm có trọng lượng từ 40 - 80gram

Với cái tâm của người sản xuất, anh Giàu luôn hướng dẫn nông dân một cách tận tình và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm trong vụ đầu. Nhờ cung cấp meo giống, phôi giống và bán nấm bào ngư thương phẩm mỗi tháng gia đình anh thu lãi hơn chục triệu đồng.

Ngoài ra, để tận dụng phế phẩm của phôi nấm thu hoạch xong là mùn cưa anh tiến hành xử lý vôi, khử trùng phối trộn để trồng nấm rơm trên khay gỗ và trên đất cho năng suất cao. Sau đó, phụ phẩm trồng nấm rơm tiếp tục phối trộn để trồng cải mầm, đảm bảo tạo ra sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, phế phẩm nấm rơm đang được anh tiến hành nghiên cứu làm thức ăn cho trùn quế và sử dụng phân của trùn quế làm giá thể để trồng nấm... Theo anh Giàu thì đây là cách tối đa tận thu các nguồn đồng thời hạn chế thải ra môi trường chất phế phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Định hướng về tương lai, anh Võ Phước Giàu cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình khép kín và trồng khảo nhiều loại nấm khác như nấm kim châm, nấm đùi gà và sử dụng phế phẩm làm phân hữu cơ để cung cấp lại cho các loại rau màu.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.