| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông đồng vốn tam nông: Cần nâng mức trần vốn vay

Thứ Tư 17/12/2014 , 19:35 (GMT+7)

Các quy định về thế chấp đã làm cho không ít trang trại khó tiếp cận vốn./ Lựa chọn thế mạnh đầu tư/ Vốn để đời

Nhiều lãnh đạo và nông dân tại tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đều có chung đánh giá về chính sách tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn (Nghị định 41) và phát triển một số ngành thủy sản (Nghị định 67) thực sự có sức lan tỏa, làm thay đổi phần nào diện mạo đời sống một bộ phận nông dân. Bên cạnh những thành công bước đầu, một số vấn đề trong triển khai các nghị định (NĐ) nói trên vẫn còn gặp vướng mắc, trở ngại.

Tạo nguồn lực phát triển

Ông Lê Huy Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Vốn tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong SXNN, phát triển kinh tế trang trại, làng nghề truyền thống.

Các chính sách tín dụng đã tác động đến phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, cơ sở sản xuất... tạo thêm nguồn lực cho phát triển KT-XH trên địa bàn.

Có rất nhiều nông dân sử dụng vốn vay đạt hiệu quả, tăng thu nhập và tự vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, thấy xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới tiên tiến để bà con cùng học tập, tăng thu nhập.

Từ đó đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Nguồn vốn cũng đã góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống và mở thêm nhiều ngành nghề mới. Tạo ra hàng ngàn việc làm ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân.

Còn NĐ 67 mới bước đầu triển khai, nhìn chung tại các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa đang được ráo riết thực hiện.

Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, hiện có hàng trăm ngư dân đăng ký vay vốn đóng mới tàu hoặc cải hoán tàu cũ để vươn ra khơi xa. Agribank Chi nhánh Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền các cấp trong việc xem xét, đánh giá, thẩm định các nội dung theo quy định để có thể giải ngân vốn sớm cho ngư dân.

Bên cạnh thuận lợi nói trên, việc triển khai các NĐ này vẫn còn gặp không ít vướng mắc, trở ngại cần được khắc phục để tạo điều kiện hơn nữa cho nhân dân trong việc vay vốn đầu tư làm ăn.

Về điều này, ông Trịnh Ngọc Thanh – Giám đốc Agribank Chi nhánh Thanh Hóa cho hay: Theo NĐ 41, nông dân thuộc nội thành, nội thị sẽ không được hưởng chính sách này. Trong khi đó, tại các huyện và TP ở Thanh Hóa nói riêng và nhiều tỉnh, thành khác nói chung thì các vùng thuộc nội thành, nội thị còn một bộ phận nông dân SXNN rất cần vay vốn để phát triển kinh tế nhưng chưa được. Đây là bất cập lớn của chính sách.

Còn phía địa phương, theo ông Thanh thì thủ tục giao đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho hộ nông dân, kể cả cấp đất cho các mô hình kinh tế trang trại ở một số huyện lâu nay vẫn còn chậm, chưa thông thoáng để tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất và đáp ứng các điều kiện, thủ tục vay vốn.

Việc cấp và quản lý giấy xác nhận đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (không có tranh chấp) tại một số UBND xã chưa đúng quy định dẫn đến ngân hàng khó quản lý.

Nhấn mạnh thêm về những khó khăn trong đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, ông Trịnh Ngọc Thanh thẳng thắn khẳng định rằng, đầu tư cho lĩnh vực này phát sinh chi phí cao, cán bộ phải quản lý một số lượng khách hàng quá lớn nên dẫn đến quá tải.

Lĩnh vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh xảy ra liên tiếp và trên diện rộng. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được đã ảnh hưởng đến việc trả nợ ngân hàng, dễ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh.

14-50-20_hng-trm-ngu-dn-o-tinh-gi-thnh-ho-muon-duoc-vy-von-theo-nd-67-de-dong-moi-v-ci-hon-tu-c-nhm-vuon-khoi-x
Hàng trăm ngư dân ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) muốn vay vốn theo NĐ 67 để đóng mới và cải hoán tàu cũ

Theo ông Trịnh Ngọc Thanh – Giám đốc Agribank Thanh Hóa thì hầu hết ngư dân chỉ mới mua bảo hiểm cho người đi biển thôi chứ bảo hiểm cho con tàu chưa mấy chủ tàu quan tâm. Ông Thanh kỳ vọng NĐ 67 sẽ khắc phục được điều này. Ông Thanh cũng đề nghị giảm mức đối ứng của ngư dân khi vay vốn đóng mới hoặc cải hoán tàu cũ. Vì để đóng một con tàu cần nguồn vốn 5 – 7 tỷ đồng, thậm chí là 10 tỷ đồng. Nếu đối ứng của ngư dân là 25 – 30% giá trị con tàu e rằng sẽ rất khó. Như thế việc vươn khơi xa của ngư dân vẫn là câu chuyện dài dài. Song, nếu không có sự đóng góp của ngư dân thì việc gắn bó của họ với con tàu cũng sẽ ít đi phần nào.

Một trở ngại khác cho thấy, hợp tác xã chưa thực sự là chỗ dựa làm đại diện của nông dân trong tổ chức sản xuất hàng hóa, cạnh tranh trong khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra. Cách tổ chức sản xuất, khả năng quản lý và điều kiện thực hiện các khâu dịch vụ của nhiều HTX còn hạn chế nên ngân hàng khó mở rộng được tín dụng qua đối tượng này.

Trần cho vay còn thấp

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Cao Thời – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Ninh Bình bày tỏ: Chính sách tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn rất ưu việt. Hiện nhu vầu vay vốn của người dân vẫn rất cao. Tuy nhiên, mức trần cho vay theo quy định thì còn thấp.

Ông Thời đề nghị trong năm tới, chính sách cần điều chỉnh theo hướng nâng mức trần cho vay. Cụ thể, hộ nông dân cho vay từ 200 – 500 triệu đồng không phải thế chấp (hiện tại ở mức 50 triệu). Còn kinh tế trang trại, HTX hoạt động SXKD thì nên mở rộng mức vay 2 tỷ đồng không phải thế chấp.

Đề nghị của ông Thời, được rất nhiều chủ trang trại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ủng hộ. Hiện toàn tỉnh có 821 trang trại thì có đến 84% số trang trại muốn được vay thêm vốn để mở rộng đầu tư. Song các quy định về thế chấp đã làm cho không ít trang trại khó tiếp cận vốn.

Ông Phạm Ngọc Thạch – thôn Vân Bòng, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho rằng, phía chính quyền cần tạo điều kiện để chủ trang trại thuê được đất trong thời gian dài và phía ngân hàng thì cho vay với số vốn nhiều để có thể đầu tư trên quy mô lớn.

Cũng theo ông Thạch, việc định giá tài sản thế chấp của ngân hàng chưa sát thị trường. Không chỉ có ông Thạch, nhiều trang trại khác kiến nghị ngân hàng cần định giá cả tài sản lưu động của trang trại nữa chứ mỗi tài sản cố định làm căn cứ thì việc tiếp cận nguồn vốn vay rất hạn hẹp.

Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo các chi nhánh Agribank rất trăn trở. Theo ông Bùi Cao Thời thì hiện dư nợ vốn vay theo NĐ 41 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn quá thấp so với nhu cầu vốn của nông dân. Cụ thể, đến nay, dư nợ theo chính sách này chỉ mới đạt 2.368 tỷ trên tổng số dư nợ 9.280 tỷ đồng.

Điều mà chúng tôi ghi nhận được ở hầu hết lãnh đạo chi nhánh Agribank từ cấp 2 đến cấp 3 đều có chung một cảm nhận đó là người dân chẳng bao giờ quỵt ngân hàng. Trái lại, họ rất có trách nhiệm với đồng vốn vay của mình.

Ông Bùi Cao Thời tâm sự rằng: “Lý do này rất dễ hiểu, bởi lẽ, người dân họ có lòng tự trọng cao lắm. Cao hơn cả người thành thị. Người thành thị ở góp, ai biết nhà đấy. Trong khi ở nông thôn, người dân gắn kết văn hóa làng xã, anh em, họ hàng, làng trên xóm dưới ai cũng biết nhau cả. Tôi đảm bảo, trách nhiệm đó cao hơn cả những khu vực cho vay khác”. (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất