| Hotline: 0983.970.780

Khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước

Thứ Tư 08/01/2014 , 17:46 (GMT+7)

Bị cáo Dương Tự Trọng bị tuyên án phạt 18 năm tù. Nói lời cuối cùng, ông Trọng "xin chấp hành nghiêm túc bản án", đồng thời xin giảm nhẹ án cho 6 đồng phạm.

Sáng 8/1, tranh tụng với đại diện VKSND duy trì quyền công tố tại tòa, các luật sư: Nguyễn Đình Hưng, Vũ Thị Kim Ngọc (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Dương Tự Trọng), Đặng Việt Hùng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vũ Tiến Sơn) đều cho rằng cáo trạng của VKSNDTC quy kết hành vi đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài của Trọng và Sơn “Đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức. Dương Tự Trọng là chủ mưu, cầm đầu, Vũ Tiến Sơn là người thứ hai, trực tiếp chỉ huy, phân công công việc cho 5 bị cáo còn lại”; hành vi đó đã “xâm hại đến trật tự xuất nhập cảnh, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc điều tra vụ án xảy ra ở Vinalines”…; để từ đó truy tố thân chủ của họ theo khoản 3 điều 275 BLHS, là không thỏa đáng, thiếu căn cứ.

>> Đề nghị khởi tố vụ ''mật báo'' cho Dương Chí Dũng
>> Dương Chí Dũng tiết lộ người báo tin khởi tố


Ông Dương Tự Trọng bị dẫn giải sau phiên tòa. Ảnh: Quý Đoàn/VnExpress

Bởi theo quy định của pháp luật thì “Tổ chức” chỉ là hành vi cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài” chứ không phải là tình tiết định khung.

Và điều 275 BLHS cũng không có quy định nào hướng dẫn cụ thể: Thế nào là nghiêm trọng? Thế nào là đặc biệt nghiêm trọng?

Hành vi của các bị cáo không gây hậu quả vật chất, cũng không làm cản trở đến quá trình điều tra vụ án Vinalines. Hơn nữa Vũ Tiến Sơn đã nhận thức được hành vi sai trái của mình nên đã khai báo rất thành khẩn tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa. Bản thân Sơn là người có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành và của UBND TP Hải Phòng, nhưng vẫn bị VKSND đề nghị ở mức án gần kịch khung (17-18 năm tù) của khoản 3 điều 275 BLHS, là không thỏa đáng.

Theo các luật sư trên, hành vi của cả 2 bị cáo Trọng và Sơn cũng chỉ đáng truy tố theo khoản 1 điều 275 BLHS như các bị cáo khác là hợp lý.

Cũng tại phiên tòa chiều qua, Dương Chí Dũng vẫn khẳng định mình đã nhận được thông tin từ "ông anh lớn" mật báo sẽ bị khởi tố nên tạm lánh đi một thời gian. Xét lời khai của Dương Chí Dũng và các bị cáo, HĐXX quyết định khởi tố vụ án làm lộ thông tin để Dương Chí Dũng chạy trốn và yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ những lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa.

Hai luật sư Trần Thiện Thuật, Nguyễn Thái Hòa, bảo vệ cho Phạm Minh Tuấn, cho rằng thân chủ của họ không phạm tội.

Là bạn thân nhất của Dương Tự Trọng từ ngày còn học Đại hoạc Bách khoa với nhau, nên khi được Trọng nhờ cùng với Hoàng Văn Thắng lên Hà Nội đón Dương Chí Dũng từ nhà Hoàng Thị Nhung đi Quảng Ninh vào chiều ngày 17/5/2012, Tuấn coi đó là một việc rất bình thường bạn bè vẫn nhờ nhau mà không hề biết Dũng phạm tội, phải đi trốn (sự thực thì vào ngày đó chỉ có “ông anh lớn” là một thứ trưởng Bộ Công an và Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng biết), nên cứ vô tư đi.

Sau đó rất lâu, qua các phương tiện truyền thông, Tuấn mới biết Dương Chí Dũng có lệnh truy nã.

Và Tuấn cũng chỉ làm duy nhất một việc đó. Vì vậy không thể coi Tuấn là đồng phạm, với vai trò giúp sức cho Dương Tự Trọng trong việc tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài…

Do không mời luật sư nên các bị cáo Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong tự mình tranh tụng vối đại diện VKSND.

Cả 4 đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng của VKSNDTC, tuy nhiên họ chỉ không nhất trí một điểm: Tuy cáo trạng đã ghi nhận sự khai báo thành khẩn của họ, đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt với họ. Nhưng trong mức án, VKSNDTC lại đề nghị HĐXX tuyên họ kịch khung hình phạt quy định tại khoản 1 điều 275 BLHS (6 - 7 năm tù), điều đó là mâu thuẫn.

Đáp lại những luận điểm trên của các luật sư, đại diện VKSND cho rằng hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài của các bị cáo đã hoàn thành, và đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, không còn gì phải bàn cãi. Việc Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia về quy án là ngoài ý muốn của các bị cáo, nên căn cứ vào hành vi và vai trò của từng bị cáo, việc VKSNDTC áp dụng khoản 3 điều 275 BLHS để truy tố đối với Trọng, Sơn, khoản 1 điều 275 BLHS với 5 bị cáo còn lại, cũng như mức án đề nghị đối với từng bị cáo là hoàn toàn có căn cứ.

Được nói lời cuối cùng trước khi HĐXX nghị án, Dương Tự Trọng nói: “Phần tôi, tôi xin chấp hành nghiêm túc bản án. Xin HĐXX cân nhắc khi lượng hình, dành cho 6 người còn lại một bản án khách quan, công bằng và hợp tình hợp lý nhất”.

6 bị cáo còn lại đều có chung tiếng nói: Xin được hưởng lượng khoan hồng bằng một hình phạt nhẹ nhất để sớm trở về với cộng đồng.


Ông Dương Tự Trọng vẫy chào mọi người trước khi lên xe thùng sau phiên tuyên án. Ảnh: Quý Đoàn/VnExpress

Vào lúc 15h20 ngày 8/1, phiên tòa tuyên án bắt đầu.

Thẩm phán chủ tọa Trương Việt Toàn tóm tắt lại nội dung vụ án và lời khai bị cáo.

Sau đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng 5 năm tù; Đồng Xuân Phong 7 năm tù; Trần Văn Dũng 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn 5 năm tù.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất