| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 15/06/2017 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 15/06/2017

Khởi tố vụ Đồng Tâm - nhìn nhận dưới góc độ pháp lý

Việc Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố này là đúng hay sai với nguyên tắc pháp lý ở Việt Nam? Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ...

Công an TP Hà Nội ngày 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4/2017, về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

16-31-46_19_cn_bo_chien_si_duoc_th_su_cuoc_doi_thoi
Các cán bộ, chiến sĩ ra về sau cuộc đối thoại

Việc Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố này là đúng hay sai với nguyên tắc pháp lý ở Việt Nam? Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ: "Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự và áp dụng các biện pháp do bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội".

Theo quy định này, cơ quan điều tra có chức năng khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, với sự kiện pháp lý ở Đồng Tâm xảy ra ngày 15/4, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố  là không sai. Trình tự tiếp theo, ngay từ khi bắt đầu khởi tố vụ án, thì cơ quan điều tra lập ra hồ sơ vụ án hình sự (điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự); khi kết thúc điều tra thì hồ sơ đó được chuyển sang Viện Kiểm sát để quyết định truy tố (nếu phát hiện tội phạm và người phạm tội); từ khi có quyết định truy tố của Viện Kiểm sát thì hồ sơ đó được chuyển đến tòa án để xét xử.

Do đó, có thể khẳng định, khởi tố vụ án là việc hết sức bình thường trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra. Việc khởi tố vụ án còn là bước cần thiết để phân định được đúng sai của các bên, đúng sai ở mức độ nào? Có căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình, và người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Còn một vấn đề dư luận hiện đang băn khoăn là về tình tiết trong bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm, có nội dung Chủ tịch hứa “không truy tố”. Thì có thể nhìn nhận việc đó như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, cam kết đó là giải pháp tình huống, mà ông Quốc hiểu tình huống như vậy “theo cách nói đơn giản là để “tháo ngòi nổ” cho sự việc dịu đi”. Cần nhắc lại là trong tâm thư của bà con Đồng Tâm, bà con đã nhận lỗi với những gì đã làm sai (bắt giữ một số người làm công vụ, hiện tượng đập phá tài sản) và mong muốn là không truy cứu hình sự.

Việc xem xét các vấn đề trên bình diện pháp lý là cần thiết, và cần phải có sự công bằng để bảo đảm quyền, trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân.

Điều mong mỏi của dư luận chính là những trình tự thủ tục tố tụng hình sự về vụ việc này sẽ được diễn ra đúng pháp luật, các vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo cả về nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra vụ việc. Vì theo điều 10 của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, là phải "xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”, trong đó có trách nhiệm “làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo". Như thế mới đúng là “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Bình luận mới nhất