| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì ngân hàng "bế" cửa

Thứ Sáu 15/06/2012 , 11:21 (GMT+7)

Hàng ngàn người nuôi tôm ở Trà Vinh đang khốn đốn khi các ngân hàng đồng loạt “bế” cửa, hạn chế tối đa việc cho người nuôi tôm vay tiền để tái sản xuất.

Người nuôi tôm khốn đốn
Hàng ngàn người nuôi tôm ở Trà Vinh đang khốn đốn khi các ngân hàng đồng loạt “bế” cửa, hạn chế tối đa việc cho người nuôi tôm vay tiền để tái sản xuất.

>> Nuôi trồng thủy sản: Chật vật vay vốn

Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch hội nông dân xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) nói: Người nuôi tôm ở Hiệp Thạnh đang phẫn nộ trước sự quay lưng 180 độ của các ngân hàng đóng trên địa bàn huyện. Người nuôi tôm đang rất cần vốn để tái sản xuất nhưng chạy gõ cửa các ngân hàng đóng trên địa bàn thì không nơi nào mặn mà tiếp xúc.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp huyện Duyên Hải trả lời rằng: “Tôm nuôi từ 2 tháng tuổi trở lên thì ngân hàng cho vay, còn dưới 2 tháng tuổi và không có tôm dưới ao không giải quyết”. Người nuôi tôm đã cạn vốn, đang rất cần tiền để tái sản xuất nhưng với tiêu chuẩn ngân hàng thì cả xã Hiệp Thạnh chẳng người nuôi tôm nào được vay vì tôm đã chết sạch. Mặt khác, người dân Hiệp Thạnh đang sống dở chết dở với lời hứa của bà giám đốc ngân hàng nông nghiệp huyện khi tiếp xúc cử tri hồi đầu năm 2012. Lúc đó bà hứa sẽ cho người nuôi tôm vay 100% vốn đầu tư sản xuất theo nhu cầu trên từng nông hộ. Người dân nghe bà giám đốc hứa ngon quá nên ùn ùn mượn tiền đào ao, mua trang thiết bị nuôi tôm. Dân nghe được lời hứa, từ hơn 150 ha nuôi tôm công nghiệp năm 2011 đã tăng lên hơn gấp đôi năm 2012. Sự việc tưởng như xuôi chèo mát mái đùng cái tôm bệnh chết sạch thế là ngân hàng cắt ngang không phát vay cho nông dân mặc dù hồ sơ đã làm hoàn tất chất đống tại ngân hàng.

Ông Phan Văn Cuộc, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp số 1, với 21 tổ viên ở ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, nói: Tôi đã trực tiếp gặp giám đốc ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Duyên Hải để xin vay vốn cho tổ viên thì được giám đốc ngân hàng trả lời: “Chủ trương có nhưng ngân hàng chúng tôi phải thủ, nếu đầu tư cho dân nuôi tôm tiếp tục thất bại làm sao ngân hàng thu hồi được vốn”. Câu trả lời của ông giám đốc ngân hàng như hắt thau nước lạnh vào mặt người nuôi tôm. Trong khi đó, năm trước tôm nuôi được 4 tháng tuổi là ngân hàng MHB cử cán bộ đến từng nhà vận động bà con gửi tiền vào ngân hàng. Tới ngày thu hoạch tôm, ngân hàng đánh xe xuống đậu tại nhà ông Tổ trưởng để nhận tiền gửi của bà con trong tổ hợp tác với số tiền 12 tỷ đồng; còn ngân hàng nông nghiệp bà con cũng gửi khoảng 6 tỷ. Vậy mà năm nay khi người nuôi tôm gặp nạn thì ngân hàng quay lưng 180 độ. Cay đắng nhất là đối với những hộ đã từng gửi tiền, nay rút ra hết tiền gửi, xin vay vốn mới ngân hàng không giải quyết. Thấy tổ viên cần vốn ông Cuộc tiếp tục đại diện bà con đến chi nhánh ngân hàng ở xã Long Hữu, huyện Duyên Hải giao dịch vay vốn, thấy vị giám đốc ngân hàng này không thèm ngó thế là ông Cuộc rút 1,3 tỷ tiền gửi vụ tôm năm trước giúp bà con.

Ông Lê Văn Nghệ, Phó bí thư Chi bộ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, nói: Ngân hàng không mở cửa cho dân vay tiền người nuôi tôm sẽ rất khốn khổ. Nhiều hộ mới đào ao thả tôm nuôi bị thất bại ôm nợ trăm triệu bạc đã phải kêu bán ao với giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/1.000 m2 nhưng chẳng ai để mắt.

Đến thời điểm này tổng diện tích tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hơn 9.000 ha. Ước tính thiệt hại lên đến 1.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng hạn chế đầu tư. UBND tỉnh, Tỉnh ủy cũng đã can thiệp trực tiếp nhưng không thể được. Chúng tôi nêu vấn đề này với lãnh đạo một vài ngân hàng cấp huyện thì nhận được câu trả lời: “Ngân hàng làm theo nguyên tắc”.

Ông Nghệ, đại diện hàng ngàn hộ nuôi tôm ở huyện Duyên Hải, Trà Vinh kêu cứu: “Người nuôi tôm rất mong các Bộ ngành có hướng giúp dân trong việc vay vốn để tái sản xuất. Nếu dân không vay được vốn thì tất cả ao tôm sẽ bỏ hoang, kinh tế nông hộ không phát triển rất khó cho địa phương xây dựng NTM. Thực tế đang vướng: Địa phương đang vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa nhưng khi triển khai ra dân thì quá khó thực hiện. Tôm chết hết tiền mua gạo có đâu mà đóng góp. Phải chi ngân hàng cho dân vay vốn lúc này”.

Ở xã Mỹ Long Nam, Cầu Ngang, Trà Vinh lại càng thêm lo khi đây là xã NTM thí điểm của Trung ương. Thu nhập của từng nông hộ ở xã này đều phụ thuộc vào nghề nuôi tôm sú. Và nếu như ngân hàng không mở cửa cho dân vay vốn để tái sản xuất thì chỉ tiêu thu nhập có nguy cơ chựng lại.

Ông Nguyễn Văn Hận, ở ấp 3, xã Mỹ Long Nam, cho biết: 5 trong số 7 ao tôm thả nuôi đã bị thiệt hại 100%. Vốn đã cạn, ngân hàng lại ngại đầu tư do họ thấy tôm chết. Người dân rất cần ngân hàng cho vay để tái sản xuất vụ 2. Nếu ngân hàng không mở cửa cho vay tiếp thì nông dân rất khó khăn.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.