| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì ngập mặn

Thứ Sáu 27/12/2013 , 10:20 (GMT+7)

Nông dân làm đất gieo sạ lúa ĐX 2013 - 2014 ở huyện Tuy An (Phú Yên) khốn đốn vì nước mặn lênh láng kéo dài.

Nông dân làm đất gieo sạ lúa ĐX 2013 - 2014 ở huyện Tuy An (Phú Yên) khốn đốn vì nước mặn lênh láng kéo dài. Bà Trần Thị Thu ở thôn Phú Tân 1 (xã An Cư) than vãn: “Ruộng của tôi nằm giữa cánh đồng, mấy năm trước nước mặn chỉ ngập 3 ngày là rút, năm nay ngâm lâu quá gần tuần rồi”.

Khu vực này năm nào nước mặn cũng tràn vào gây chết lúa, nông dân phả sạ đi sạ lại. Bà Nguyễn Thị Thúy ra thăm đồng xót xa: “Đợt triều cường xâm thực lần này khó mà nước mặn rút hết trong đồng. Theo đà con nước này thì sau Tết Nguyên đán mới sạ được. Năm nào cũng vậy, sau Tết khi sạ xong thì nước mặn tiếp tục uy hiếp”.

Vụ ĐX năm ngoái, bà Thúy vừa sạ xong bưng thúng về nhà thì triều cường xâm thực, nước mặn lênh láng từ đồng Cổ Cò xuống cống Gò Bùn, lúa sạ vừa ra mầm non ngoi ngóp giữa cánh đồng nước mặn mấy ngày liền nên bị thối.


Nước mặn chảy ngược lên đổ về các cống tràn vào cánh đồng xã An Cư (huyện Tuy An)

Không riêng bà Thu mà nhiều hộ làm ruộng ở đây phải đối mặt với tình trạng ngập mặn nhiều năm liền. Để đối phó, nông dân chỉ biết sạ dày để trừ hao khi bị ngập mặn lúa chết, đồng thời bơm nước ngọt cứu lúa. Tuy nhiên, có những đợt mặn ngập kéo dài, khi nước rút, nước ngọt trong kênh “đứt” nên không kịp thời rửa mặn, lúa trong ruộng còn thưa thớt phải tốn công cấy dặm.

Nhiều người dân cho biết, năm nào ruộng ở đây cũng sạ đi, sạ lại nhiều lần vì bị nhiễm mặn. Mỗi lần sạ chi phí gần 150.000 đồng/sào tiền cày, bừa... sạ quá thời vụ thì năng suất lúa không cao.

Vụ ĐX năm nay, tình trạng xâm nhập mặn ở xã An Cư càng lấn sâu hơn. Nguyên nhân do tuyến bao ngăn mặn sau mỗi đợt lũ lụt bị bào mòn thấp dần nên nước mặn tràn bờ. Hơn nữa, năm nay cống cầu Long Phú đang thi công dang dở, một số lượng đất đá ngăn dưới chân cầu, khi nước mặn tràn lên khu vực phía thượng lưu của đầm Ô Loan và xâm thực sâu vào đất SX với tốc độ nhanh, thế nhưng khi rút khó thoát nước hết được.

Trước thực trạng trên, Phòng NN-PTNT huyện Tuy An đã làm việc với UBND xã An Cư tìm giải pháp gieo sạ cho kịp thời vụ. Theo kế hoạch, sau khi kết thúc đợt triều cường này (dự kiến đầu tháng 1/2014) nước mặn trong ruộng rút bớt một phần, tiến hành đặt máy bơm hút để nông dân sạ lúa.

Ông Cáo Văn Tiến, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, với tình hình thời tiết như hiện nay khả năng đến cuối tháng 1, nông dân mới gieo sạ xong. Tuy nhiên còn đề phòng đó là đợt triều cường cuối tháng Chạp vì thế phải có phương án đối phó, tránh tình trạng sạ quá muộn làm giảm năng suất.

“Về lâu dài sẽ chuyển diện tích vùng ngập mặn nặng của xã An Cư sang trồng cói đan chiếu. Khu vực ruộng xung quanh đầu tư nâng cấp các bờ bao đảm bảo việc ngăn mặn, ổn định các vùng SX nông nghiệp”, ông Tiến nói.

Nông dân xã An Hòa (Tuy An) năm nào cũng vật lộn với ruộng nhiễm mặn. Xã đã đào các kênh chứa nước mặn rộng và sâu nhưng đến thời điểm từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, gió mùa đông bắc thổi mạnh, triều cường xâm thực nên các kênh hết sức chứa, nước mặn tràn bờ vào ruộng lúa.

Ông Trần Lượm ở thôn Tân An (An Hòa) cho biết: “Có năm lúa mới 10 - 20 ngày tuổi, nước mặn tràn vào khiến cây ngã rạp. Sau khi nước rút, nông dân đồng loạt đặt máy bơm bơm nước ngọt từ các kênh vào để phóng phèn, đồng thời phun thuốc dưỡng, tuy nhiên lúa không chịu nổi độ mặn cao cứ lụn dần, phải sạ lại”.

Bên cạnh các kênh mương ngăn mặn, nông dân đào các ao to nằm rải rác trên cánh đồng chứa nước ngọt từ hồ chứa Bà Mẫu dẫn về để chủ động rửa mặn. Song các cánh đồng lúa nằm cuối kênh, nước dẫn về đến nơi thì lưu lượng trong kênh giảm nên tổ thủy nông phải lên lịch bơm nước theo ban (lô). Cũng chính vì vậy, công tác rửa mặn gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh có gần 600 ha đất lúa bị nhiễm mặn, trong đó huyện Tuy An 300 ha. Năng suất lúa ở vùng này chỉ đạt 30 - 50 tạ/ha, nơi ảnh hưởng nặng chỉ đạt 10 - 20 tạ/ha, có nơi mất trắng. Chi phí SX lúa ở vùng này tăng cao do triều cường ngập lúc đầu vụ nên phải sạ lại 2 - 3 lần.

Từ năm 2012 đến nay, Chi cục BVTV Phú Yên phối hợp với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và Trường ĐH Nông lâm Huế triển khai khảo nghiệm 20 giống trong bộ giống lúa chịu mặn từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao.

Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của chuyên gia, 6 giống có khả năng chịu được mặn, phát triển tốt cho năng suất cao. Tuy nhiên phải tiếp tục khảo nghiệm 2 - 3 vụ nữa mới thanh lọc ra giống thích ứng chịu mặn đưa vào SX.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.