| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì thiếu nước

Thứ Tư 15/04/2015 , 10:29 (GMT+7)

Khi những ao hồ dự trữ nước ngọt đã cạn kiệt thì những giếng khoan được người dân đầu tư theo quy mô công nghiệp là cứu cánh cuối cùng để tưới.

Tỉnh Long An đang trong những ngày cao điểm hạn hán, mực nước ngầm và các nguồn nước dự trữ trên các sông Trị Yên, Mồng Gà, Ông Hiếu... tại huyện Cần Giuộc ở mức báo động. Nước ngọt cho cây trồng và sinh hoạt của người dân trở nên bức thiết.

Gián đoạn sản xuất

Theo ông Bùi Hữu Dũng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Giuộc, từ đầu năm đến nay, do thiếu nước tưới, diện tích cây trồng của huyện đã giảm từ 1.700 ha xuống còn 1.300 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên tục mấy tháng qua, trên địa bàn huyện Cần Giuộc diễn ra nắng nóng cục bộ. Cùng với đó là việc Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện đang tiến hành đóng cống ngăn mặn, không có nguồn nước bổ sung, đã khiến cho hệ thống nước ngầm và lượng nước dự trữ trên các sông trở nên cạn kiệt.

Hàng trăm hộ nông dân trồng dưa gang, rau ăn lá ở các xã Phước Hậu, Phước Lý, Mỹ Lộc - vùng thượng của huyện đang tất bật bơm nước chống hạn cho cây trồng.

Khi những ao hồ dự trữ nước ngọt đã cạn kiệt thì những giếng khoan được người dân đầu tư theo quy mô công nghiệp là cứu cánh cuối cùng để tưới.

Anh Kiều Công Vụ, ngụ xã Mỹ Lộc có hơn 4.000 m2 trồng dưa gang đang trong thời kỳ ra hoa đậu trái, cần có tưới nước. Tuy nhiên, lượng nước ngọt dự trữ trong ao tự đào rộng hơn 50 m2 của anh đã cạn trơ đáy.

 Để cứu ruộng dưa qua đợt hạn hán này, anh Vụ phải bỏ thêm chi phí thuê đường ống, bơm nước từ các giếng khoan công nghiệp của người dân với giá 20.000 đồng/giờ bơm.

“Phải đến hơn 1 tháng nữa mùa mưa mới bắt đầu, mọi hoạt động SX nông nghiệp của người dân chúng tôi giờ chỉ còn trông chờ vào nguồn nước ngầm được bơm lên từ các giếng khoan”, anh Vụ lo ngại.

16-11-05_nh-1-hn
Trạm Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi huyện Cần Giuộc đóng cống ngăn mặn từ nhiều tháng nay

Cùng chung nỗi lo trên, hàng trăm hộ nông dân SX rau ăn lá ở xã Phước Hậu cũng hết sức lo lắng về tình trạng thiếu nước SX thời gian qua.

Toàn xã Phước Hậu có hơn 300 ha chuyên canh trồng các loại rau ăn lá, nhu cầu sử dụng nước ngọt của bà con để tưới là rất lớn. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, hiện tại nguồn nước ngọt dự trữ trên các kênh, ao hồ chứa nước dự trữ trong xã cũng đã cạn.

Để tiết kiệm nguồn nước tưới, gia đình anh Nguyễn Văn Năm (ấp Trong, xã Phước Hậu) chọn giải pháp đầu tư hệ thống tưới phun sương, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hơn 3.000 m2 trồng rau thơm.

Đây là giải pháp hữu hiệu giúp gia đình anh vượt qua được đợt hạn hán kéo dài.

Dân sinh cũng khốn khổ

Tình trạng suy kiệt nguồn nước ngọt không chỉ làm gián đoạn hoạt động SX nông nghiệp của người dân các xã vùng thượng của huyện Cần Giuộc, mà còn làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân sinh sống ở các xã vùng hạ trong huyện.

Từ hơn 2 tháng nay, gia đình chị Trần Thị Tuyết , ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây cứ đều đặn mỗi tuần lại đi chở từ 2 - 3 chuyến nước ngọt mua từ các xã vùng thượng đưa về để sinh hoạt.

Mỗi chuyến đi như vậy chồng chị Tuyết chở được 2 m3 nước, mua với giá 20.000 đồng/m3. Với số nước ngọt ít ỏi này, 8 thành viên trong gia đình chị Tuyết phải sử dụng hết sức tiết kiệm, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn uống, còn tắm giặt phải sử dụng nguồn nước giếng đã bị nhiễm mặn.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp 2, do nằm sâu trong vùng nuôi tôm nên điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Do đó, cứ ngày hai buổi sáng và chiều lúc đưa đón con đi học là anh Hùng tranh thủ mua nước ngọt về tích trữ.

 “Nắng nóng nên tụi nhỏ cũng có nhu cầu tắm giặt nhiều hơn, cứ đưa đón con đi học là tôi lại mua nước chở về tích trữ, ưu tiên cho tụi nhỏ, còn mình thì sử dụng dè dặt thôi”, anh Hùng nói.

Ông Nguyễn Tấn Hoàng, Phó trưởng Trạm Quản lý và khai thác công trình thủy lợi huyện Cần Giuộc cho biết, hiện lượng nước trên các tuyến kênh nhánh cấp 1, cấp 2 khu vực nội đồng đều đã cạn không còn nước. 

3 tuyến sông Trị Yên, Mồng Gà, Ông Hiếu còn nước nhưng trung bình mỗi tuần giảm từ 9 - 17 cm. Chất lượng nước cũng chuyển biến xấu, màu vàng đục, độ mặn và độ kiềm liên tục tăng...

Trong những năm gần đây, tình hình khô hạn trên địa bàn huyện Cần Giuộc mỗi năm lại có xu hướng nghiêm trọng hơn. Để giảm thiểu tác động của khô hạn, Trạm Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi đã tiến hành nhiều giải pháp tạm thời như nạo vét , cải tạo lại hệ thống các tuyến kênh mương nhằm tăng nguồn dự trữ nước ngọt, xử lý, gia cố các tuyến đê bao, ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng.

Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện siết chặt công tác quản lý khai thác hệ thống nước ngầm. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tự ý khoan giếng ngầm, nhất là các giếng khoan theo hình thức công nghiệp.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.