| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 06/10/2014 , 09:19 (GMT+7)

09:19 - 06/10/2014

Không ân hận sau khi xử án oan?

Bị can Phạm Tuấn Chiêm nói với báo chí: “Tôi không ân hận. Vì công an đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tôi đã tuyên án đúng pháp luật, căn cứ vào hồ sơ vụ án”.

Việc Cơ quan Điều tra VKSNDTC tống đạt quyết định khởi tố bị can để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 285 BLHS, đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949), nguyên thẩm phán TANDTC, đã gây “sốc” trong dư luận xã hội, bởi hai lẽ.

- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một thẩm phán ở cấp tòa cao nhất bị khởi tố vì đã gây oan cho người vô tội. Trước đó, họ thường chỉ bị khiển trách, cùng lắm là bị chậm tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán.

- Việc hồi tố này thể hiện quyết tâm rất cao của Nhà nước ta trong lĩnh vực cải cách tư pháp. Không cho phép những kẻ đã “hạ cánh an toàn” lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố, vì ngày 27/7/2004, khi làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn, bị VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố về hành vi “giết người”, trong vụ án “Giết người” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, đã “Không kiểm tra đánh giá tài liệu, chứng cứ theo nguyên tắc đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Sử dụng các chứng cứ thu thập trái quy định của pháp luật để kết tội oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn bằng mức án tù chung thân”.

Nhưng, xã hội còn bị “sốc” hơn trước những lời tuyên bố của bị can Phạm Tuấn Chiêm với báo chí: “Tôi không ân hận. Vì công an đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tôi đã tuyên án đúng pháp luật, căn cứ vào hồ sơ vụ án”.

Lời tuyên bố này đã làm bộc lộ những sơ hở chết người trong hệ thống tố tụng của ngành tư pháp.

Cáo trạng của VKSND các cấp bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Theo kết quả điều tra, đã xác định được…”. Và tiếp theo là “bê” nguyên xi kết luận điều tra (KLĐT) của cơ quan CSĐT vào, mà không xem xét, đánh giá KLĐT đó đúng hay sai, có đủ căn cứ để truy tố bị can hay không?

Tóm lại là KLĐT bảo bị can phạm tội gì thì cáo trạng truy tố theo tội ấy. Làm như vậy, quý Viện rất “nhàn”, không cần động não nhiều. Nhưng chức năng kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hoàn toàn bị bỏ qua. Bị can đã trở thành tội phạm ngay từ KLĐT.

Còn hội đồng xét xử (HĐXX) cũng không hơn gì. Cũng không dành nhiều thời gian cho việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu. Đấy nhá, hồ sơ vụ án thế nào thì tôi kết tội như thế. Kết tội “đúng pháp luật”.

Còn kêu oan, kêu bị dùng nhục hình để bức cung ư? Diễn biến của tâm lý tội phạm ấy mà.

Tôi đã kết tội anh “đúng pháp luật”. Nhiều năm sau mới phát hiện anh bị oan, là do… công an. Công an đưa ra cái gì thì tôi kết tội anh cái đó. Tôi chẳng có gì phải ân hận cả.

Thế thì vai trò của tòa án, với tư cách là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong hoạt động tố tụng, là cơ quan cuối cùng đưa ra phán quyết, cho bị cáo sống được sống, bắt bị cáo chết phải chết, ở đâu?

Dư luận hoan nghênh việc Cơ quan Điều tra của VKSNDTC khởi tố bị can đối với Phạm Tuấn Chiêm.

Nhưng còn hành vi gây oan ở nhiều vụ án khác, như vụ Lương Ngọc Phi ở Thái Bình chẳng hạn. Ngay sau khi kết án oan cho ông Phi, ngài thẩm phán của TAND tỉnh Thái Bình đã “nhảy tót” lên làm thẩm phán của TANDTC.

Hay vụ án oan Nguyễn Thị Hiên cũng ở Thái Bình. Sau khi kết tội oan cho chị Hiên, ngài thẩm phán đã được lên chức chánh án, thì sao?

Bình luận mới nhất