| Hotline: 0983.970.780

“Không bán đất tôi đố làm được nông thôn mới”

Thứ Tư 28/07/2010 , 14:30 (GMT+7)

Lãnh đạo các xã của Hà Nội đã thách đố như vậy. Thậm chí họ còn nói, ngay cả huyện không bán đất thì cũng chả lấy đâu ra tiền xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo các xã của Hà Nội đã thách đố như vậy. Thậm chí họ còn nói, ngay cả huyện không bán đất thì cũng chả lấy đâu ra tiền xây dựng NTM. 

>> Bán đất xây dựng nông thôn mới: Nên hay không?

"Huyện cũng phải bán đất thôi"!

Theo quyết định của UBND TP, ngân sách xã Song Phượng, huyện Đan Phượng sẽ phải bỏ ra 61,3 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với ngân sách TP bỏ ra 20,6 tỉ đồng và cao hơn 11 tỉ đồng so với ngân sách huyện bỏ ra trong tổng số gần 300 tỉ đồng để xây dựng xã NTM Song Phượng. Xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn cũng phải bỏ ra trên 40 tỉ đồng trong tổng số 253 tỉ đồng xây dựng xã NTM Mai Đình. Xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, theo dự tính của lãnh đạo xã này cũng phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng xã NTM Nhị Khê.

Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Nhị Khê Phạm Đức Sinh bảo: “1 năm chi thường xuyên xã tôi gói gọn trong khảng 2 tỉ đồng. Ngân sách xã chỉ thu được 300 triệu đồng từ tiền cho đấu thầu đầm, ao, còn lại nhà nước vẫn phải cấp khoảng 1,7 tỉ đồng. Nguồn thu có thế, mà bây giờ xây dựng NTM theo kế hoạch giao trong 2 năm thì bói đâu ra số tiền vài chục tỉ đồng? Không bán đất thì chịu. Huyện cũng phải bán đất thôi, không lấy đâu ra tiền?”.

Ông Sinh cũng cho rằng, không chỉ đấu giá đất lo số tiền xã phải bỏ ra mà xã còn phải “kiếm” thêm tiền giúp dân phần nào. Theo ông Sinh thì việc huy động dân đóng góp vài chục tỉ đồng là không tưởng, dân nghèo thế đào đâu ra. “Dân bảo, đường thôn, xóm thì em làm xong rồi, khi làm nhà em cũng đã đóng góp rồi. Đường xã, các bác làm thì em đi. Nước sạch các bác kéo về thì em dùng. Việc thu đóng góp của dân là không khả thi. Trước đây chúng tôi đã dính rồi. Và phải đấu giá đất thì mới có tiền góp với huyện, tỉnh để làm trụ sở, trường học, trạm xá. Chỉ có bán đất thôi, ngoài ra chả có cách nào khác”. Ông Sinh đổ hết gánh nặng vào quỹ đất.  

Không hiểu sao, trao đổi với chúng tôi, từ những xã được thí điểm xây dựng NTM đến những xã đang làm đề án lãnh đạo từ thôn đến xã đều cho rằng, xây dựng NTM mà không bán đất thì không thể làm được. “Một sự thật đã chứng minh từ nhiều năm nay là cơ sở hạ tầng của thôn xóm được xây dựng lên không phải chỉ có tiền nhà nước, tiền dân đóng góp mà có tiền bán đất nữa chứ. Chỉ có điều, trước đây chúng ta bán đất ít một, khó bán do chưa có cơ chế rõ ràng. Vì thế bán được tí nào thì xây tí ấy. Nay xây dựng xã NTM, thời gian gấp gáp, không bán ngay diện tích đất lớn thì tiền đâu ra mà làm?”- một cán bộ xã nói toạc ra.

Chủ tịch UBND xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn Lê Đăng Minh tuyên bố thẳng: “Ngay cả huyện Sóc Sơn này, nguồn thu chả đáng mấy, lấy đâu ra nhiều tiền cho mấy chục xã xây dựng NTM. Ngay cả huyện cũng phải bán đất thôi. Còn bảo nhân dân đóng góp, nông dân bây giờ thu nhập có gì đâu, đủ ăn, lo cho con cái học hành ốm đau là vất lắm rồi. Còn nếu bảo họ góp công, họ có thể góp. Nhưng việc gì sử dụng sức lao động thì đội quân đấu thầu bao hết sạch. Xã có được chọn người để thi công đâu. Nên hi vọng dân đóng góp được khoảng 20 tỉ/trên 40 tỉ là tốt lắm rồi. Còn lại phải bán đất mà đập vào thôi”. 

Phù hợp với Luật Ngân sách

Tại QĐ 3489, ngày 15/7/2010 do PCT UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng ký về việc xây dựng NTM ở xã Mai Đình, Sóc Sơn khẳng định: Đối với đấu giá quyền sử dụng đất quy mô 5.000m2 trở lên được điều tiết để lại ngân sách xã 80%. Đối với việc xử lý đất xen kẹt, đất giãn dân, đền bù quỹ đất công và xử lý tồn tại và cấp Giấy CNQSDĐ để lại cho xã 100%.

Tuy nhiên, trao đổi với NNVN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho rằng, cơ chế bán đất đã có trong quy định rồi; vấn đề xử lý đất xen kẹt cũng đã có quy định từ trước, chứ không phải nay xây dựng NTM mới có. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu phải làm cho đúng quy trình, từ việc kiểm tra, rà soát xem đất đó có đúng là đất xen kẹt không, sau đó lập hồ sơ, quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung, rồi hoàn thiện hồ sơ trình Sở TN-MT, UBND TP quyết định. Thực hiện cơ chế này tiền sẽ được thu về một mối rồi phân phối cho các xã.

Khi được hỏi việc bán đất được coi là cơ chế đặc thù cho xây dựng NTM này có trái với các quy định của pháp luật không, Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng nói: Xây dựng cơ chế đặc thù là phải trên cơ sở luật quy định. Nếu những cái nào chưa có luật quy định thì phải có cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng thí điểm mới làm được chứ. Ông Hùng cũng khẳng định: Việc giao trực tiếp cho xã đấu giá, tự cầm tiền là không có. Phải làm theo quy định và được cấp có thẩm quyền cho phép. Tổ chức đấu giá phải theo quy trình, phù hợp với quy hoạch, diện tích đã được duyệt.

Sợ không tiêu hết tiền ấy chứ

Lãnh đạo các xã của Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này việc lo nhất không phải là lấy tiền ở đâu nữa, tiền nằm ở đất và được dự tính hết rồi, cứ thế mà mang ra đấu giá thu tiền thôi. Vấn đề là bây giờ tiêu làm sao cho hết được, khi mà các xã được giao xây dựng NTM trong một thời gian quá ngắn.

Đối với 3 xã điểm thì chỉ đến 2011 là phải cơ bản hoàn thành. Còn 15 xã thuộc 15 huyện, thị của Hà Nội sẽ làm điểm và cơ bản hoàn thành vào năm 2012. “Tiền thì không lo. TP cho bán đất rồi, bán vài chục ngàn mét thì có vài chục tỉ ngay. Đơn giản lắm. Lo là vì thời gian quá ngắn, sức ép quá lớn, trong khi phải hoàn thành một núi công việc. Thủ tục hành chính mà cứ như thế này thì còn tướt, chả xong được. Mà có tiền rồi tiêu không hết cũng gay” - PCT UBND xã Song Phượng Tạ Quang Tượng nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất