| Hotline: 0983.970.780

Không cầm nổi nước mắt khi tìm về ký ức của cơn bão Linda

Thứ Năm 02/11/2017 , 13:15 (GMT+7)

Cách đây tròn 20 năm, ngày 2/11/1997, cơn bão số 5 hay còn gọi theo tên quốc tế là bão Linda lịch sử, tràn qua các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang của Việt Nam.

Trong đó, xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát lớn nhất, cửa biển trở thành nơi phụ nữ mất chồng, mẹ mất con, con thơ mất cha. Hình ảnh những người đàn bà ở lại ngày đêm ra biển chờ người thân trở về trong tuyệt vọng đã trở nên quen thuộc...

14-58-46_2_lng_bien_khnh_hoi_su_20_nm_con_bo_di_qu_ngu_dn_d_tu_tin_hon_khi_bm_bien
Làng biển Khánh Hội sau 20 năm cơn bão đi qua, ngư dân đã tự tin hơn khi bám biển

Cái tên ấp 7 có một thời được thay thế bằng cụm từ “làng góa phụ”. Vì ở làng biển này sau chuyến đi biển định mệnh 20 năm trước, hàng trăm người chồng, người cha đã không trở về.
 

Ký ức đau lòng

Con đường về làng biển Khánh Hội vốn đã chông chênh khó đi, đường dẫn vào “làng góa phụ” khó đi và chông chênh hơn gấp nhiều lần. Từ TP Cà Mau phải chạy hơn 50km đường xe, chúng tôi mới đến được xã Khánh Hội, huyện U Minh. Theo chỉ dẫn của người dân bản xứ, để vào ấp 7, chúng tôi phải gửi xe tại một điểm giữ xe cách cửa biển khoảng 6km, rồi thuê đò (loại phương tiện để người dân vùng sông nước đi lại trên sông) chở mới vào được.

Chị Trang, chủ phương tiện đò dọc nhận lời đưa đi. Nghe chúng tôi nói muốn đến những gia đình có chồng bị chết trong cơn bão số 5, chị Trang bảo: “Tưởng đi đâu thì khó, chứ mấy anh muốn gặp các chị góa chồng trong ấp này dễ ợt”.

Trên đường vào ấp 7, tôi hỏi đùa chị Trang, chồng đâu mà không đi chạy đò để vợ làm cực vậy? Vừa lái vỏ máy, chị Trang trả lời tỉnh queo: “Ông xã tui là người may mắn thoát chết trong cơn bão năm đó. Sau khi trở về chưa kịp hoàn hồn, ổng nói sẽ nghỉ đi biển vì không muốn xa mẹ con tui. Vậy mà gần một năm sau, ông ấy lại đòi đi vì ở nhà tù túng quá. Tui nhất quyết không cho, ổng nói nếu không cho ổng ra biển thì phải nuôi ổng, tui gật đầu liền. Thế là từ đó, tui chạy đò, còn phần ổng thì lo cơm nước, chăm sóc cho mấy đứa con đi học…”.

14-58-46_3_giong_bo_di_qu_nhung_nhung_nguoi_con_tu_o_lng_bien_khnh_hoi_li_re_song_r_khoi_tiep_buoc_ch_nh_bm_bien_kien_cuong
Giông bão đi qua, những những người con tàu ở làng biển Khánh Hội lại rẽ sóng ra khơi tiếp bước cha anh bám biển kiên cường

Chiếc vỏ máy cũ kỹ đưa chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Mỹ Dung là vợ anh Võ Minh Thành chết trong cơn bão số 5. Nhìn nét mặt khắc khổ, làn da cháy xám của chị tôi hiểu phần nào nỗi cơ cực của những người vợ mất chồng ở làng biển này.

Nhắc lại người chồng xấu số, mắt đỏ hoe, chị kể: Chồng chị là người miền Trung. Cách đây hơn 20 năm, anh Thành vào cửa biển Khánh Hội đi ghe thuê, khi ấy chị mới hơn 20 tuổi cũng làm thuê cho các chủ ghe ở cửa biển. Cuộc sống nghèo khổ của hai mảnh đời khiến chị và anh ngày càng thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Anh chị quyết định về sống chung với nhau, ngày cưới chỉ đơn giản có mâm, vài ba người khách là bạn đi biển của anh đến uống rượu mừng. Sau ngày cưới, anh chị được người dân địa phương cho mượn miếng đất cất nhà để ở. Anh đi biển, chị ở nhà làm thuê, ai thuê đâu làm đó…

Ngày biết vợ có thai, anh Thành chạy qua nhà bà Sáu khoe mình sắp được làm cha. Chiều 22/9/1997, anh Thành cùng vợ cuốc đất đám mạ thuê thì mấy người bạn của anh đến gọi đi biển. “Khi đó tui có linh tính không tốt nên kêu ảnh ở nhà cùng tui cuốc đất được rồi, đừng ra biển. Ảnh nói, cuốc đất không được bao nhiêu, tiền ăn còn không đủ lấy tiền đâu cho tui sinh con. Ảnh còn nói để đi chuyến biển này về, có tiền sẽ mua cái mùng mới để sinh con khỏi muỗi cắn con… Vậy mà!”. Lời chị Dung bặt đi trong tiếng nấc nghẹn.

14-58-46_4_bi_tuong_niem_o_cu_bien_khnh_hoi_dng_duoc_su_chu_de_chun_bi_to_chuc_le_tuong_niem_dong_bo_bi_nn_trong_bo_lind_vo_ngy_211_sp_toi
Bia tưởng niệm ở cửa biển Khánh Hội đang được sửa chữa để chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào bị nạn trong bão Linda vào ngày 2.11 sắp tới

Mấy tháng sau bão, rất nhiều bà con trong xóm đến động viên, an ủi chị Dung. Người cho lá, người cho cây, dân làng cùng nhau dựng lại căn nhà đã sập trong bão cho chị có chỗ che mưa, che nắng. “Tui đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng tui không làm được vì còn đứa con trong bụng, là giọt máu cuối cùng của anh Thành”.

Rời ấp 7, chúng tôi tìm về ấp 1, đây cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề của bão Linda. Nhà bà Phạm Ngọc Ánh (SN 1944, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội), một trong những hộ nghèo của địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Gia đình bà Ánh có đến 4 người con (3 người con ruột và 1 con nuôi) cùng 5 người cháu tử nạn sau cơn bão lịch sử. Chiếc tàu cá cùng ngư cụ là gia sản duy nhất của gia đình bị bão xé tan, nhấn chìm giữa lòng đáy biển.

14-58-46_1_cu_phm_ngoc_nh_du_buon_chi_ve_nhung_di_nh_cu_du_con
Cụ Phạm Ngọc Ánh đau buồn chỉ về những di ảnh của đứa con

Năm nay bà đã 73 tuổi, cái tuổi đáng lý ra phải ngồi hưởng phúc, được con cháu phụng dưỡng, giờ thì bà dọn dẹp đồ đạc, quét dọn nhà cửa để chuẩn bị làm giỗ cho những người con cháu, nhìn cảnh tượng này không ai cầm được nước mắt. Nói chuyện với chúng tôi, bà Ánh liên tục lấy tay lau những giọt nước mắt đau thương. Bà nói: “Giỗ chung cho 4 anh em nó. Mới đó đã 20 năm. Nếu chúng còn sống giờ tôi đã có đàn cháu bồng cháu bế rồi…”.
 

Những con số

Cơn bão lịch sử ngày này 20 năm trước khiến riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Minh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội thông tin: “Trước bão Linda, ngư dân trên địa bàn ít ai tin rằng vùng biển bao đời lặng sóng này lại có thể xảy ra bão lớn. Chính vì vậy, ý thức phòng tránh bão của ngư dân còn thấp. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tang thương đến vậy. Không được như bây giờ, hầu như tất cả phương tiện ra khơi, ngoài việc đầu tư tàu công suất lớn còn trang bị đầy đủ phao cứu sinh cùng thiết bị vô tuyến, viễn thông để có thể tiếp nhận thông tin thời tiết ở bất cứ vị trí nào trên biển”.

Ông Đảm cho biết thêm: “Phần lớn, những người dân tại xã còn khó khăn về kinh tế, đa phần là hộ nghèo. Hàng năm, địa phương cũng kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ thêm vốn để giúp đỡ các hộ này. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm ở địa phương cho các chị em khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn cũng có các xí nghiệp sơ chế nhỏ, cơ bản đã giải quyết hơn 100 lao động để đảm bảo cuộc sống cho người dân”.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, lễ tưởng niệm chính thức các ngư dân tử nạn trong cơn bão Linda sẽ được tổ chức tại xã Khánh Hội (huyện U Minh) vào sáng ngày 2/11, với sự tham gia của hàng trăm người, trong đó có những gia đình có thân nhân bị tử nạn. Ngoài ra, 2 địa điểm khác cũng tổ chức lễ tưởng niệm là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm