| Hotline: 0983.970.780

Không có chuyện rau quả VN có nguy cơ cấm XK sang EU

Thứ Năm 09/10/2014 , 09:45 (GMT+7)

EU chỉ cảnh báo đối với 5 mặt hàng rau gia vị (húng quế, ớt, cần tây, khổ qua và ngò gai) mà thôi, chứ không có chuyện sẽ cấm tất cả các mặt hàng rau quả của VN.

* Cả 3 lô hàng rau gia vị bị phát hiện có côn trùng đều thuộc 1 DN 

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định, Cục BVTV chỉ tạm ngừng làm thủ tục XK đối với 5 loại rau gia vị vốn có số lượng XK vô cùng nhỏ bé, và không có chuyện rau và hoa quả VN có nguy cơ bị EU cấm NK.

17-38-21_hong-trung

Thưa ông, có phải EU cảnh báo sẽ cấm NK rau quả từ VN nếu phát hiện thêm 2 lô hàng vi phạm vệ sinh ATTP? Vì sao lại có chuyện đó?

Mới đây, EU có thông báo cho Cục BVTV về việc từ đầu năm 2014 đến nay, họ đã phát hiện 3 lô hàng rau gia vị của VN nhiễm các loại côn trùng gây hại, đa số là nhiễm ruồi đục quả.

Cụ thể họ cho biết có 5 mặt hàng rau gia vị gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng) và ngò gai bị phát hiện nhiễm côn trùng. Theo quy định, họ cho biết nếu phát hiện thêm 2 lô hàng thuộc 5 loại rau gia vị nêu trên của VN bị phát hiện nhiễm côn trùng thì sẽ cấm NK 5 loại rau này vào EU.

Như vậy, họ chỉ cảnh báo đối với 5 mặt hàng rau gia vị này mà thôi, chứ không có chuyện sẽ cấm tất cả các mặt hàng rau quả của VN. Xin nói thêm, hiện ở phía Nam cũng chỉ có 2-3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn SX các loại rau gia vị này để XK sang EU, do vậy số lượng DN và kim ngạch XK là vô cùng bé trong tổng lượng rau quả XK sang EU.

Thường thì mỗi chuyến hàng XK sang EU, họ chỉ XK kiểu “đi kèm” theo 20-30kg rau gia vị. Mặc dù vậy, để bảo vệ cho mục tiêu lâu dài nhằm giữ thị trường XK, chúng tôi đã yêu cầu phải tạm dừng làm thủ tục XK đối với 5 loại rau trên cho tới ngày 1/2/2015. Còn lại, tất cả các loại rau quả khác vẫn sẽ XK bình thường.

Vậy có chuyện rau VN xuất khẩu sang EU nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe không?

Như đã nói, phía EU cho biết họ chỉ phát hiện có 3 lô hàng rau gia vị bị nhiễm côn trùng, đa số là ruồi đục quả.

Chúng ta đều biết ở nước nhiệt đới như VN, ruồi đục quả là một loại côn trùng rất bình thường, nhưng ở các nước ôn đới như EU, nó lại là thuộc diện phải kiểm soát. Cục BVTV cũng đã nhiều lần kiến nghị với EU rằng các loại ruồi đục quả là côn trùng bình thường ở nước nhiệt đới và không gây độc hại, đồng thời kiến nghị họ dỡ bỏ dần việc kiểm soát các loại côn trùng này.

Tóm lại, rau của chúng ta XK sang EU chẳng bị nhiễm khuẩn gì gây hại cho sức khỏe cả, chỉ nhiễm côn trùng mà thôi.

Vậy có nhiều DN xuất khẩu các loại rau gia vị này bị phía EU phát hiện vi phạm không thưa ông?

Như đã nói, mặt hàng rau gia vị hiện chỉ có 2-3 DN ở phía Nam đủ tiêu chuẩn SX để XK mặt hàng này sang EU theo yêu cầu kiểm soát ATTP và dịch hại của Cục BVTV.

Xin nêu rõ, trong cả 3 lô hàng rau gia vị bị phát hiện có côn trùng từ đầu năm đến nay, thì cả 3 đều thuộc về duy nhất một DN (Cty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Anh Nhân, 42/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

17-38-21_ru1
Cục BVTV khẳng định, các mặt hàng rau, hoa quả vẫn XK đi EU bình thường (trừ 5 loại rau gia vị phải tạm ngừng)

Sau khi bị EU cảnh báo, chúng tôi đã làm việc và yêu cầu DN này giải trình, họ thừa nhận: Khi được cơ quan KDTV làm thủ tục kiểm dịch xong, trong quá trình đưa ra sân bay, họ đã cố tình cho thêm vào một lượng rau khác chưa được kiểm dịch để tăng số lượng lô hàng.

Lô gần đây nhất của DN này bị phía EU phát hiện vi phạm là vào ngày 17/8/2014. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị của Cục BVTV phía Nam tăng cường các biện pháp kiểm soát không chỉ đối với DN này, nếu phát hiện thêm vi phạm, sẽ cấm XK vĩnh viễn.

Xin nói thêm, ngoài việc áp dụng các quy trình canh tác theo quy định của Cục BVTV, việc xử lí các loại côn trùng này cũng rất đơn giản, chứ chẳng có gì là khó. Chỉ cần thu hoạch xong rửa cho sạch, làm khô là có thể loại bỏ hết côn trùng rồi, chỉ là do DN làm ăn kiểu hám lợi cỏn con mà thôi.

Các DN cho rằng chỉ vì một số DN vi phạm mà tạm dừng XK đối với tất cả DN khác, trong đó có các DN lâu nay không vi phạm gì thì chẳng khác “quýt làm cam chịu”?

Để răn đe và cảnh báo cho các DN khác tránh xa kiểu làm ăn chụp giật tương tự, Cục BVTV đã quyết định tạm thời ngừng XK đối với 5 loại rau gia vị đã nêu.

Bởi biết đâu đó trong số các DN còn lại, họ cũng đang gian lận vi phạm như vậy, chẳng qua chưa bị phát hiện mà thôi. Hiện cơ quan KDTV cũng chỉ kiểm soát được nguồn hàng từ nơi SX đến nơi kiểm dịch, còn kiểm dịch xong, đưa ra sân bay họ cố tình cho thêm hàng ngoài kiểm dịch lẫn vào thì làm sao chúng tôi kiểm soát được?

Cái quan trọng, mặc dù số lượng rau gia vị chúng ta XK sang EU chỉ là chiếm rất nhỏ bé so với các mặt hàng rau quả khác, nhưng để đàm phán và mở cửa được một sản phẩm XK sang EU là điều vô cùng khó khăn, vì thế, việc Cục BVTV quyết định tạm ngừng XK đối với 5 loại rau có nguy cơ này là hoàn toàn hợp lí.

Điều này phù hợp với các quy định pháp luật về KDTV hiện hành, chứ Cục không làm sai. Chúng ta không thể tham XK thêm một vài lô hàng, để rồi chỉ dính thêm 2 lô hàng vi phạm rồi phải đánh mất cả một thị trường được.

Về phía EU, Cục BVTV cũng đã gửi văn bản cho họ báo cáo các biện pháp tăng cường kiểm soát như đã nêu, và họ rất đồng tình ủng hộ. Sau ngày 1/2/2015, chúng tôi sẽ lại cấp phép XK trở lại bình thường đối với 5 loại rau gia vị này.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm