| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 13/11/2017

Không có điều luật 'chống' tẩu tán tài sản thì sửa luật cũng ...vô ích!

Nhưng, trái với sự mong đợi của cử tri, các đại biểu chỉ loay hoay bàn về việc nên công khai các bản kê khai tài sản ở nơi người phải kê khai công tác hay công khai ở chi bộ...

Bà Phạm Thị Tuyết Lan (thứ hai từ phải sang), một “cò" đất bị kết tội giữ vai trò chủ mưu trong nhóm bị cáo là cán bộ nhà nước phạm tội tham ô tài sản trong vụ tham nhũng đất đai tại quận Gò Vấp (TP.HCM), bị tuyên án chung thân năm 2010. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Quốc hội vừa thảo luận ở tổ về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Nhưng, trái với sự mong đợi của cử tri, các đại biểu chỉ loay hoay bàn về việc nên công khai các bản kê khai tài sản ở nơi người phải kê khai công tác hay công khai ở chi bộ nơi người đó sinh hoạt?

Công khai bản kê khai tài sản ở nơi người phải kê khai công tác? Nếu công khai ở cơ quan sở hay cơ quan UBND huyện, UBND tỉnh, ở huyện ủy, tỉnh ủy, mà nếu ông giám đốc sở, ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh hay ông bí thư huyện, bí thư tỉnh có tài sản có dấu hiệu bất minh, thì liệu có cán bộ nào dám lên tiếng đòi những ông đó giải trình về nguồn gốc những tài sản đó không? Câu trả lời chắc chắn là không.

Cũng như vậy, công khai tài sản ở chi bộ nơi những người đó sinh hoạt, tức là ở những chi bộ văn phòng sở, văn phòng UBND huyện, UBND tỉnh, văn phòng huyện ủy, tỉnh ủy, thì liệu có đảng viên nào dám lên tiếng đòi truy nguyên nguồn gốc những tài sản có dấu hiệu bất minh của giám đốc, chủ tịch hay bí thư hay không? Câu trả lời chắc chắn cũng là không. Và có cán bộ hay đảng viên nào dám tiết lộ những thông tin đó ra ngoài không? Khi bản kê khai tài sản của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị tiết lộ ra ngoài, bị báo chí đặt câu hỏi về nguồn gốc khối tài sản lớn đó, lập tức Chánh văn phòng UBND thành phố lên tiếng rằng sẽ cho điều tra, tìm ra người tiết lộ thông tin để xử lý, là một bài học nhớ đời.

Trước, kê khai tài sản rồi đút ngăn kéo. Nay, “công khai” những bản kê khai tài sản ở cơ quan người bị kê khai hay ở chi bộ nơi người đó sinh hoạt, thì bí mật lại hoàn bí mật. Lại một thứ “đèn cù”. Điều mà cử tri đòi hỏi là phải công khai trước toàn dân, để toàn dân giám sát.

Ai cũng biết, không kẻ tham nhũng nào lại “dại dột” mà đứng tên những tài sản tham nhũng được. Nhiều ngày qua, dư luận hết sức xôn xao trước việc con cái hay bố mẹ các quan chức, mới ngoài 20 tuổi hay đã 70, 80 tuổi, chẳng làm gì nhưng lại đứng tên sở hữu những khối tài sản khổng lồ. Ai cũng biết nguồn gốc những tài sản đó. Các cơ quan chức năng cũng biết, nhưng lại bị luật trói tay, vì luật không cho phép truy nguyên nguồn gốc tài sản của thân nhân quan chức. Điều mà cử tri hết sức mong đợi chính là sửa điều luật đó, cho phép truy nguyên nguồn gốc của thân nhân quan chức, chặn đứng việc kẻ tham nhũng tẩu tán tài sản có được do tham nhũng.

Các đại biểu Quốc hội có biết điều đó không? Biết. Không đại biểu nào không biết. Nhưng vì sao ngoài thiếu tướng Sùng Thìn Cò lên tiếng rằng muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải kê khai và truy nguyên nguồn gốc tài sản 3 đời: Bố mẹ, bản thân và vợ con người phải kê khai, còn thì không có bất cứ đại biểu nào lên tiếng? Hay là...

Không có điều luật ngăn chặn được kẻ tham nhũng tẩu tán tài sản, thì có sửa luật đến bao nhiêu lần, cũng vẫn vô ích.

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm