| Hotline: 0983.970.780

Không có gì ngại ngần nếu ở rể

Thứ Năm 31/10/2013 , 10:19 (GMT+7)

Hãy nói chồng quên tâm lý “chó nằm gầm chạn” mà người Bắc hay xem nặng đi. Bố mẹ nào có thể là hậu phương vững thì nên theo, đỡ cực nhọc lúc kinh tế gieo neo này...

Cô kính mến!

Lấy được bằng đại học ở một trường tư ở HN, cháu về BN quê chồng. Yêu nhau khi cháu vào năm thứ ba, lấy bằng là cưới, nghĩ cũng phiêu lưu nhưng không còn cách nào khác. Chồng cháu làm quản lý công nhân ở khu công nghiệp gần nhà, lương tạm đủ cho cháu lúc chờ việc.

Nhà chồng cháu ở ngoại ô thị xã, có chút đất thổ cư, có vài ba sào ruộng bố mẹ chồng cháu vẫn sống bằng thu nhập từ đó. Không tả thì cô cũng biết là bấp bênh, chật vật, đúng không cô? Rồi cháu mang bầu và sinh con, gánh nặng chồng thêm gánh nặng.

Khi con hơn tuổi, cháu bàn với bố mẹ chồng lên phố thuê chỗ để cháu mở quán cháo lươn, việc mà hồi bé cháu rất thạo. Chỗ ấy cũng gần nơi chồng cháu làm, khách hàng thường xuyên là công nhân nhà máy. Nguồn nguyên liệu được mẹ cháu ở NA tổ chức gửi ra bằng xe khách.

Công việc tạm ổn, bà nội ôm cháu để cho cháu toàn tâm với cửa hàng xây dựng kinh tế gia đình. Cô sẽ băn khoăn sao cháu có bằng đại học mà không đi xin việc. Cô ơi, xin việc phải có tiền mà bây giờ, người ta sợ tiền là bẫy nên phải có quan hệ thân quen. Nhưng bố mẹ chồng cháu là nhà nông, tiền không có mà quan hệ cũng không. Vả lại, bằng cấp ở cái trường tư ấy cũng không danh tiếng gì, cái bằng tin học ấy mà.

Thời kinh tế đi xuống, chỗ làm của chồng cháu lung lay, thu nhập ít hẳn. Tiền thuê chỗ của cái quán lại bị tăng 6 tháng một lần. Bố mẹ cháu ở NA bàn cháu nên về trong ấy, bố mẹ có sẵn một cái nhà mặt đường ở thị trấn, có thể sống được bằng cửa hàng tạp hóa, bán kèm cháo lươn nữa nếu cháu thích. Nhưng như vậy thì cháu phải mang con về, chồng cũng theo về, xem như từ nay không đi làm công chức hay công nhân chi cả, nhà cửa ấy, cứ buôn bán vặt như bao người.

Cô thấy như thế có bấp bênh không? Bố mẹ chồng cháu không có ý giữ vì ông bà còn chú em út chưa lập gia đình nữa và chị chồng cháu có gia đình cũng ở gần chỗ ấy. Người phản đối là chồng cháu, anh sợ cảnh bám vào nhà vợ. Nhưng anh cũng không gay gắt lắm.

Cháu nghĩ, nếu cháu quyết thì anh sẽ xiêu vì ở đâu cũng là tạm thời, không việc gì là mãi mãi cả. Khi kinh tế phục hồi, nhà máy hồi sinh, anh sẽ về với chỗ cũ và cháu lại ra, đúng không cô?

Mong cô giúp cháu những lời khuyên có ích nhất.

Cô giữ kín email cho cháu. 

Cháu thân mến!

Có một lời khuyên lâu nay cho thanh niên và cả phụ huynh là không cứ gì đi đại học thì mới dễ lập thân. Nền giáo dục của mình nó lệch ở chỗ đó. Bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt của cha mẹ để con có tấm bằng đại học nhưng học xong thì đi làm đủ thứ nghề mà không có sự chuyên nghiệp với nghề nào cả.

Như cháu đó, thi đã khó, học không ít tiền bạc và công sức nhưng việc làm thì không thấy đâu. Cô nói là nói chung, sự lệch lạc từ thiết kế vĩ mô đến tâm lý con người ở xứ sở thích danh hơn thích thực này.

Cháu đi bán hàng là cháu đã trở về với đời sống thực. Dĩ nhiên cháo lươn thì cũng bấp bênh, như mọi thứ hàng quán khác. Nếu cháu đi trung cấp và cái sự đào tạo ở xứ mình nó căn bản thì cháu đã có thể có việc có đồng lương ổn định hơn, không phải quay về quê mình chỉ để bán cháo lươn.

Nhưng đứa con nó không chờ gì cả ngoài tiền bạc và một tương lai được bảo đảm. Bố mẹ cháu chắc thấy cháu sống như vậy thì thương tâm quá, con nhỏ không được ở gần, nhà thuê chỗ mướn, cũng chỉ làm cái việc cháu đã thạo từ bé. Nếu bố mẹ cháu có sẵn nhà để các cháu về không tốn khoản thuê chỗ thì tiền ấy, đủ nuôi con của cháu rồi. Cũng là một lối ra sáng tươi và hợp lý lúc này.

Hãy nói chồng quên tâm lý “chó nằm gầm chạn” mà người Bắc hay xem nặng đi. Bố mẹ nào có thể là hậu phương vững thì nên theo, đỡ cực nhọc lúc kinh tế gieo neo này. Con rể sẽ được đánh giá cao và được thương như con ruột khi người đó giỏi giang, chân thực, biết cư xử. BN và NA quả là xa, nhưng trước mắt, hãy theo phương án ấy đi đã. Như cháu nói, xê dịch là tâm lý chung của người trẻ thời nay, không ở đâu là mãi mãi, miễn nơi mình đến nhiều hứa hẹn hơn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.