| Hotline: 0983.970.780

Không có nghĩa cử với nhau khi người nhà hoạn nạn thì không ra sao cả?

Thứ Hai 12/06/2017 , 06:50 (GMT+7)

Chị tôi, chị cả, người từng làm bố mẹ tôi nở mày nở mặt và giúp đỡ gia đình rất nhiều nay suy sụp, tan nát, như một đế chế suy tàn...

Chị Dạ Hương kính mến!

Bố mẹ chúng tôi có tới 3 con gái nhưng chỉ có mỗi một con trai. Chị em nhất thân nhất phận, biết thế nhưng chúng tôi đều san sẻ nhau từ đồng tiền bát gạo lúc khó khăn cho đến vui và buồn nhà nhau. Em trai chúng tôi là út, được các chị quan tâm mọi nhẽ, nhưng em dâu chúng tôi thuộc loại được đằng chân lần đằng đầu, thói thường là vậy đúng không chị?

Chị gái cả của chúng tôi một thời là cứu tinh của gia tộc, vì anh rể tôi là quan chức ở một nơi mà người ta vẫn nói là “nhiều màu”. Cũng vì những đồng tiền dễ dàng ấy mà ba đứa con trai của anh chị đều khó bảo, dở ương. Tôi thứ hai, vợ chồng tôi sống với phương châm khắc kỷ, ai sao mặc không nhòm ngó so đo, từ từ mà tiến. Nhà chỉ con gái một bề, nhưng hai đứa đều tự lập và hiện đều vác ba lô đi cả rồi chị ạ, không để bố mẹ mất tiền học chi cả, thế có sướng không kia chứ. Em gái dưới tôi khá phong lưu tuy không bằng chị cả, vợ chồng viên chức, đồng lương thong dong, con gái con trai đủ cả nhưng học ở trong nước chứ không dám ôm mộng nước ngoài. Riêng em út chúng tôi ôm bố mẹ ở quê, nông dân chật vật, vì vậy mà chúng tôi không tiếc với vợ chồng nó điều gì.

Vấn đề hiện nay là chị tôi, chị cả, người từng làm bố mẹ tôi nở mày nở mặt và giúp đỡ gia đình rất nhiều nay suy sụp, tan nát, như một đế chế suy tàn. Chị từ nhà và đất khắp nơi vì con mà đâm ra nợ nần sụp đổ. Anh rể tôi bị ung thư và qua đời 6 tháng sau đó. Thôi thì cả hai quay cuồng vì con nợ và những đứa con trai con dâu cháu chiết “đồng loạt nổi loạn” của nhà chị.

Chúng tôi là hai người điềm tĩnh nhất trong mọi lúc, thấy nên ra tay như thế nào để cứu giúp một gia đình từng có công với gia tộc. Nhưng em gái và em rể tôi cực kỳ chống đối, vào bề nó còn có đứa em dâu ở quê. Tôi bảo, vì sao hồi trước anh chị cả cho tiền tậu ruộng thì hớn hở, giờ động tới góp tiền trả nợ cho anh chị thì lại làm như chuyện của người ngoài? Bố mẹ tôi đã già mất thế, không ý kiến gì được. Chị tôi tự ái, không muốn gặp mọi người còn ba đứa con trai chị thì về quê “khủng bố” cậu mợ.

Rồi cũng sẽ có cách nhưng mà, sao chị tôi có công và có lực mà giờ đâm ra nông nỗi thế chị? Chúng tôi không ơn chị bằng em trai và em gái áp út nhưng thái độ chúng nó như thế là không chấp nhận được. Chúng còn bảo, đồng tiền vào không khó, nó dễ đội nón ra đi, lạ gì! Phán như là kẻ thù phán ấy chị.

------------------

Bạn thân mến!

Có một vấn đề lớn trong lá thư này bạn ạ. Đó là đồng tiền ở những gia đình theo bạn nói là “nhiều màu”. Tôi nhớ ngày má tôi còn sống, ai hỏi tôi làm nghề gì, bà nói vui mà rất đúng “Nó làm nghề gì mà quanh năm không thấy ai biếu xén gì trơn!”. Vậy đó, để biết bà từng thấy những gia đình người ta ùn ùn xếp hàng đến biếu xén.

Dĩ nhiên những nhà ấy sẽ không có con ngoan trò giỏi, dễ hiểu thôi, quy luật tiền đen nó vậy đó. Làm sao các con nó có cần kiệm, tự lập và cả liêm sỉ? Ai dạy chúng điều đó đây? Tôi nhớ có một bà ngân hàng đã nhờ vài bà bạn mình gọi điện giả vờ đòi nợ bà ta để ra cái điều với đứa con xài tiền như nước rằng “mẹ lâm nợ đấy, liệu hồn!”. Nhưng đứa con nó biết tỏng, nó bật lại luôn, nó bảo mẹ đóng kịch vụng lắm lắm, cuối cùng người mẹ phải lưu đứa con đi Sài Gòn để cho nó tránh xa mấy cái ổ bạn xấu của nó.

Chao ơi, tiền sạch và tiền bẩn. Hậu quả của nó nhãn tiền chứ không mấy đời chi cả. Khi chị cả của bạn thời phong độ, chị ấy thấy có trách nhiệm giúp bố mẹ và các em, âu là, tiền mưa móc, rải đều cho mọi người, tìm thấy cho mình chút bình an. Giờ anh rể mất, chị cả liêu xiêu nợ nần và con hư hỏng, phải giúp lại để thoát hiểm chứ. Bạn là chị thứ, dưới chị cả đang là “nạn nhân”, bạn đứng ra huy động và cầm trịch đi. Đừng chấp những đứa con đang mồ côi cha ấy, chúng có quậy cậu mợ ở quê có lẽ vì chúng nghĩ cậu mợ là người hàm ơn mà quẹt mỏ, không có trước có sau, không ruột thịt, không biết cư xử.

Đồng tiền vào ra thế nào mình đã biết, không vì quy luật nghiệt ngã ấy mà ruột thịt lại bỏ rơi nhau. Cũng như với người tù, ai bỏ chạy mặc, mình là anh chị em, mình không có nghĩa cử với nhau khi người nhà hoạn nạn thì không ra sao cả. Việc khó dài lâu là đám cháu ruột kia đang trớn hư, làm sao dừng quá trình ấy lại và cho nó nên người, đó mới là sự góp công quan trọng nhất, cấp bách nhất mà cũng bền bỉ nhất.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.