| Hotline: 0983.970.780

Không có sổ tiết kiệm vẫn khai được thừa kế?

Thứ Sáu 08/06/2012 , 09:30 (GMT+7)

Trong lúc các sổ tiết kiệm nằm trong tủ sắt thì chị H.L. vẫn làm được thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với 23 tài khoản ngân hàng.

* Di sản chỉ khoảng 500 tỉ đồng?

Trong lúc các sổ tiết kiệm ngân hàng của bà P. đang nằm trong tủ sắt thì tháng 5-2011, chị H.L. vẫn làm được thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với 23 tài khoản ngân hàng của người mẹ tỉ phú quá cố.

>> Người con nuôi lên tiếng


Một căn nhà của bà T.K.P. ở đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TP.HCM

Như đã thông tin, sau khi bà T.K.P. chết đột ngột vào tháng 3-2011, để lại khối di sản khổng lồ thì giữa các anh em của bà P. và chị T.H.H.L. (con gái nuôi của bà P.) xảy ra tranh chấp dẫn đến việc hai bên thỏa thuận thuê tủ sắt tại Sacombank để cất số tài sản chờ giải quyết. Đến cuối tháng 5-2012, hợp đồng thuê tủ sắt mới thanh lý. Thế nhưng, trong lúc các sổ tiết kiệm ngân hàng của bà P. đang nằm trong tủ sắt thì tháng 5-2011, chị H.L. vẫn làm được thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với 23 tài khoản ngân hàng. Việc công chứng khai nhận thừa kế này có đúng với quy trình, thủ tục của luật pháp hay không?

Theo các tài liệu chúng tôi có được, trong văn bản khai nhận di sản thừa kế của chị H.L. được niêm yết công khai tại UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, chị H.L. khai nhận là người thừa kế duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà P.. Tài sản khai nhận gồm 23 tài khoản ngân hàng. UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú đã có văn bản thông báo cho phòng công chứng rằng đã thực hiện niêm yết tại UBND phường từ ngày 28-4 đến 29-5-2011, không ai có ý kiến, tranh chấp gì.

Công chứng dựa trên văn bản xác nhận của ngân hàng

Vẫn còn quyền tranh chấp tại tòa án

Cho dù người con gái nuôi của bà T.K.P. đã hoàn thành thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với 23 tài khoản ngân hàng thì những người anh chị em của bà T.K.P. hoặc người khác vẫn còn quyền khởi kiện tại tòa án tranh chấp tài sản do bà T.K.P. để lại, bao gồm tài sản chưa khai nhận di sản thừa kế và 23 tài khoản đã khai nhận di sản thừa kế.

Người có yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác có thời hạn 10 năm để khởi kiện kể từ ngày bà T.K.P. qua đời. Người có yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của bà T.K.P. có thời hạn ba năm để khởi kiện kể từ ngày bà T.K.P. qua đời.

Tuy nhiên, muốn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh và làm cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình (như di chúc, giấy nợ, giấy gửi giữ tài sản, giấy tờ hùn hạp, giấy nhờ đứng tên giùm...).

Nếu có tranh chấp tại tòa án, bản án có hiệu lực của tòa án là quyết định sau cùng, có hiệu lực thi hành.

LS TRƯƠNG THỊ HÒA

Sau khi nhận văn bản trên, Phòng công chứng số 1 đã công chứng hồ sơ khai nhận di sản thừa kế cho chị H.L.. Theo hồ sơ niêm yết thì 23 tài khoản ngân hàng trên được khai nhận theo giấy xác nhận số dư tài khoản của các ngân hàng, chứ phía người khai nhận là chị H.L. cũng không trưng ra được các sổ tiết kiệm của bà P.. Lãnh đạo Phòng công chứng số 1 khẳng định quy trình, thủ tục mà công chứng viên đã công chứng hồ sơ khai nhận di sản của chị H.L. là đúng pháp luật.

Tuy nhiên quan điểm của các công chứng viên nói chung về vấn đề này có những điểm khác nhau. Có công chứng viên cho rằng giấy tờ xác nhận của ngân hàng cũng có thể được chấp nhận là giấy tờ thay thế để chứng minh người để lại di sản có tài sản tại ngân hàng. Nhưng cũng có công chứng viên lại bày tỏ sự ngại ngần, cho rằng cần phải kiểm tra và yêu cầu người kê khai phải cung cấp thêm giấy tờ khác thì mới công chứng.

Luật sư Đặng Ngọc Châu - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết theo quy định của Luật công chứng, thông thường khi chứng hợp đồng mua bán nhà hay khai nhận di sản thừa kế về nhà ở thì bắt buộc người công chứng phải có bản chính giấy tờ sở hữu nhà, để chứng minh tài sản đó có thực và người đi công chứng có quyền sở hữu hợp pháp về tài sản. Về chuyện giấy xác nhận của ngân hàng có thể thay thế giấy tờ sở hữu tài sản hay không, theo luật sư, thẩm quyền xem xét sẽ thuộc về tòa án nếu có tranh chấp về việc khai nhận di sản thừa kế này.

Được biết, ngay sau khi Phòng công chứng số 1 xác nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế của chị H.L. thì ông T.V.Ph. (em ruột bà P.) đã có văn bản khiếu nại Phòng công chứng số 1 và gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an. Theo gia đình ông Ph., khi phía gia đình ông biết được việc chị H.L. làm thủ tục kê khai di sản thừa kế thì đã quá trễ.

Trong tháng 6-2011, chị H.L. cũng có làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với chiếc ôtô của bà P. tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc (Q.Gò Vấp). Văn bản khai nhận di sản vừa được niêm yết thì ông Ph. đã có khiếu nại cho rằng chiếc xe trên gia tộc ông đã thống nhất giao cho chị H.L. sử dụng, nhưng nếu chị H.L. kê khai di sản thừa kế thì sẽ gây thất thoát khối di sản thừa kế. Ông Ph. đề nghị văn phòng công chứng không chứng việc khai nhận này, chờ phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, do ông Ph. không cung cấp được chứng cứ nên văn phòng công chứng vẫn công chứng văn bản kê khai chiếc ôtô của chị H.L..

Chờ giám định xong sẽ khởi kiện đòi tài sản

Ngày 7-6, luật sư của ông T.V.Ph. khẳng định các anh em của bà T.K.P. không hề có ý định tranh chấp di sản thừa kế với chị H.L. mà chỉ đề nghị chị H.L. giao lại những tài sản mà các anh em đã gửi từ nước ngoài về cho bà P. đầu tư. Bản thân ông Ph. cũng không có tranh chấp quyền lợi gì ở đây. Khi ở Đức về VN, ông Ph. đã được bà P. ký một hợp đồng cho tặng đất ngày 30-7-2009 tại văn phòng công chứng Chợ Lớn, TP.HCM. Anh em ở Đức đều gửi tiền về cho bà P. mua đất, dự tính sau đó ai về VN định cư đều được bà P. làm giấy cho tặng lại. Ông Ph. chỉ đứng ra làm đại diện cho anh em bên Đức lấy lại số vốn làm ăn đã hùn hạp với bà P. trước đây.

Luật sư của ông Ph. cũng nói: “Tổng số tài sản của bà P. kê khai trong vi bằng do thừa phát lại Q.Bình Thạnh lập, tính ra chỉ khoảng 500 tỉ đồng chứ không phải 1.000 tỉ như báo chí thông tin. Trong số 500 tỉ đồng này, sự hùn hạp của anh em gia tộc đã hơn một nửa. Chúng tôi có đủ giấy tờ liên quan chứng minh các lần anh em bên Đức gửi tiền cho bà P.. Nhiều giấy viết tay, email trao đổi giữa bà P. và anh em ở Đức ghi rõ đã dùng số tiền đó vào việc gì, mua bao nhiêu đất cho ai, diện tích bao nhiêu... Hiện chúng tôi đã gửi toàn bộ giấy tờ liên quan đi giám định ở Bộ Công an và trong thời gian sớm nhất sẽ nộp đơn khởi kiện đòi lại phần đóng góp này”.

Theo luật sư Nguyễn Bảo Trâm - người bảo vệ quyền lợi cho chị H.L., do phía gia đình ông Ph. đã không thực hiện đúng cam kết giữa các bên theo các vi bằng đã được lập, cũng không có sự tranh chấp nào về tài sản mà bà T.K.P. để lại đã được tòa thụ lý, nên để thực hiện quyền thừa kế của mình theo luật định, chị H.L. đã thực hiện khai nhận di sản gồm các khoản tiền gửi tại ngân hàng và chiếc ôtô của mẹ. Cho đến nay, H.L. vẫn là người thừa kế hợp pháp duy nhất của mẹ. Trong hơn một năm qua, bốn người cậu của chị H.L. chưa đưa ra hay đề cập đến chứng cứ chứng minh quyền của mình có trong khối di sản mà mẹ của chị H.L. để lại và từ chối những đề nghị thương lượng của chị H.L.. Ông Ph. bảo chị H.L. cứ kiện ra tòa án nhưng chị không muốn làm việc này. Theo luật sư Trâm, để giữ hòa khí gia đình, chị H.L. chỉ mong muốn gia đình hợp tác nhằm tìm hướng giải quyết có tình, có lý.

Theo Tuổi trẻ

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất