| Hotline: 0983.970.780

Không có vacxin, chống dịch thế nào?

Thứ Ba 14/02/2012 , 10:32 (GMT+7)

Khó khăn nhất của VN trong phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay là không có vacxin hữu hiệu để khắc chế nhánh virus mới Clade 2.3.2 đang rất phổ biến tại khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trước tình này, VN sẽ triển khai chống dịch thế nào để hạn chế bùng phát thành đại dịch?

* Thành lập 7 đoàn kiểm tra, phòng chống dịch

* Từ ngày 15/2 tổng tiêu độc, khử trùng

Kiểm soát chặt việc buôn bán gia cầm trái phép, tuồn ra từ ổ dịch là rất quan trọng

Khó khăn nhất của VN trong phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay là không có vacxin hữu hiệu để khắc chế nhánh virus mới Clade 2.3.2 đang rất phổ biến tại khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trước tình này, VN sẽ triển khai chống dịch thế nào để hạn chế bùng phát thành đại dịch?

Trao đổi với NNVN hôm qua 13/2, TS. Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, trước bối cảnh nóng bỏng của dịch cúm gia cầm, Cục đang làm thủ tục nhập thêm 60 triệu liều vacxin để cấp cho các địa phương chủ động phòng chống dịch. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là vacxin nhập về chỉ có tác dụng với chủng virus cũ đang tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ, còn đối với chủng virus mới có tác dụng bảo hộ rất thấp. “Vì thế, công tác chống dịch càng trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi ý thức chủ động phòng chống rất cao của cả chính quyền địa phương, người chăn nuôi và toàn lực lượng thú y” –  ông Kỳ nhấn mạnh.

Liên quan đến chủng virus mới, ngay từ tháng 9/2010, Cục Thú y đã theo dõi sát sao chủng virus Clade 2.3.2 khi chúng nhanh chóng biến đổi và phát triển thành 2 nhánh phụ có sự khác biệt lớn về kháng nguyên: Nhánh phụ 1 gọi là 2.3.2-A lưu hành rộng rãi ở hầu khắp các tỉnh, còn nhánh phụ 2 gọi là 2.3.2-B (FAO gọi là H5N1 – 2.3.2.1) chưa có vacxin phòng chống hữu hiệu (FAO đã lo ngại lên tiếng cảnh báo đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới từ nhánh này).

Đáng ngại hơn, kết quả thí nghiệm của Cục Thú y liên quan đến nhánh virus Clade 2.3.2 từng cho thấy, sau khi công cường độc lực: 100% gà chết trong vòng 3 ngày và 20% vịt chết trong vòng 7 ngày. Như vậy có thể thấy, nhánh virus mới này rất độc với gà và đang lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thay thế cho nhánh virus cũ 2.3.4.

Hiện tại, hai cường quốc về sản xuất vacxin cúm gia cầm là Trung Quốc và Mexico vẫn chưa có loại vacxin để khắc chế chủng virus mới này. Còn tại VN, dù đã rất cố gắng nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ Khoa học- Công nghệ vẫn chưa cho ra đời sản phẩm vacxin phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở VN.

Câu hỏi đặt ra là VN sẽ chống dịch thế nào khi vũ khí quan trọng là vacxin không có? Theo TS. Văn Đăng Kỳ, thực ra thì trong năm 2011 Cục Thú y đã phát hiện chủng virus mới Clade 2.3.2 tại nhiều tỉnh thành phía Bắc và miền Trung như Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị… và sau đó đã dập tắt thành công.

“Kinh nghiệm cho thấy, trong bối cảnh chưa có vacxin đặc hiệu thì ý thức chủ động phòng chống dịch của chính quyền, thú y và người dân là cực kỳ quan trọng để khống chế dịch. Việc cần làm ngay là các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm nhằm tổ chức bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới nhen nhóm. Ngoài ra, phải đẩy mạnh công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại tại các cơ sở chăn nuôi, các chợ đầu mối buôn bán gia cầm sống; đồng thời kiên quyết xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu; tăng cường khuyến cáo đến từng thôn xóm để nhân dân không mua bán, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh… Thực ra, những biện pháp nêu trên không phải mới, nhưng có điều khi được chính quyền, nhân dân và lực lượng thú y thực hiện một cách nghiêm túc và trách nhiệm đã giúp hạn chế được sự lây lan của dịch cúm gia cầm trong năm 2011” - TS. Kỳ khẳng định.

Và để nâng cao ý thức “chống dịch cúm gia cầm như chống hỏa” trong bối cảnh vacxin đặc hiệu chưa có, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng vừa có Quyết định (số 229/QĐ-BNN-TY) thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại 48 tỉnh, thành phố. Nhiệm vụ của các đoàn là kiểm tra, đánh giá tình hình dịch và hoạt động phòng chống. Kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, hóa chất và triển khai công tác chống dịch. Đồng thời kiểm tra công tác tổ chức theo dõi, giám sát để phát hiện các ổ dịch, báo cáo, quản lý và kiểm soát các ổ dịch, tiêm phòng trước và sau khi có dịch cúm gia cầm.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tất cả 7 đoàn phải gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Cục Thú y trước ngày 15/2/2012. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, bắt đầu từ ngày mai 15/2, tất cả các tỉnh thành sẽ tổ chức “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc”, kéo dài đến 15/3/2012 theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT. Theo đó, tất cả các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống ở khu vực nông thôn; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm… đều triển khai thực hiện tiêu độc, khử trùng.

Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện theo đúng nội dung và thời gian nêu trên, đồng thời tổ chức việc kiểm tra thực hiện và báo cáo BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

ĐÃ CÓ 9 TỈNH PHÁT DỊCH CÚM GIA CẦM

Hôm qua 13/2, Cục Thú y thông báo đã có thêm 3 tỉnh phát dịch cúm gia cầm.

Cụ thể, tại Kiên Giang dịch cúm gia cầm xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi thuộc ấp Nguyễn Vũ, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng làm 221 con gà trong tổng đàn 221 con mắc bệnh, chết 150 con.

Tại Thái Nguyên dịch xảy ra tại 2 hộ gia đình xóm La chùa, xã Bá Xuyên, thị xã Sông Công với tổng số 1.035 con (gồm 715 vịt, 310 gà, 10 chim bồ câu, 315 quả trứng).

Còn tại Bắc Giang, dịch xuất hiện tại một hộ chăn nuôi thuộc xã An Thượng, huyện Yên Thế làm 600 con gà ốm, chết trong tổng đàn 1.000 con.

Như vậy, hiện cả nước đã có tới 9 tỉnh gồm: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng và Kiên Giang có dịch cúm gia cầm.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất